Hãy để vũ khí hạt nhân trở thành quá khứ!

.

Thế giới đang bước vào kỷ nguyên mà nhiều quốc gia có thể sở hữu vũ khí hạt nhân hơn bất kỳ thời điểm nào trong lịch sử. Hướng đến một thế giới không có vũ khí hạt nhân là mong muốn chung của nhân loại nhưng các nước vẫn bất đồng về mục tiêu này.

Hãng thông tấn KCNA của CHDCND Triều Tiên công bố bức ảnh vào tháng 3-2023 cho thấy một tên lửa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân “thực hiện một cuộc phản công hạt nhân”. Ảnh: AFP/Getty Images
Hãng thông tấn KCNA của CHDCND Triều Tiên công bố bức ảnh vào tháng 3-2023 cho thấy một tên lửa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân “thực hiện một cuộc phản công hạt nhân”. Ảnh: AFP/Getty Images

Hiện có 9 nước sở hữu hạt nhân, gồm: Mỹ, Nga, Trung Quốc, Pháp, Anh, Ấn Độ, Pakistan, CHDCND Triều Tiên và Israel. Song, Israel không công khai thừa nhận sở hữu vũ khí hạt nhân.

“Ở quá lâu dưới bóng vũ khí hạt nhân”

Trong ngày cuối cùng phiên họp cấp cao lần thứ 78 của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc ở New York (Mỹ) hôm 26-9-2023, Tổng Thư ký Liên Hợp  Quốc Antonio Guterres nhận định: “Một cuộc chạy đua vũ trang mới đáng lo ngại đang diễn ra. Số lượng vũ khí hạt nhân có thể tăng lần đầu tiên sau nhiều thập niên”. Ông Guterres nói rằng, các cường quốc hạt nhân đang làm cho kho vũ khí của họ nhanh hơn, chính xác hơn và khó bị phát hiện hơn. Ông kêu gọi khôi phục, tăng cường các hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân và cấm vũ khí hạt nhân. “Thế giới đã ở quá lâu dưới bóng vũ khí hạt nhân. Hãy lùi khỏi bờ vực thảm họa. Hãy mở ra kỷ nguyên hòa bình mới cho tất cả mọi người. Hãy làm nên lịch sử bằng cách để vũ khí hạt nhân trở thành quá khứ. Việc sử dụng bất kỳ vũ khí hạt nhân nào - bất kỳ lúc nào, nơi nào, bối cảnh nào - sẽ tạo ra một thảm họa nhân đạo có quy mô lớn”, ông Guterres cảnh báo.

Lo ngại của Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc không phải không có cơ sở. Tháng 6-2023, Viện Nghiên cứu Hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI) có trụ sở tại Thụy Điển, công bố báo cáo cho hay, các cường quốc hạt nhân toàn cầu đã tăng đầu tư vũ khí hạt nhân năm thứ ba liên tiếp vào năm 2022.

Tính đến tháng 1-2023, 9 nước sở hữu hạt nhân có tổng cộng 12.512 đầu đạn hạt nhân, với 9.576 đầu đạn được lưu trữ trong kho dự trữ sẵn sàng sử dụng, tăng 86 đầu đạn so với một năm trước. Nga và Mỹ - hai nước sở hữu gần 90% vũ khí hạt nhân của thế giới, lần lượt có 1.674 và 1.770 đầu đạn được triển khai. Tính đến đầu năm 2022, Nga có khoảng 1.588 đầu đạn, Mỹ có 1.744 đầu đạn.

Về phía Trung Quốc, năm 2022, kho vũ khí hạt nhân của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã tăng từ 350 lên 410 đầu đạn. SIPRI cho rằng, đến cuối thập niên này, số tên lửa đạn đạo liên lục địa của Bắc Kinh có thể ngang với Mỹ hoặc Nga.

Đối thoại, ngoại giao và đàm phán

Các giải pháp đối thoại, ngoại giao và đàm phán để giảm căng thẳng, chấm dứt mối đe dọa hạt nhân là trọng tâm trong cách tiếp cận giải trừ vũ khí hạt nhân của Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres. Ông nhấn mạnh sự cần thiết phải củng cố, tái cam kết thực hiện cơ chế giải trừ và không phổ biến vũ khí hạt nhân được xây dựng trong nhiều thập niên, gồm: Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT), Hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân (TPNW) và Hiệp ước cấm thử hạt nhân toàn diện (CTBT). Theo đó, con người phải luôn kiểm soát và chịu trách nhiệm về bất cứ quyết định nào liên quan việc sử dụng vũ khí hạt nhân.

NPT là thỏa thuận ngăn chặn việc gia tăng vũ khí hạt nhân và thúc đẩy hợp tác trong việc sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình. Trong khi đó, TPNW cấm các nước thành viên tham gia phát triển, thử nghiệm, sản xuất, mua lại, sở hữu, dự trữ, sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân; cấm triển khai vũ khí hạt nhân trên lãnh thổ quốc gia khác và cung cấp hỗ trợ cho bất kỳ quốc gia nào tiến hành các hoạt động bị cấm. TPNW chính thức có hiệu lực vào tháng 1-2021 nhưng không có sự tham gia của 5 nước thành viên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (Mỹ, Anh, Pháp, Nga và Trung Quốc). Các quốc gia khác như Ấn Độ, Pakistan, CHDCND Triều Tiên và Israel cũng từ chối tham gia.

CTBT cấm các vụ thử vũ khí hạt nhân và bất kỳ vụ nổ hạt nhân nào khác, cả mục đích dân sự lẫn quân sự. Hiệp ước này được Đại hội đồng Liên Hợp Quốc thông qua vào tháng 9-1996, được 178 quốc gia phê chuẩn nhưng chưa có hiệu lực vì vắng bóng 8 nước; trong đó Mỹ, Trung Quốc, Israel, Iran, Ai Cập đã ký hiệp ước nhưng chưa phê chuẩn; Ấn Độ, Triều Tiên và Pakistan chưa đặt bút ký.

Hiện cơ chế duy nhất ràng buộc hai cường quốc hạt nhân Nga và Mỹ là Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược mới New START. Hiệp ước này có hiệu lực đến tháng 2-2026. Tuy nhiên, New START chỉ giới hạn số lượng vũ khí có thể được triển khai, chứ không giới hạn số lượng vũ khí mà các quốc gia có thể dự trữ. Vì vậy, thế giới vẫn đối mặt với mức độ rủi ro hạt nhân cao nhất trong gần 4 thập niên qua.

Loại trừ vũ khí hạt nhân là cách duy nhất để bảo đảm không bao giờ sử dụng chúng nữa. Song, không dễ thực hiện điều này khi các nước nhận ra nhiều nguy hiểm đe dọa sự tồn vong của quốc gia họ. Nếu các cường quốc hạt nhân không cắt giảm kho vũ khí của mình, không cam kết với mục tiêu chung kiểm soát vũ khí toàn cầu, giấc mơ về một thế giới không có vũ khí hạt nhân sẽ khó trở thành hiện thực.

“Vì sự an toàn của mọi người trên toàn cầu, chúng ta phải tiếp tục nỗ lực hướng tới một thế giới không có mối đe dọa hạt nhân” 

Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres

KHÁNH LINH (theo Daily Mail, AFP)

;
;
.
.
.
.
.