Giờ cà phê bán đầy đường. Quán lớn quán nhỏ lố nhố mọc, nhanh như ai đó rải một nắm hạt giống xuống vùng đất ẩm sau mưa. Kiểu nào cũng có: từ mắc tới rẻ, từ sang trọng bề thế tới dễ thương hay xuề xòa vỉa hè, từ nguyên chất tới thêm đường sữa ngoại nhập đủ thứ loại… Càng có nhiều lựa chọn, phải chăng con người càng dễ phân vân? Nên sự đắn đo khiến thời gian dài ra, những cuộc hẹn cà phê cứ trôi theo vô tận mãi không định được ngày hẹn. Duy nhất chú, người đàn ông về hưu rảnh rỗi, là sẵn sàng gật đầu ừ khi tụi tôi hẹn cà phê. Chắc sợ tụi tôi cũng lây tính rề rà dễ lung lạc trước những lô lốc hàng quán đủ chủng loại Á Âu, chú luôn chọn trước quán. Thường bọn tôi đồng ý với đề nghị của chú, bởi đồng ý một đề nghị thường bao giờ cũng dễ hơn đưa ra một đề nghị khác.
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG |
Chú ưa những quán đơn sơ, nhưng không phải quán lề đường. Tôi thấy không khác nhau nhiều, chỉ trừ cái có mái che đàng hoàng, có quạt và đầy âm nhạc. Những bài hát cũ như bàn ghế, không phải bolero, nhạc sến, dân ca cũng thuộc dòng ông bà ba má tụi tôi ưa nghe. Tức là chú chọn những quán bình dân, nhỏ nhắn, đông người già và thiếu vắng thanh niên. Thường có chúng tôi, đám thanh niên rộn ràng vào là đầy đặn.
Chẳng có gì để phàn nàn. Nước cũng ngon, giá lại rẻ, không khí khiến người ta dễ chịu hơn là nhàm chán. Muốn sôi nổi ồn ào? Cuộc đời có thừa, bước ra là thấy đầy. Muốn sang chảnh chụp hình khoe trên mạng? Cứ đi chỗ khác có chi đâu, chỉ là thiếu chú. Chỉ những giây phút trầm lắng vầy mới ít. Hiếm thì quý. Hiếm nên không khiến người ta ngán. Mặc nhiên, tụi tôi chẳng thắc mắc gì về lựa chọn của chú, khi nó rất phù hợp với độ tuổi và sở thích những người như chú.
Cho đến một ngày chở chú đi mua mớ đồ điện, ngang quán cà phê mới mở căng bạt quảng cáo cà phê máy sạch giá bình dân, ngang ngửa giá mấy chỗ chú hay uống, tôi hứng khởi đề nghị: chú thích không mình đi. Chú nói không khiến tôi chẩng hẩng. Tôi thấy nó có khác gì đâu ta? Cũng quán nhỏ, có quạt, giá cả hợp lý, nhạc nghe cũng đúng gu, sao chú không ưng? Đáp lại sự thắc mắc của tôi, chú đáp nhẹ nhàng, cà phê máy pha đâu có biết nói chuyện.
Ngộ à nhe? Cà phê biết nói chuyện? Nói chuyện chi chớ? Cà phê không phải chỉ là cà phê sao. Nó nói bằng chi đây, mùi hay vị? Chú nói, cà phê pha vợt pha phin nói chuyện bằng ký ức. Đó là một thời xưa của thằng nhỏ xách ca đi mua cà phê cho má để có thể tỉnh táo bán buôn cả ngày. Đó là những buổi thằng nhỏ lẽo đẽo theo ba, mân mê ly cà phê phin thêm sữa thêm đá, thích thú nghe chuyện đàn ông đàn ang. Đó những ngày mưa buồn, thằng nhỏ lớn thêm một chút bắt đầu biết… thất tình, ngồi tâm sự với phin cà phê nhỏ giọt. À à, tôi dần hiểu. Hóa ra chú uống cà phê đâu phải chỉ đơn giản là uống cà phê như người ta.
Cà phê còn nói bằng gì nữa? Bằng han hỏi và khác biệt. Nhân viên sẽ hỏi coi khách có muốn thêm đường không, hay xin lỗi bữa nay con pha hơi đắng. Quán đơn sơ nên người ta chậm rãi hơn, chẳng phải đáp bằng nụ cười công nghiệp. Trách sao được, thời gian chạy đua mà. Chủ quán cũng tới lui hỏi thăm, ngó coi khách có khen chê gì không, hay sao bữa nay ông già nào đó đổi cà phê đen thành cà phê sữa quạu. Cà phê pha thủ công cũng khác pha máy. Con người khó có cài đặt chính xác như máy, ly cà phê bữa nay đậm hơn ngày mai nóng hơn, vậy mới thú. Tới lúc khách hỏi han lại, coi nhân viên bữa nay vui vẻ hay có mệt mỏi chi không. Những câu hỏi mà, nếu họ nằm ở hoàn cảnh khác, họ sẽ trả lời cầm chừng cho có hoặc thậm chí là chẳng có nhu cầu hỏi.
Chỉ nhiêu đó thôi sao? Không, còn nữa. Quán kiểu này tập hợp những người ưa thích nó. Tức là có điểm chung. Tức là dễ nói chuyện. Người già hay cô đơn. Người hoài niệm cũng hay cô đơn. Người ưa yên tĩnh và một mình càng rất hay cô đơn. Họ thèm nói chuyện trong chừng mực. Thì ở đây, cà phê giúp họ đan nên những điều như thế. Bà hàng xóm có thể hung hăng ở nhà, nhưng vô quán gặp nhau, niềm nở kể chuyện cháu con bởi người già mặc định giờ cà phê thì nên vui vẻ. Và đây là chỗ để cà phê, chỗ chung, có phải chỗ gây lộn riêng tư đâu chớ!
Ờ thì tôi hiểu cách cà phê của chú nói chuyện. Nhưng cà phê pha máy cũng biết nói chuyện mà? Nói những điều mới mẻ, rộn ràng, những điều mà đám trẻ chúng tôi ưa thích hay đã quen thuộc. Chú ừ, chú biết. Thế nên thi thoảng, chú cũng theo tụi tôi chọn quán. Bởi, chú thích nói chuyện với tụi tôi. Tụi tôi nói cũng là cà phê nói. Người già, hoài cổ, một mình rất cô đơn mà!
Tôi như vỡ ra, tách chồi, mọc rễ trên vùng đất mới. Có thứ gì nghẹn nghẹn, giữa quên và nhớ, giữa đánh mất và tìm thấy. Cà phê nói gì với tôi? Tôi có chia sẻ điều đó với ai chưa? Có ai cần tôi không? Một cuộc hẹn, một ly cà phê, một câu chuyện. Chắc chắn là, chúng tôi với chú sẽ còn nhiều cuộc cà phê nữa. Đâu cũng được, bên này sẽ thích ứng với bên kia, miễn là cà phê còn chịu nói cho nhau nghe và hiểu.
PHÁT DƯƠNG