Hiroshima muốn hạc giấy thành di sản tư liệu

.

Chính quyền thành phố Hiroshima (Nhật Bản) và các nhà vận động đang nỗ lực thúc đẩy kế hoạch đưa những con hạc giấy origami - một biểu tượng của hòa bình và phong trào chống phổ biến vũ khí hạt nhân - trở thành một phần trong Chương trình Ký ức thế giới của UNESCO.

Những con hạc giấy mà Sadako Sasaki gấp khi nằm viện. Ảnh: Kyodo
Những con hạc giấy mà Sadako Sasaki gấp khi nằm viện. Ảnh: Kyodo

Hôm 28-8, chính quyền thành phố Hiroshima cùng một nhóm các nạn nhân sống sót trong vụ ném bom nguyên tử đang sống ở Brazil đã nộp đơn lên Ủy ban quốc gia UNESCO Nhật Bản, đề nghị đưa hạc giấy thành di sản Ký ức thế giới của UNESCO. Bộ Văn hóa Nhật Bản cho biết sẽ xem xét và tháng 11 sẽ trả lời việc có chấp thuận đề nghị này và chuyển lên UNESCO hay không.

Câu chuyện truyền cảm hứng

Những người tham gia chiến dịch vận động hy vọng những con hạc giấy (tiếng Nhật là “orizuru”) do cô bé Sadako Sasaki gấp trước khi mất, kèm theo những chứng từ lưu lại cho thấy các kết quả xét nghiệm máu của em, sẽ là một phần của chương trình Ký ức thế giới của UNESCO vào năm 2025.

Cô bé Sadako Sasaki là một trong những “hibakusha” nổi tiếng nhất ở Hiroshima. Hibakusha là từ tiếng Nhật chỉ những nạn nhân của vụ ném bom nguyên tử xuống Hiroshima và Nagasaki. Hibakusha có thể dịch ra là “những người bị ảnh hưởng bởi vụ nổ” (bom nguyên tử).

Khi Mỹ ném bom nguyên tử xuống thành phố Hiroshima của Nhật vào ngày 6-8-1945, cô bé Sadako Sasaki mới 2 tuổi và đang cùng anh trai Masahiro các thành viên khác ở trong ngôi nhà của họ nằm cách nơi bom nổ khoảng 1,6km, theo Kyodonews.

Do phơi nhiễm phóng xạ, em bị mắc bệnh máu trắng. Theo báo Japan Times, những triệu chứng bệnh bắt đầu phát lộ năm 1954 và Sasaki phải vào viện điều trị. Trong những ngày nằm viện, Sadako đã gấp cả ngàn con hạc giấy với hy vọng sẽ vượt qua bạo bệnh. Nhưng em đã không thể vượt qua số phận và qua đời ở tuổi 12 vào tháng 10-1955. Dù qua đời, nhưng câu chuyện của Sadako Sasaki và những con hạc giấy đã trở thành biểu tượng thắp sáng hy vọng, truyền cảm hứng sống mãnh liệt cho những bệnh nhân ung thư máu trên toàn thế giới.

Tại Công viên tưởng niệm hòa bình Hiroshima, nơi có đặt bức tượng tưởng nhớ cô bé Sadako Sasaki, các du khách khi tới đây vẫn tiếp tục mang đến những con hạc giấy đủ màu. Trên trang web của thành phố Hiroshima, họ công bố địa chỉ tiếp nhận hạc giấy của mọi người từ khắp nơi trên thế giới. Khi nhận được, họ sẽ thay mặt người gửi, mang chúng tới đặt tại Tượng đài Hòa bình Trẻ em.

Lan tỏa thông điệp hòa bình

Cho tới bây giờ ông Masahiro, anh trai của Sadako, năm nay đã 82 tuổi, vẫn nhớ như in những kỷ niệm về cô em gái thân thương. Khi nhập viện vào tháng 2-1955, Sadako đã cắn răng chịu đựng những cơn đau đớn dữ dội vì không muốn cha mẹ tốn tiền trị bệnh cho em. Thậm chí, biết anh trai thích ăn mì udon, cô bé còn rủ anh tới căng tin bệnh viện để cùng anh ăn món mì này.

Ký ức không thể quên về cô em gái bé bỏng xấu số cũng là động lực để ông Masahiro và những người thân khác dành tâm sức chuẩn bị mọi hồ sơ cần thiết, bên cạnh những con hạc giấy còn có các vật dụng khác, những tấm hình và cả các bản chữ viết tay của Sasaki để nộp lên Ủy ban quốc gia UNESCO Nhật Bản. Họ đã chuẩn bị cho việc này suốt mấy năm qua khi chủ ý hướng tới cuộc họp của UNESCO vào năm 2025, cũng là thời điểm đánh dấu kỷ niệm 80 xảy ra sự kiện Hiroshima bị ném bom.

“Nếu việc ghi nhận này được thực hiện vào năm 2025, thời điểm đánh dấu 80 năm kể từ vụ ném bom nguyên tử xảy ra, điều đó sẽ gửi đi một thông điệp lớn với thế giới về hạc giấy và hòa bình”, ông Yuji Sasaki, người cháu trai 51 của bà Sadako nói với báo Japan Times.

Tờ báo cũng dẫn nguồn tin từ Bộ Giáo dục, Văn hóa, Thể thao, Khoa học và Công nghệ Nhật Bản cho biết, Ủy ban quốc gia UNESCO Nhật Bản sẽ chọn các hồ sơ đề cử vào khoảng giữa tháng 11 năm tới để tới cuối tháng đó sẽ nộp lên cơ quan văn hóa của Liên Hợp Quốc. Quyết định cuối cùng về việc di sản tư liệu nào sẽ được đưa vào Chương trình Ký ức Thế giới sẽ được thông báo vào mùa xuân năm 2025.

Chương trình Ký ức thế giới (hay còn có tên gọi khác là chương trình Di sản tư liệu thế giới) của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) được khởi xướng từ năm 1992 với mục đích bảo tồn và quảng bá những (bộ) tư liệu có giá trị đang được lưu trữ tại các cơ quan, thư viện và bảo tàng trên toàn thế giới. Tư liệu đó có thể là cuốn sách, bộ phim, bức ảnh, giọng nói (băng ghi âm) hay bút tích… Nước ta đã có những di sản tư liệu đã được UNESCO đưa vào Chương trình Ký ức thế giới như: Mộc bản triều Nguyễn (2009), Bia tiến sĩ Văn Miếu Quốc Tử Giám (2011), Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm (2012), Châu bản triều Nguyễn (2014), Mộc bản trường học Phúc Giang (2016), Văn thơ trên kiến trúc cung đình Huế (2016), Hoàng hoa sứ trình đồ (2018).

TRẦN ĐẮC LUÂN

;
;
.
.
.
.
.