Giới trẻ Trung Quốc tìm người trò chuyện

.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), có khoảng 54 triệu người bị trầm cảm và 41 triệu người mắc chứng lo âu ở Trung Quốc. Do nguồn lực chăm sóc sức khỏe tâm thần không đáp ứng đủ nhu cầu và không nhiều người sẵn sàng chi trả cho việc điều trị sức khỏe tâm thần, nên họ tìm đến các dịch vụ trực tuyến với chi phí rẻ để có người an ủi. Tuy nhiên, các dịch vụ trò chuyện đơn giản trên nền tảng này không thể được xem là cung cấp liệu pháp tâm lý chuyên nghiệp.

Li Qiuyu - một trong số những nhân viên hiếm hoi của “gian hàng” trò chuyện trực tuyến trên Taobao được đào tạo bài bản về tư vấn tâm lý. Ảnh: Sixth Tone
Li Qiuyu - một trong số những nhân viên hiếm hoi của “gian hàng” trò chuyện trực tuyến trên Taobao được đào tạo bài bản về tư vấn tâm lý. Ảnh: Sixth Tone

Taobao - một trong những trang mạng mua sắm trực tuyến lớn nhất của Trung Quốc, có trụ sở tại thành phố Hàng Châu (tỉnh Chiết Giang), do Tập đoàn Alibaba vận hành - đang “lấn” sang lĩnh vực cung cấp dịch vụ “trò chuyện đồng hành”. Taobao đang trở thành sự lựa chọn hấp dẫn cho những người cần hỗ trợ tinh thần ở đất nước 1,4 tỷ dân.

Xu hướng xã hội “dazi”

Tháng 4-2023, Du Xiaomiao (29 tuổi) bắt đầu mở “gian hàng” có tên “Tree hollow” hay “Shudong”, cung cấp dịch vụ trò chuyện trực tuyến trên nền tảng Taobao. Chỉ với 5 nhân dân tệ, khách hàng có thể trò chuyện với Du về bất kỳ điều gì. Mỗi cuộc chuyện trò thường từ 2-3 tiếng, Du lắng nghe khách tâm sự về những điều họ trăn trở. Thỉnh thoảng cô bày tỏ suy nghĩ của mình và đưa ra lời khuyên. “Tôi thấy nhiều người bị mắc kẹt trong các mối quan hệ của họ… Dù không thể hỗ trợ tất cả nhưng tôi cố gắng giúp những người mà tôi gặp”, Du nói. Cô tự gọi bản thân là “người chữa lành” thay vì là người tư vấn tâm lý.

Trong lúc một bộ phận giới trẻ Trung Quốc ngày càng cảm thấy cô đơn và gặp các vấn đề về sức khỏe tâm thần, họ càng tìm đến các dịch vụ trò chuyện trực tuyến vì sự tiện lợi và giá cả hợp lý. Hình thức này phản ánh xu hướng xã hội “dazi” đang nổi lên, tức xu hướng người trẻ ngại giao tiếp xã hội, ngại tương tác trực tiếp, tìm kiếm sự kết nối với người lạ dựa trên sở thích chung. Các dịch vụ trò chuyện như của Du Xiaomao phổ biến trên mạng xã hội và được quảng cáo là “trò chuyện đồng hành” chứ không tư vấn tâm lý truyền thống. Song, trên thực tế, dịch vụ này không khác với tư vấn tâm lý.

Huang (28 tuổi) mở dịch vụ trò chuyện trên Taobao vào giữa tháng 9-2023. Chỉ trong vài tuần, anh thu hút khoảng 80 khách hàng mỗi ngày. Đến nay, Huang có khoảng 40 nhân viên và đang tuyển thêm nhân sự. Mặc dù anh không tiết lộ về số lượt trò chuyện mỗi tháng, nhưng một người làm dịch vụ tương tự nổi tiếng trên Taobao cho biết họ nhận hơn 40.000 đơn/tháng.

Cửa hàng của Huang cung cấp dịch vụ gồm 4 cấp độ khác nhau, tùy theo kinh nghiệm và trình độ của nhân viên tư vấn. Nhân viên tư vấn rẻ nhất có giá 20 nhân dân tệ cho một cuộc gọi 15 phút; nhân viên tư vấn được chứng nhận có giá đắt nhất là 90 nhân dân tệ/lượt tư vấn. Những dịch vụ như vậy có giá rẻ hơn cũng như tính linh hoạt cao hơn so với tư vấn trực tiếp, với chi phí lên đến 1.500 nhân dân tệ/lượt tư vấn.

Không phải là liệu pháp tâm lý chuyên nghiệp

One Psychology - một trong những nhà cung cấp dịch vụ sức khỏe tâm thần trực tuyến hàng đầu Trung Quốc - đã triển khai dịch vụ “trò chuyện” đơn giản, có giá 19,9 nhân dân tệ trong 30 phút. Tuy nhiên, những cố vấn của One Psychology đòi hỏi trình độ chuyên môn nhất định, còn những người trò chuyện với khách hàng trên nền tảng như Taobao chỉ cần trên 18 tuổi, hoạt ngôn và có giọng nói hay.

Huang cho biết, anh tuyển nhân viên hầu hết là nữ sinh viên đại học có thời gian rảnh rỗi và muốn kiếm thêm thu nhập. Trong số 40 nhân viên của Huang, chỉ hai người được đào tạo bài bản; trong đó có Li Qiuyu (36 tuổi), cũng là người đã thúc giục Huang bắt đầu kinh doanh hình thức này sau khi nhìn thấy tiềm năng của thị trường dịch vụ trò chuyện trực tuyến.

Li Qiuyu đã làm việc gần 20 năm ở lĩnh vực nhân sự, bao gồm cả việc đưa ra lời khuyên và tư vấn nghề nghiệp. Cô cũng đã tham gia khóa học tư vấn chính thức và nhận được chứng chỉ của Bộ Nhân lực và An sinh xã hội Trung Quốc. Theo Li, các dịch vụ trò chuyện như Taobao liên quan đến liệu pháp tâm lý vì cả hai đều yêu cầu sự lắng nghe. Cô tin rằng dần dần thị trường sẽ đào thải những người không đủ tiêu chuẩn.

Tuy nhiên, một số người không cho rằng những dịch vụ như vậy là một hình thức tư vấn tâm lý. Theo Zhou Xiaopeng - nhà tâm lý học được Bộ Nhân lực và An sinh xã hội Trung Quốc chứng nhận 18 năm kinh nghiệm, việc tư vấn không chỉ đơn thuần là lắng nghe và hỗ trợ về mặt cảm xúc mà còn đưa ra giải pháp và giúp khách hàng giải quyết vấn đề của họ.

Taobao yêu cầu mỗi dịch vụ tư vấn phải có ít nhất 3 chuyên gia được chứng nhận. Lin Bin - giám sát dịch vụ khách hàng tại Taobao cho biết, các dịch vụ trò chuyện đơn giản trên nền tảng này không thể được xem là cung cấp liệu pháp tâm lý chuyên nghiệp.

KHÁNH LINH (theo Sixth Tone)

;
;
.
.
.
.
.