Chữ 'nghì' trong ca dao

.

Về từ “nghì’” trong 2 câu ca dao “Trai mà chi, gái mà chi/ Con nào có nghĩa có nghì là hơn” và “Đàn ông không râu bất nghì/ Đàn bà không vú lấy gì nuôi con”. Vậy chữ “nghì” trong 2 câu ca dao trên nghĩa là gì? (Thảo Đan, quận Sơn Trà, Đà Nẵng).

Nghì trong câu “Trai mà chi, gái mà chi”… được bachkhoatrithuc.vn giải thích: Có con trai hay con gái không quan trọng, miễn đứa con ấy biết ăn ở có hiếu, có nghĩa với cha mẹ. Câu ca dao này ra đời nhằm tuyên truyền cho cuộc vận động sinh đẻ có kế hoạch. Nội dung nó đả phá tư tưởng trọng nam khinh nữ, phải có con trai để nối dõi tông đường - hệ quả của tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên đã tồn tại hàng ngàn năm nay. Câu ca cổ động cho tư tưởng nam nữ bình quyền, con cái, dù trai hay gái, sống có lễ nghĩa, thương yêu, kính trọng cha mẹ, có trách nhiệm với xã hội, với quê hương, đất nước đều được trân quý như nhau. Cần dừng lại khi sinh đủ 2 con, dù một bề là gái, để nuôi dạy con khỏe, con ngoan, có trí, có lễ.

Về câu  từ điển này giải thích: Bất nghì tức bất nghĩa, không sống theo đạo lý, lẽ phải. Chữ nghì trong câu này cũng có ý cho rằng, nghì là nghị lực, suy diễn cho rằng đàn ông ít hoặc không có râu là do thiếu nội tiết tố nam và thiếu nội tiết tố nam nên không có nghị lực!

Bài “Phiếm luận về râu” đăng trên Khoa học và Đời sống Xuân Mậu Tý (2008) diễn giải về bộ râu như sau: Người phương Đông cũng cực kỳ coi trọng bộ râu. Bộ râu đàn ông đối sánh với bộ nhũ của đàn bà… Nghì là gì? Theo từ điển, nghì tức là nghĩa, tình nghĩa. Bất nghì tức là bất nghĩa, sống bội bạc. Nghì cũng là dũng, là oai phong. Như vậy không có râu tức là không ra thể thống đàn ông kể cả về hình dung lẫn tính cách. Bài báo cũng đưa thêm một cách nhìn khác, cho rằng, đàn ông không có râu thì tướng mạo trông không uy nghi!

Thiển nghĩ, cách hiểu, giải thích từ nghì như vậy là khiên cưỡng, làm mất thâm ý của người xưa.

Vẻ bên ngoài không quyết định phẩm chất, đạo đức của người đó. Bộ râu đẹp làm tăng thêm oai vệ của người đàn ông, nhưng không thể nói người không có râu là người sống không tình nghĩa, không thủy chung, không hiếu thuận với ông bà, cha mẹ. Có ý giải thích người không râu thì không uy dũng, không mạnh mẽ, nhưng thực tế cho thấy, người không râu họ vẫn là tướng tài trí khiến đối phương phải kinh hồn, khiếp vía khi đương đầu, họ vẫn trung với nước, hiếu với dân, với cha mẹ, họ vẫn có con đàn, cháu đống!

Không thể nói người không có râu là người không tình nghĩa, hiếu thuận, thủy chung, không oai phong lẫm liệt. Từ cách lập luận này, chúng tôi cho rằng người ta đã không chính xác khi dẫn từ “râu”, thay vì từ “lông” trong câu ca dao.

Trong giao tiếp hằng ngày, từ “nghì” ít được sử dụng, nhưng trong ca dao, dân ca, từ nghì thật lấp lánh. “Em đừng nghe tiếng thị phi/ Giận em anh mới lỗi nghì thủy chung” hay “Ông sư có ngãi, bà vãi có nghì”…

Nguyễn Du, trong truyện Kiều, ít nhất hai lần sử dụng từ này. Trước khi về Lâm Tri bán mình cho Mã Giám Sinh, Kiều ngồi đối bóng với ngọn đèn khuya nhớ đến mối tình đầu với Kim Trọng vì gia biến mà phải dang dở, bẽ bàng nên đau lòng than thở: “Biết bao duyên nợ thề bồi/ Kiếp này thôi thế thì thôi còn gì/ Tái sinh chưa dứt hương thề/ Làm thân trâu ngựa đền nghì trúc mai” (*) (câu 75-78). Hay, khi dặn Thúy Vân thay mình kết duyên với Kim Trọng: “Mai sau dù có bao giờ/ Đốt lò hương ấy so tơ phím này/ Trông qua ngọn cỏ lá cây/ Thấy hiu hiu gió thì hay chị về/ Hồn còn mang nặng lời thề/ Nát thân bồ liễu đền nghì trúc mai”. (câu 741-764)

ĐNCT

(*) Điển tích: Ở cửa sông Liêu Khê (huyện Long Môn, Quảng Đông, Trung Quốc) có hồ tên là Đỗ Phụ đàm (nghĩa là đầm đánh đố được vợ). Tương truyền ngày xưa có nam nữ thiếu niên chơi rất thân với nhau thường ngồi chơi bên đầm. Một hôm cả hai bảo nhau: Bây giờ chơi thân với nhau nhưng không biết có chơi với nhau được mãi không, hay mai mốt mỗi người một ngả. Cả hai đều buồn. Nhưng rồi nghĩ ra cách đánh đố nhau, chẻ một lóng tre làm đôi, mỗi người cầm một nửa liệng xuống dòng nước nguyện với nhau rằng, hai nửa thanh tre ấy mà trôi khép lại với nhau thì cả hai nên vợ nên chồng. Có thế mối tình thân mật, gần gũi nhau được mãi mãi.

Thực hành, quả nhiên hai nửa thanh tre trôi xuôi và khép lại với nhau như ban đầu chưa chẻ.
Thế là cô cậu ấy lấy nhau. Đầm ấy mang tên Đỗ Phụ đầm. Giống tre mọc bên đầm là Mai trúc, nghĩa là giống tre mai mối.

;
;
.
.
.
.
.