Áo phao cứu hộ dựa trên nền tảng IoT

.

Sản phẩm áo phao cứu hộ dựa trên nền tảng IoT (IoT - Internet of Things, Internet vạn vật) của nhóm sinh viên Khoa Điện - Điện tử, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật (Đại học Đà Nẵng) được đánh giá cao bởi tính tiện lợi và khả năng sử dụng công nghệ định vị toàn cầu để xác định vị trí của phao qua hệ thống vệ tinh…

Một mặt của chiếc áo phao được gắn các thiết bị công nghệ (ảnh trái) và người dân Đà Nẵng trải nghiệm áo phao cứu hộ dựa trên nền tảng IoT. Ảnh: H.L
Một mặt của chiếc áo phao được gắn các thiết bị công nghệ (ảnh trái) và người dân Đà Nẵng trải nghiệm áo phao cứu hộ dựa trên nền tảng IoT. Ảnh: H.L

Sinh viên Dương Bảo Nguyên, thành viên nhóm nghiên cứu cho biết, áo phao cứu hộ được làm từ chất liệu sợi polyester tráng nhựa PU có độ co giãn và chống mài mòn tốt. Cốt phao làm từ xốp Ldpe-Foam ép thành hai lớp mỏng, tăng độ phẳng và độ bền. Sự kết hợp này tạo ra áo phao cứu hộ an toàn, đáng tin cậy và có tuổi thọ cao. Quá trình thiết kế, nhóm tích hợp khối nguồn và khối vi xử lý thành một khối thống nhất. Trong đó, khối nguồn cung cấp năng lượng cho khối vi xử lý, còn khối vi xử lý đảm nhiệm vai trò điều khiển, xử lý dữ liệu từ các cảm biến như cảm biến nhịp tim, cảm biến nước và hệ thống định vị toàn cầu.

Mặt khác, tính ưu việt của áo phao cứu hộ là được trang bị cảm biến và kết nối không dây, cho phép theo dõi vị trí và tình trạng của người đang gặp nguy hiểm trong nước. Cụ thể, khi phát hiện sự cố, phao cứu hộ sẽ tự động gửi thông báo cứu hộ tới các trạm cứu hộ, nhân viên an toàn nước, giúp tăng cường khả năng phản ứng và cứu hộ kịp thời. TS. Trần Hoàng Vũ, Khoa Điện - Điện tử, giảng viên hướng dẫn cho biết, hệ thống áo phao gồm 2 phần chính: áo phao công nghệ và phần mềm ứng dụng quản lý áo phao.

Với hệ thống này, nhân viên quản lý dễ dạng theo dõi tình trạng của các phao thông qua giao diện ứng dụng web và điều hành nhân viên cứu hộ đến ứng cứu kịp thời. Mỗi phao đều có chức năng định vị và vị trí được đánh dấu trên bản đồ giúp nhân viên biết chính xác địa điểm cần cứu hộ. Việc tích hợp công nghệ sẽ truyền dữ liệu cảnh báo ở khoảng cách không giới hạn, kịp thời, tránh tình trạng chậm trễ. “Khi các cảm biến đọc được dữ liệu nhịp tim, tình trạng của người dùng không ổn định sẽ gửi tin nhắn khẩn cấp SMS có đính kèm đường dẫn đến trang web quản lý giúp xác định vị trí chi tiết và chỉ đường cho nhân viên ứng cứu kịp thời”, TS. Trần Hoàng Vũ lý giải thêm.

Thống kê từ Ban Quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng, trung bình mỗi năm, trên các bãi biển du lịch xảy ra hơn 70 vụ tai nạn, mất an toàn vì nước. Đây là nguyên nhân chính thúc đẩy nhóm sinh viên quyết tâm sáng chế áo phao cứu hộ trên biển dựa trên nền tảng IoT. Sinh viên Trần Lê Minh cho biết, quá trình thử nghiệm tại những môi trường nước khác nhau, áo phao cứu hộ đã đáp ứng đầy đủ tính năng mà nhóm đặt ra, như định vị giúp xác định vị trí của phao trên bản đồ; giám sát sự an toàn của người dùng thông qua các thông số và cảnh báo liên quan; thông báo tin nhắn khẩn cấp về người quản lý; kết nối truyền thông không dây truyền dữ liệu đến máy chủ… Những tính năng này giúp áo mang lại sự an toàn và bảo vệ người dùng trong môi trường nước.

Có thể nói, sự ra đời của áo phao cứu hộ dựa trên nền tảng IoT mang đến hy vọng cho người dân và du khách có nhu cầu tắm biển hoặc tham gia các trò chơi giải trí biển. Ông Nguyễn Đức Vũ, Trưởng ban Quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng thông tin, hiện Đội cứu nạn có 94 người, chia làm 19 tổ công tác thực hiện nhiệm vụ tuần tra, bảo đảm an toàn cho khách tắm biển. Mỗi ngày, đội bắt đầu làm việc từ 4 giờ 30 và kết thúc lúc 22 giờ.

Do vậy, dù triển khai giăng phao tại các khu vực tắm an toàn, lắp đặt nhiều biển cảnh báo, nhưng bờ biển trải dài hơn 30km khiến công tác cứu hộ khá vất vả. “Được biết, ngoài tính năng an toàn, việc ứng dụng công nghệ IoT trong chế tạo áo phao giúp quản lý và phân tích dữ liệu về tai nạn đuối nước. Các dữ liệu này có thể được sử dụng để phân tích xu hướng và đưa ra các biện pháp phòng ngừa tai nạn đuối nước. Tôi hy vọng, sản phẩm ra đời sẽ góp phần nâng cao chất lượng và an toàn trong lĩnh vực du lịch nói chung và du lịch biển nói riêng”, ông Vũ cho hay.

HUỲNH LÊ

;
;
.
.
.
.
.