Những phiên tòa giả định, được xây dựng từ tình tiết vụ án có thật do Đoàn thanh niên triển khai thời gian qua đã góp phần tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho học sinh, sinh viên.
Hình ảnh xét xử tại phiên tòa giả định "Gây rối trật tự công cộng" diễn ra tại Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền năm 2023. Ảnh: H.L |
Tại phiên tòa giả định xét xử vụ án “Gây rối trật tự công cộng” diễn ra tại Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền (quận Liên Chiểu), hơn 600 học sinh đều đồng tình với bản án 2 năm tù mà Hội đồng xét xử dành cho bị cáo. Theo đó, bị cáo là thanh niên 17 tuổi, đang theo học lớp 11 đã rủ rê các đối tượng khác chuẩn bị hung khí như kiếm, dao tham gia đánh nhau với nhóm đối tượng khác. Trong quá trình hai nhóm đánh nhau, bị cáo bị công an bắt với hành vi gây rối trật tự công cộng.
Phiên tòa diễn ra với đầy đủ thành viên hội đồng xét xử, luật sư bào chữa, người làm chứng theo đúng trình tự, thủ tục quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự. Sau khi nghe bị cáo và luật sư, người làm chứng trình bày, thành viên Hội đồng xét xử, đại diện Viện kiểm sát nhân dân đưa ra những tình tiết định tội, định khung hình phạt cũng như phân tích tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự… Đặc biệt, phần đặt câu hỏi của Hội đồng xét xử cũng giúp người tham gia dễ nhớ, dễ hiểu những tình huống phạm tội để phòng, tránh cho bản thân.
Bí thư Quận Đoàn Liên Chiểu Huỳnh Thanh Bình cho biết, để chuẩn bị phiên tòa giả định này, Quận Đoàn đã phối hợp Phòng Tư pháp, Đoàn Thanh niên các cơ quan Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân và Công an quận Liên Chiểu tham khảo những vụ án có thật, từ đó xây dựng chi tiết, lên kế hoạch xét xử vừa sinh động, vừa nâng cao hiệu quả tuyên truyền. Cũng theo anh Bình, thời gian qua Quận Đoàn xây dựng nhiều mô hình tuyên truyền pháp luật, trong đó chú trọng tổ chức các phiên tòa giả định tập trung vào các tình huống tội phạm ma túy, tội cố ý gây thương tích, gây rối trật tự công cộng, không tố giác người phạm tội, trốn nghĩa vụ quân sự… tại trường học, khu dân cư. Đây là cách tuyên truyền trực quan, sinh động giúp học sinh, sinh viên, thanh niên trên địa bàn dễ dàng tiếp cận các kiến thức về pháp luật hiện hành.
Tương tự, phiên tòa giả định xét xử vụ án tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy do Đoàn khối Các cơ quan thành phố, Chi đoàn Sở Tư pháp, Chi đoàn Tòa án nhân dân thành phố, Chi đoàn Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng và Khoa Luật, Trường Đại học Đông Á tổ chức đã giúp sinh viên Trường Đại học Đông Á nắm rõ các quy định tại Điều 255, Bộ luật Hình sự. Nguyễn Văn Hùng, sinh viên Khoa Luật, Trường Đại học Đông Á cho biết, phiên tòa giả định là một phần không thể thiếu trong quá trình học tập của sinh viên ngành luật, nơi sinh viên hoặc luật sư thực tập tham gia vào vai trò của các bên để tạo ra một mô phỏng tòa án. Mục tiêu của phiên tòa giả định là rèn luyện kỹ năng, giúp người tham gia nắm vững kiến thức và quy trình tòa án. Ở khía cạnh khác, mỗi đoàn viên, thanh niên có mặt tại phiên tòa giả định sẽ có cơ hội hiểu hơn về tình huống tội phạm và diễn biến phiên tòa thực tế, từ đó chủ động phòng tránh, không để bản thân rơi vào trường hợp xét xử tương tự.
Mỗi kịch bản được xây dựng kỹ lưỡng, dựa trên tình hình vi phạm pháp luật tại địa phương và sự tư vấn, giám sát của người có chuyên môn tại đơn vị Sở Tư pháp, Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân cùng đội ngũ luật sư… Ở mỗi phiên tòa giả định, sau khi kết thúc phần xét xử thường có thêm phần hỏi-đáp nhằm giúp người tham gia nắm vững kiến thức, trình tự và quy định của một phiên tòa hình sự thực tế.
Từ đầu năm đến nay, các cơ sở Đoàn trên địa bàn thành phố đã tổ chức gần 20 phiên tòa giả định từ những tình huống vụ án có thật đã xảy ra. Anh Nguyễn Mạnh Dũng, Bí thư Thành Đoàn cho biết, phiên tòa giả định được tổ chức Đoàn thanh niên triển khai mạnh mẽ từ năm 2020. Đây là hình thức tuyên truyền pháp luật đạt hiệu quả rõ rệt, tác động trực tiếp đến nhận thức của đoàn viên, thanh niên. Từ đó, góp phần nâng cao hiệu quả tuyên truyền ý thức tuân thủ pháp luật trong cộng đồng, đặc biệt là lứa tuổi thanh niên.
HUỲNH LÊ