Google bắt đầu đối mặt với các phiên tòa ở Mỹ từ ngày 12-9-2023 khi các quan chức chính phủ cáo buộc gã khổng lồ công nghệ hành xử độc quyền bất hợp pháp nhằm bảo vệ vị trí độc tôn của mình trong lĩnh vực tìm kiếm và quảng cáo trên internet.
Tập đoàn Alphabet - công ty mẹ của Google - có giá trị vốn hóa thị trường hiện tại là 1.700 tỷ USD. Ảnh: CNN |
Phiên tòa chính thức khơi mào cuộc chiến pháp lý giữa ngành tư pháp Mỹ với tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới có trụ sở ở bang California. Đây là phiên xét xử độc quyền đầu tiên chống lại một ông lớn công nghệ kể từ vụ kiện mang tính bước ngoặt nhằm vào Microsoft 25 năm trước.
Rắc rối pháp lý lớn nhất của Google
Trong các đơn kiện, Bộ Tư pháp và hàng chục tiểu bang như: Arizona, Illinois, Michigan, New Hampshire, Washington… dưới thời Tổng thống Mỹ Donald Trump cáo buộc Google đã chi hàng tỷ USD cho các nhà sản xuất điện thoại và các công ty trình duyệt internet để ngăn cản các công cụ tìm kiếm của đối thủ như Microsoft Bing và DuckDuckGo. Nhờ thỏa thuận với các công ty như: Apple, Samsung, Mozilla và Firefox, Google đã trở thành công cụ tìm kiếm mặc định khi hàng tỷ người dùng web mở trình duyệt trên điện thoại, máy tính bảng và máy tính cá nhân của họ.
Ngoài ra, chính phủ Mỹ cho rằng, Google hành động không công bằng thông qua một loạt thỏa thuận cho phép ứng dụng tìm kiếm của hãng này được tải trước và không thể bị xóa trên điện thoại di động chạy hệ điều hành Android.
Các đơn kiện riêng rẽ kéo dài trong những năm qua được tập hợp thành một vụ kiện duy nhất. Theo đó, tòa án sẽ xác định Google với tư cách là công cụ tìm kiếm mặc định trên nhiều trình duyệt khác nhau có phải là một dạng hành vi độc quyền hay không. Dự kiến các phiên xét xử sẽ kéo dài vài tuần, nhưng có thể vài năm, với sự xuất hiện của nhiều nhân chứng quan trọng, gồm các giám đốc điều hành hàng đầu của Google và công ty mẹ Alphabet, cũng như những nhân vật từ các công ty công nghệ lớn khác; trong đó có thể có ông Sundar Pichai - Tổng Giám đốc điều hành (CEO) Alphabet và ông Eddy Cue - Phó Chủ tịch cấp cao về dịch vụ của Apple.
Google nói gì?
Vụ kiện diễn ra trong bối cảnh các biểu tượng Big Tech của Mỹ (Google, Meta, Apple, Microsoft, Amazon) đang vật lộn với thách thức kỹ thuật to lớn của ChatGPT và những tiến bộ trí tuệ nhân tạo (AI) khác. Kết quả của vụ kiện có thể giúp định hình bối cảnh kinh doanh công nghệ khi bước vào kỷ nguyên AI mới.
Google khẳng định các hoạt động kinh doanh của họ là hợp pháp, và trả tiền để xuất hiện trên trình duyệt Safari của Apple hoặc Firefox của Mozilla, thỏa thuận này giống như việc một nhà sản xuất ngũ cốc trả tiền cho các siêu thị để trữ hàng. Gã khổng lồ tìm kiếm cũng nhiều lần lập luận rằng, Apple và Mozilla tự nguyện tìm đến mình vì tính ưu việt của công cụ này, chứ không phải vì họ bị ép buộc chia sẻ doanh thu, hay vì nguyên nhân nào khác.
Google cũng cho rằng, chính phủ Mỹ đang lập luận sai lầm nhắm vào tập đoàn này. Google thành công vì tạo ra công cụ tìm kiếm tốt nhất. Người tiêu dùng có quyền lựa chọn sử dụng các công cụ tìm kiếm khác, nhưng họ vẫn chọn Google.
Phép thử cho những ông lớn công nghệ
Tập đoàn Alphabet - công ty mẹ của Google - có giá trị vốn hóa thị trường hiện tại là 1.700 tỷ USD, với 182.000 nhân viên. Trong đó, mảng tìm kiếm chiếm hơn một nửa trong doanh thu 283 tỷ USD và lợi nhuận ròng 76 tỷ USD mà Alphabet đạt được trong năm 2022.
Nếu thua kiện, Google sẽ bị áp một số giới hạn kinh doanh, chẳng hạn các thỏa thuận với Apple, Samsung… sẽ bị vô hiệu hóa. Theo đó, một phán quyết như vậy có thể phá vỡ các phân khúc thị trường, giảm tầm vóc và sức ảnh hưởng của Google trong ngành công nghệ, hạn chế cách mà “gã khổng lồ” này cạnh tranh trên thị trường và cải tổ quyền lực ở Thung lũng Silicon.
Đây cũng là phép thử đối với các chính phủ khác khi cho rằng những tập đoàn công nghệ của Mỹ ảnh hưởng quá nhiều đến cuộc sống trực tuyến của con người. Luật chống độc quyền của Mỹ được viết lần đầu tiên cách đây hơn một thế kỷ và phiên tòa ở Washington sẽ cho thấy liệu có thể dùng luật này để kiềm chế ngành công nghệ đang phát triển nhanh hay không.
Vụ kiện của chính phủ Mỹ chống lại Microsoft từ năm 1998 là dấu hiệu khởi đầu cho sự sa sút của đế chế này. Lúc đó, Washington cho rằng, công ty phần mềm của tỷ phú Bill Gates đã lợi dụng sự thống trị về hệ điều hành máy tính để chèn ép những phần mềm mà họ coi là mối đe dọa đối với sự bá chủ của Windows. Microsoft nhận án phạt nhẹ nhàng nhưng tầm ảnh hưởng bị sụt giảm đáng kể. Giờ đây, Google có thể chịu số phận tương tự. Không những thế, Apple và Amazon và Meta cũng bị đưa vào tầm ngắm trong lúc chính phủ của Tổng thống Joe Biden đang siết chặt Luật chống độc quyền nhằm bảo đảm sự cạnh tranh công bằng trên thị trường và ngăn chặn các hành vi như phá giá sản phẩm, thâu tóm công ty đối thủ…
KHÁNH LINH (theo New York Times, The Christian Science Monitor, AP)