Cầu ngói Thanh Toàn

.

* Cầu ngói Thanh Toàn ở thị xã Hương Thủy, thành phố Huế, ra đời từ bao giờ và có nét gì chung so với Chùa Cầu ở thành phố Hội An? (Trịnh Thành Tín, quận Liên Chiểu, Đà Nẵng).

Cầu ngói Thanh Toàn trong đêm diễn ra “Chợ quê ngày hội” vào những ngày cuối tuần. Ảnh: V.T.L
Cầu ngói Thanh Toàn trong đêm diễn ra “Chợ quê ngày hội” vào những ngày cuối tuần. Ảnh: V.T.L

- Chùa Cầu ở Hội An và cầu ngói Thanh Toàn ở vùng ngoại ô Huế là hai cây cầu cổ có mái che. Tuy nhiên, mỗi cây cầu có một “lý lịch” riêng.

Công trình cầu có mái che xuất hiện đầu tiên ở Việt Nam từ giữa thế kỷ XV, khi người Nhật xây Chùa Cầu ở Hội An. Sau đó, thế kỷ XVIII, tại làng Thanh Toàn ở cố đô Phú Xuân (nay thuộc làng Thanh Thủy Chánh, xã Thủy Thanh, thị xã Hương Thủy, thành phố Huế) xuất hiện thêm công trình kiến trúc theo cũng kiểu “thượng gia hạ kiều” như thế. Cho đến nay, Chùa Cầu ở Hội An (Quảng Nam) và cầu ngói Thanh Toàn (Thừa Thiên Huế) vẫn là hai cây cầu đẹp cổ kính, thu hút khách du lịch tới thưởng lãm.

Theo giới thiệu của Trung tâm thông tin Du lịch (vietnam-tourism.com) của Tổng cục Du lịch Việt Nam, làng Thanh Toàn được thành lập vào thế kỷ XVI, do 12 vị tộc trưởng dẫn dắt những di dân từ đất Thanh Hóa theo chúa Nguyễn Hoàng vào lập nghiệp ở đất Thuận Hóa và tạo nên 12 họ khai canh của làng. Bà Trần Thị Ðạo, một người cháu thuộc thế hệ thứ sáu của họ Trần đã hiến cúng kim ngân để làng xây dựng một chiếc cầu gỗ bắc qua một con mương chảy từ đầu đến cuối làng, tạo thuận tiện cho dân làng qua lại và làm nơi dừng chân cho lữ khách vãng lai.

Bà Trần Thị Ðạo là vợ vị quan cao cấp dưới triều vua Lê Hiển Tông nhưng không có con. Bà muốn dùng tiền của mình để làm phúc cho dân làng, cho xứ. Bà được dân làng tôn sùng, thờ phụng. Năm 1776, vua Lê Hiển Tông đã ban sắc khen ngợi bà Trần Thị Ðạo. Năm 1925, vua Khải Ðịnh cũng ban sắc phong thần cho bà là Dực Bảo Trung Hưng Linh Phò và lệnh cho dân lập bàn thờ cúng bà ngay trên cầu.

Bài viết “Nơi ở xưa của các hoàng tử, công chúa nhà Nguyễn” đăng trên zingnews.vn cho biết, cầu ngói Thanh Toàn có kiến trúc đơn giản, nhưng rất đặc trưng Huế với những chi tiết mosaic (tác phẩm nghệ thuật hoặc hình ảnh được tạo nên từ việc tập hợp những mảnh nhiều màu sắc từ kính, đá hoặc các vật liệu khác) gốm sứ trên mái, đà gỗ chạm khắc đơn sơ nhưng không kém phần bay bổng.

Theo mô tả của Trang thông tin điện tử tổng hợp khám phá Huế (khamphahue.com.vn), cầu ngói Thanh Toàn được xây dựng theo lối “thượng gia hạ kiều” (trên nhà, dưới cầu), được chia thành các gian, mỗi gian như một ngôi nhà nhỏ trong ngôi nhà lớn. Thân cầu được làm bằng gỗ, phía trên lợp mái ngói ống tráng men. Khác với các cầu ngói ở Bắc Bộ dùng ngói vảy cá hoặc mũi hài thì cầu Thanh Toàn dùng ngói lưu ly.

Về kết cấu phần “thượng gia”, cầu ngói sử dụng hệ vì kèo gỗ với 7 gian. Gian giữa cầu cũng là gian lớn nhất là nơi thờ bà Trần Thị Đạo, 6 gian còn lại có kết cấu đối xứng nhau, đều có hai dãy bục gỗ và lan can, chia ra “làn đi bộ” ở giữa và “làn nghỉ chân” ở hai bên, tạo sự duyên dáng, hài hòa cho cây cầu ngói.

Mặc dù có nhiều nét tương đồng trong kiến trúc nhưng Chùa Cầu (Hội An) sử dụng linh vật là Chó, Khỉ để trang trí, còn cầu ngói Thanh Toàn lại dùng Rồng, Phượng để đắp trang trí ở các bờ nóc của mái ngói; đầu hồi trang trí pháp lam, hoa văn cũng đều cùng một chủ đề “hóa rồng”.
Cầu ngói Thanh Toàn đã được Bộ Văn hóa (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là Di tích văn hóa cấp quốc gia vào năm 1990.

ĐNCT

;
;
.
.
.
.
.