Ngày 14-5, Chính phủ ban hành Nghị định số 24/2023/NĐ-CP quy định mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang. Theo đó, từ ngày 1-7-2023, áp dụng mức lương cơ sở 1,8 triệu đồng/tháng, tăng 20,8% so với mức lương cơ sở hiện hành. Vừa qua, tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV, Thủ tướng Chính phủ cho biết, trong năm 2025, Chính phủ sẽ thực hiện cải cách chính sách tiền lương đối với khu vực công theo Nghị quyết số 27-NQ/TW của Trung ương từ ngày 1-7-2024, cụ thể từ năm 2025 trở đi, tiếp tục điều chỉnh tiền lương tăng bình quân 7%/năm đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang cho đến khi mức lương thấp nhất bằng hoặc cao hơn mức lương thấp nhất vùng I của khu vực doanh nghiệp. Việc Quốc hội bàn và sắp có chủ trương tăng lương, đây là một tin vui, được rất nhiều người quan tâm và chờ đợi.
Xưa nay được đi làm và nhận lương là việc quan trọng hàng đầu. “Lương” ngày xưa có liên quan đến lương thực. Sau khi đỗ thi Hội (cử nhân - người được cử ra làm việc nước), được triều đình bổ đi nhậm chức ở một địa phương nào đó, “lương” là số thóc được nhận (từ ruộng được cấp mang lại). Nói chung quan chức thời đó sống và tích lũy là từ “lương” công điền. Cho nên, Đào Uyên Minh (Trung Quốc) có một câu nổi tiếng, xem như là một “tuyên ngôn” của người làm quan ngày xưa (đại ý): Bất năng vị ngũ đấu nhi chiết yêu (Không phải vì năm đấu thóc mà phải khom lưng). Dần dần, xã hội phát triển, tiền được trả cho người làm công. Hình thức thì thay đổi nhưng tên gọi vẫn giữ như cũ: Lương.
Về nguyên tắc, lương là khoản tiền mà người sử dụng lao động trả cho người làm công. “Công” có thể trả theo thời gian (ngày, tháng, năm...), hoặc trả theo khoán công việc. Người lao động thỏa thuận với người sử dụng về mức lương. Vậy ai đặt mức lương? Chính người lao động đặt ra mức lương cho mình theo nguyên tắc thời gian đào tạo mà bản thân trải qua, lao động thuộc loại phức tạp hay giản đơn, lĩnh vực đòi hỏi chuyên môn cao, kinh nghiệm nhiều thì được nhận lương cao hơn lao động giản đơn. Dĩ nhiên có tính đến yếu tố cung, cầu mà hiện nay thường được gọi là ngành "hot" hay không.
Một xã hội càng phát triển thì phân công lao động xã hội càng mở rộng, theo hướng chuyên môn sâu dựa trên nền tảng công nghệ hiện đại. Chính thông qua sự phong phú ngành nghề mà có đánh giá sự phát triển hay lạc hậu của xã hội, đó là thước đo chính xác trình độ phát triển của một quốc gia. Ở đây có một nội dung hết sức quan trọng chế ước đến mức lương, đó là năng suất lao động. Năng suất lao động tổng hòa kết quả của nhiều nguyên nhân nhưng quan trọng nhất là năng lực công nghệ, quản lý tiên tiến và người lao động có trình độ chuyên môn cao.
Có một khía cạnh nữa cũng cần đề cập là người lao động có quyền lựa chọn nơi họ làm việc. Nếu lương và các điều kiện khác không đáp ứng yêu cầu, người lao động có thể chuyển “công tác”, và đó là hiện tượng bình thường, là tín hiệu của một xã hội phát triển. Một xã hội phát triển là một xã hội có nhiều lựa chọn cho người sử dụng và người lao động, dĩ nhiên “nhảy việc” không phải là một hành vi đáng khuyến khích, và không phải bao giờ cũng là một lựa chọn tối ưu.
Người sử dụng lao động phải luôn luôn tạo điều kiện tốt nhất cho người lao động làm việc là một trong những chức năng thể hiện năng lực quản lý. Mức lương về nguyên tắc bảo đảm trang trải cho ba yếu tố: bù đắp chi phí đào tạo; nuôi sống bản thân và gia đình; bảo đảm chi phí giáo dục cho con cái. Đây là kiến thức thường thức cho bất cứ ai qua công tác quản lý, tuy nhiên do nhiều nguyên nhân, phổ biến nhất là do năng suất lao động mà mức lương hiện nay nói chung tồn tại nhiều bất hợp lý. Lương hiện chưa phản ánh đúng các yếu tố chi phí đào tạo, kinh nghiệm và nhất là cường độ lao động bỏ ra.
Chúng ta dễ dàng nhận ra sự bất hợp lý khi lương của một bác sĩ hiện nay (đào tạo 6 năm) hay một cử nhân, kỹ sư (thường được đào tạo 4 năm với một kỳ thi đầu vào khó khăn) sau 2 năm làm việc lại không bằng “lương” của một người thợ xây dựng hoặc người giúp việc gia đình. Thậm chí có người ví von, lương sau khi ra trường không bằng “lương” cha mẹ trợ cấp trong thời gian đi học. Ngạc nhiên không phải sự tồn tại tình trạng ấy, mà ngạc nhiên hơn là nó kéo dài lâu.
Có một vấn đề cần lưu ý là năng suất lao động xã hội, một ngành, địa phương và quốc gia sẽ không có sự phát triển vững chắc nếu không ứng dụng công nghệ mới trong sản xuất, nâng cao chất lượng quản lý và nhất là tinh thần làm việc của người lao động. Ý thức trách nhiệm và chất lượng hoàn thành công việc là thước đo quan trọng nhất về năng lực của một người. Được làm việc là một quyền lợi, hơn thế là một niềm vui. Duy trì cuộc sống và nâng cao chất lượng cuộc sống là từ việc làm, từ lương là lẽ đương nhiên. Toàn dụng lao động là trách nhiệm của xã hội, và người lao động phải làm việc tốt, có hiệu suất, xứng với tiền lương mình nhận.
Lương và thu nhập chính đáng là khác nhau. Vấn đề là không vì thu nhập mà xem nhẹ việc làm chính, coi công việc chính chỉ là cái giá đỡ cho công việc phụ. Mai này đất nước phát triển, có thể xảy ra tình trạng thiếu lao động, cầu lao động sẽ cao hơn cung và khi đó sẽ không còn tình trạng “làm thêm”. Để có “ngày mai” ấy đòi hỏi mỗi người hôm nay phải làm việc với chất lượng cao nhất, danh hiệu “lao động tiên tiến” phải thật sự có ý nghĩa cao cả như nó vốn yêu cầu.
HUỲNH THỤC NHÂN