Con dốc buộc chiếc nơ xanh

.

1. Chiếc xe Honda 50 cũ kỹ chầm chậm ngoặt từ bên kia đường Trần Cao Vân rồi loạng choạng bò lên con dốc nhỏ ở cổng trường. Dường như đã cố hết sức nên đến lưng chừng con dốc, xe bỗng tắt máy, loạng choạng rồi dừng lại. Nàng cuống cuồng chống vội chân xuống mặt nền xi-măng nham nhở, hai tay bóp chặt phanh để giữ thăng bằng. Đang lúc hoang mang tột độ không biết làm sao để xuống xe… thì từ phía sau lưng vang lên giọng nói quen thuộc:

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

- Để tôi giúp cho. Cô giáo từ từ xuống xe kẻo ngã.

- Ôi, chú Thẩm. May có chú không thì hôm nay tôi “đo đất” rồi.

Trong khi nàng rối rít cám ơn thì chú Thẩm, người trực bảo vệ ở cổng trường, cẩn thận đưa con xe máy già nua vào nhà xe bên sát dãy hàng rào.

Ngôi trường mang tên chí sĩ Thái Phiên, nơi nàng mới chuyển về dạy hơn một năm nay, nằm trên đường Trần Cao Vân, ở vùng ngoại ô thành phố. Con dốc nhỏ dẫn vào trường như một “đặc sản” riêng mà chẳng ngôi trường nào ở Đà Nẵng sở hữu được. Nghe nói ngày trước con dốc còn dễ sợ hơn nhiều.

Chuyện té xe, trầy chân, rách áo… tại con dốc liêu xiêu này đã trở thành câu chuyện nơi cửa miệng của các cô giáo ngày đó. Qua nhiều đận mở đường, tu sửa trường ốc, con dốc bây giờ trở nên dịu dàng hơn dưới bóng cây phượng vĩ trước sân trường.

Nàng vẫn nhớ cái ngày về nhận công tác, thấy cái dốc sừng sững đi qua cổng trường mà choáng ngợp.

Nhìn xuống đôi guốc gỗ cao gót và tà áo dài lụa mới may, nàng cẩn trọng dắt xe máy chầm chậm leo dốc. Đang giờ ra chơi, học trò tụ tập ở sân trường đông như hội bỗng dừng phắt lại khi thấy nàng ngượng nghịu xuất hiện ở lưng chừng con dốc với chiếc nón bài thơ buộc quai màu tím Huế. Cái phút giây ngưng đọng giữa sân trường càng làm nàng thêm bội phần lúng túng. “A…, cô giáo mới về tụi bây ơi!”. Tiếng một đứa học trò reo lên đột ngột khiến nàng giật mình, đôi guốc gỗ bỗng dưng lật kèo, đôi chân chới với chực ngã.

Khoảnh khắc nàng tưởng chừng sắp “chết đứng như Từ Hải” ấy bỗng được hóa giải bởi bác cai trường. Đó là cách gọi đầy yêu thương mà xưa nay đám học trò ngoại ô dành cho người bảo vệ già cần mẫn.

Trong khi chú Thẩm, nàng loáng thoáng nghe gọi như thế, dắt hộ chiếc xe máy thì mấy đứa học trò lăng xăng nhặt giúp nàng túi xách và nón lá nằm lăn lóc giữa đám lá phượng li ti rụng vàng mặt đất…
Bất chợt ngước nhìn lên, nàng bắt gặp một chiếc nơ màu xanh lúng liếng nhìn mình đầy tinh nghịch.

2. Nàng ngồi vào bàn định viết tiếp những hồi ức dang dở thì trời đổ mưa. Mà cơn mưa hôm nay cũng lạ lắm. Không phải là cơn mưa giông sấm động ba đào thường thấy ở mùa hè mà lại rả rích đầy phiền muộn kiểu thu phai. Ngoài cửa sổ, màu bằng lăng tím đến nao lòng phút chốc trở thành đường dẫn ray rứt đưa nàng xuyên không trở về ký ức như một phép màu trong câu chuyện của chú mèo máy Doraemon.

Ngày đó, chuyện nàng ngã lăn quay ở ngay con dốc vào ngày đầu nhận nhiệm sở chẳng mấy chốc như cơn gió bay khắp trường. Vừa bước vào phòng Ban Giám hiệu, thầy Hiệu phó nhìn nàng bằng cái giọng Huế đặc sệt:

- Trường ni đo đất lâu rồi nghe. Không cần đo lại mô! Cô chưa về nhưng danh sách sở đã gửi tới trường mấy hôm ni rồi. Đây là thời khóa biểu của cô, lo mà liên hệ với tổ trưởng và các giáo viên nhận lớp hí!

Sau cái tiếng “hí” chót vót như nốt cao trào trong một bài nhạc là cái quay người đầy lạnh lùng. Nàng hơi hụt hẫng. Bởi trước khi đến nhận việc, nàng đã chuẩn bị thật kỹ cho buổi gặp mặt đầu tiên với ban giám hiệu nhà trường. Chí ít cũng uống với nhau chén trà, hỏi thăm mọi chuyện về gia cảnh, lý do chuyển công tác, vân vân và vân vân... Đại loại là nàng đã có thời gian khá dài công tác ở các hội, đoàn thể nên quen với thông lệ, ngày đầu tiên đi làm thường dành trọn thời gian lê la khắp các phòng, ban để chào hỏi, trà nước làm quen. Sau này, khi làm việc cùng nhau, nhất là thời gian chuẩn bị cho Lễ kỷ niệm 40 năm thành lập Trường Ngoại Ô - Thái Phiên nàng mới hiểu hơn cách làm việc vô cùng nguyên tắc, “trong ấm ngoài lạnh” của người hiệu phó đáng kính.

Chưa hết những bất ngờ, khi vào nhận lớp chủ nhiệm, nàng định bụng sẽ nói nhiều điều gan ruột với học trò. Bởi sau nhiều năm lang bạt với nhiều công việc khác nhau, đây là ngày đầu tiên nàng trở về đứng trên bục giảng. Nàng chưa kịp nói tiếng nào thì bỗng dưng ở cuối lớp bật lên tiếng cười khúc khích. Theo phản xạ, nàng lia ánh mắt khó chịu nhìn về kẻ phạm thượng thì va phải đôi mắt đen tròn và chiếc nơ buộc tóc ngúng nguẩy đầy tinh nghịch. Không để cho nàng có thời gian phát tiết, con bé tóc buộc nơ đứng dậy nói liền một mạch:

- Thưa cô, trên tóc cô vướng mấy chiếc lá vàng. Khi cô vào lớp, trông cô giống như nàng công chúa đi ra từ rừng.

Cả lớp cười ầm khiến nàng “đứng hình” trong phút đầu gặp gỡ...

Ngoài trời vẫn mưa, cơn mưa hiếm hoi rả rích giữa mùa hạ chỉ đủ xoa dịu mấy chiếc lá bằng lăng sắp cháy bỏng vì nắng quái chiều nay. Mặt đất nóng gặp mưa, cuộc giao hòa hóa thành những sợi khói mỏng manh bay lên nhạt nhòa như khói thuốc. Nàng bần thần sắp xếp từng ngăn ký ức của mình để không phải nhạt mờ sương khói thời gian...

Lần đó, sau cuộc họp căng thẳng với các tiểu ban chuẩn bị lễ kỷ niệm 40 năm thành lập trường, thầy hiệu phó rủ tôi ra quán uống cà phê tán dóc cho... hạ hỏa. Quán tuy cà phê không ngon nhưng được cái rộng rãi, lại sát bên hông trường nên trở thành điểm hẹn của hầu hết giáo viên trong trường. Tuy nói vậy nhưng thầy chỉ yên lặng ngồi hút thuốc bên ly cà phê đen đặc quánh. Khi điếu thuốc thứ hai chỉ còn là những vòng khói phai dần, thầy cất giọng thật trầm, chậm rãi phá tan bầu không khí im lặng:

- Các chứng minh hình học, các quy tắc vật lý, các bài học lịch sử... tất cả đều nhằm mục đích khiến cho người ta tin rằng mình đang sống trong một thế giới có trật tự tổ chức hoàn hảo. Thực ra, cuộc sống được xây dựng trên sự ngẫu nhiên...

Thầy dừng lại, có lẽ để cô giáo dạy Văn là nàng đoán già đoán non cái ý gì tiếp sau đoạn mở đầu lung khởi. Thấy nàng có vẻ sốt ruột, thầy khẽ cười:

- … Giống như cô về nhận công tác ở trường đúng vào dịp chuẩn bị lễ kỷ niệm 40 năm thành lập trường và tham gia tổ chức các sự kiện của lễ hội là một điều không hề được tiên liệu. Trong cuộc đời có được mấy cái ngẫu nhiên đầy ý nghĩa như ri? Sau này lúc kỷ niệm 50 năm hay 60 năm… thì chưa chắc mình có mặt để góp sức!

Nàng hiểu những lời gan ruột ấy, không chỉ là lời sẻ chia đơn giản.

3. Lâu ngày rồi nàng cũng quen với con dốc vào trường. Cái cảm giác giữ chặt tay ga chầm chậm chạy lên dốc thật thú vị. Con dốc nhỏ như một chiếc gạch nối giữa hai thế giới cách biệt. Chỉ cần lên đến đầu dốc là chạm ngay vào xứ sở của thần tiên của học trò. Sau lưng chỉ còn vọng lại tiếng đời ồn ào theo những vòng xe xuôi ngược trên đường.

Lại nói về con bé học trò ngồi cuối lớp buộc chiếc nơ màu xanh. Sau buổi ra mắt đầy ấn tượng, nàng bắt đầu điều tra kỹ về cô lớp phó học tập thông minh, lanh lợi của mình. Trong phiếu lý lịch con bé chỉ ghi ngắn gọn là cha làm nghề biển, mẹ buôn bán nhỏ, bản thân thích may vá, thêu thùa. Sự yêu thích của con bé cũng thật lạ so với bọn con gái cùng tuổi trong lớp. Chiếc dây buộc tóc hình chiếc nơ xanh là sản phẩm đầu tay con bé thiết kế cho riêng mình. Nó như một giấc mơ màu thiên thanh bồng bềnh trôi trên khoảng trời thêu hoa của đứa con gái tuổi trăng tròn. Mỗi lần lên lớp, nàng thường đưa mắt đi tìm giấc mơ cài trên mái tóc của học trò để nghe lòng mình yên bình hơn sau những nhọc nhằn của cuộc sống.

Rồi nàng bỗng dưng lăn ra ốm. Chỉ cảm vặt thôi nhưng lại làm nàng liêu xiêu mấy ngày trời. Hôm đi dạy lại, theo thói quen nàng nhìn xuống lớp, lòng nao nao một cảm giác thiếu vắng. Chỗ chiếc nơ màu xanh thường ngày ngồi chỉ còn là khoảng trống chênh vênh. Lớp trưởng báo cáo:

- Bạn ấy nghỉ học luôn rồi cô…

- Vì sao vậy em?

- Dạ, nghe nói cha bạn ấy đi biển bị tai nạn. Bạn nghỉ học phụ mẹ bán hàng. Nhà bạn ấy khó khăn lắm cô ơi! À, mà bạn ấy lên trường tìm cô mấy lần mà không gặp nên nhờ bọn em gởi giúp lời chào cô...

Lần đó, cũng những ngày hạ quay quắt nắng như thế này. Nàng mất cả buổi mới tìm được nhà con bé.

Một căn nhà mái tôn nóng hầm hập trong một con hẻm ngoằn ngoèo ở xóm biển Xuân Hà. Tiếng sóng xa xôi va vào bờ cát nghe như lời thì thầm vọng lại từ biển khơi. Nàng hỏi con bé có muốn theo đuổi ước mơ không? Nó gật đầu, đôi mắt trong veo ánh lên niềm hy vọng làm sáng bừng căn nhà thấp đầy bóng tối.

Sau hôm đó, ban ngày con bé phụ mẹ chạy chợ bán cá, tối đến học việc ở một tiệm may gần Cầu Vồng trên đường Lê Duẩn. Dăm bữa, nửa tháng con bé tranh thủ chạy ngang nhà nàng để khoe những thiết kế nó mới làm bằng mấy mảnh vải vụn.

Vốn dĩ cuộc đời không có lời hẹn trước.

Mấy năm sau nàng nhận quyết định chuyển trường. Nghe nói con bé cũng vào Sài Gòn tiếp tục nâng cao tay nghề. Hôm rồi có dịp ngang qua trường cũ, nhìn con dốc nhỏ đầy lá phượng bay, lòng nàng bỗng run lên vì xúc động. Bây giờ là giữa hạ, hoa phượng nở rực sân trường. Mùi đất ẩm sau cơn mưa ngai ngái vấn vương tưởng như vừa quen vừa lạ. Nghe đâu đây như có tiếng cười khúc khích của chiếc nơ xanh trên đỉnh dốc yên bình…

NHÃ CHÂU QUANG

;
;
.
.
.
.
.