1. Cuốn tạp văn “Có một Hà Nội trong tôi” của tác giả Vũ Công Chiến (NXB Trẻ, 2023) lưu lại những hồi ức, cảm xúc, suy tư, trăn trở của ông từ lúc còn là chú bé con theo bố mẹ từ chiến khu về Hà Nội sau ngày bộ đội ta tiếp quản Thủ đô năm 1954 tới hiện tại, khi tác giả bước vào tuổi 70.
Kết cấu cuốn sách gồm ba phần: “Hà Nội, gia đình và tuổi thơ tôi”; “Hà Nội, một thời tuổi trẻ” và “Một nét riêng tư gợi nhắc cho ai…”. Mỗi phần bao quát một giai đoạn khác nhau trong cuộc đời tác giả nhưng đều gặp nhau ở điểm chung là gắn liền với giai đoạn dài của lịch sử Thủ đô từ khi chiến tranh tới ngày hòa bình.
Dưới ngòi bút của tác giả, không chỉ ký ức tuổi thơ của một chú bé Hà Nội hiện ra sống động, giản dị, đầy thương mến mà khung cảnh và đời sống con người Thủ đô giai đoạn 1950-1970 cũng được tái hiện một cách tỉ mỉ, chi tiết với đủ khung cảnh, màu sắc, âm thanh…
Một mặt, “Có một Hà Nội trong tôi” mang dáng dấp của cuốn hồi ký riêng tư và giàu cảm xúc, mặt khác, nó lại như những trang nhật ký ghi lại những biến chuyển của Thủ đô qua góc nhìn của con người sống trong lòng nó.
2. Từng đoạt Giải thưởng Văn học Hội Nhà văn Việt Nam năm 2021, tác phẩm Một ví dụ xoàng (NXB Hội Nhà Văn, 2021)của nhà văn, nhà báo Nguyễn Bình Phương kể về vụ án một tử tù thời bao cấp. Anh tên Sang, có bằng tiến sĩ, một mình nuôi con túng quẫn, liều buôn bốn cân chè từ huyện Đại Từ về thành phố Thái Nguyên. Khi bị truy đuổi, anh vô tình bắn trúng một chiến sĩ, bị xử tử hình.
Nhân vật “Khách” - người con trai của Sang - sau này cất công tìm hiểu cái chết của cha. Các nhân vật của “Một ví dụ xoàng” dường như bước ra từ trong đời thực. Thực không phải bởi vì dữ kiện có thật, mà bởi đó là những mẫu hình chung của một đời sống tha hóa, của sự dửng dưng, mà bất cứ đâu, bất kỳ lúc nào ta cũng có thể nhặt ra được một nhân vật trong đời sống này. Nguyễn Bình Phương phân chia rất rõ hai tuyến nhân vật, họ hoặc hiền hòa đến độ khờ khạo, hèn nhát; hoặc dữ tợn, khôn lỏi đến vô cùng tận.
Thông qua tác phẩm này, Nguyễn Bình Phương cho rằng, mất lý tưởng sống có thể là một trong những nguyên do khiến cái ác, lòng tham của cá nhân trỗi dậy. Lý tưởng mà tác giả muốn đề cập đến không phải là lý tưởng to tát của đất nước ở một thời đại, mà là lý tưởng cá nhân. Mỗi cá nhân cũng có lý tưởng sống nhưng khi mất lý tưởng sống thì bản năng ác dễ trỗi dậy.
Dẫu vậy, dù cái ác nổi lên, tồn tại trong xã hội nhưng dễ nhìn ra và lòng tốt, người tốt vẫn chiếm đại đa số. Nhà văn với sứ mệnh của mình, không chỉ là thư ký của thời đại mà còn là ký ức của dân tộc để ghi lại, suy ngẫm thật thấu đáo mọi chuyện và chuyển tải qua trang viết, góp phần nhân rộng cái tốt, mổ xẻ và phê phán cái xấu.
MẪU ĐƠN