Một thời tằm tang xứ Quảng

.

“Quảng Nam có lụa Phú Bông/ Có khoai Trà Đõa, có sông Thu Bồn”. Câu ca từng nhắc đến nghề nuôi tằm và ươm tơ dệt lụa ở Phú Bông, một vùng đất trù phú nằm ven con sông Thu Bồn thuộc xã Điện Phong, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam ngày nay.

Nghề trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ dệt lụa đã có truyền thống lâu đời dọc hai con sông Thu Bồn và Vu Gia. Ảnh: Internet
Nghề trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ dệt lụa đã có truyền thống lâu đời dọc hai con sông Thu Bồn và Vu Gia. Ảnh: Internet

Tôi vẫn còn nhớ những năm 1992-1993 về thăm Gò Nổi, lòng ngây ngất trước màu xanh đến mỡ màng của những nương dâu, bãi bắp; vẳng bên tai tiếng thoi đưa lách cách và thấp thoáng bên khung cửi dáng người tròn lẳn của cô gái quê đang dệt lụa miệt mài; ngoài sân những bủa kén vàng ươm như sắc nắng đầu thu xứ Quảng.

Con người của vùng đất Phú Bông từng được ưu ái nhắc đến trong cuốn “Đại Nam nhất thống chí” - bản triều Duy Tân, tại mục phong tục Quảng Nam: “đàn ông lo việc cày ruộng, trồng dâu; đàn bà chuyên nghề nuôi tằm dệt cửi, núi sông thanh tú cho nên nhiều người có tư chất thông minh, dễ thuận theo nghiệp học hành”. Thiên nhiên còn ưu đãi cho một vùng đất phì nhiêu bởi phù sa bồi đắp và con người sống thân tình, chất phác, quanh năm miệt mài với nghề trồng dâu nuôi tằm. Đây là một nghề có thu nhập nhưng người trực tiếp lao động phải vất vả sớm hôm; “làm ruộng ăn cơm nằm, nuôi tằm ăn cơm đứng” là vậy...

Ngôi nhà tôi ghé thăm nằm sát chợ có chủ nhân là người được cả làng ngưỡng mộ về kỹ thuật nuôi tằm đem lại hiệu quả cao. Trước đây, thế hệ cha ông đã truyền lại bí quyết nhân giống tằm từ trứng của con ngài nhưng đến những năm gần cuối của thế kỷ XX, Công ty ươm giống dâu tằm Quảng Nam - Đà Nẵng đảm nhiệm khâu chọn ngài giống, ấp trứng tằm. Người nông dân đem các vòng trứng tằm về chăm sóc kỹ càng chờ thời khắc “Băng tằm” khai hoa nở nhụy, các chú tằm con chào đời bé tí ti, màu đen sẫm nhúc nhích trên những sợi dâu non được xắt mỏng độ hai milimet; đây là đoạn tằm thôi nôi tuổi một. Cứ khoảng độ 3 giờ, người chăm phải xắt lá dâu non nhỏ như sợi thuốc rê rải đều một lớp trên cho tằm ăn đủ bữa. Vài ngày sau, tằm lớn dần phải thay qua cái giần, rồi thay qua sàng, qua nia, đến nong… Thời gian tằm tuổi 1, 2, 3, người nuôi chọn hái lá dâu có độ non xanh và xắt dày lần, phù hợp với sự tăng trưởng của tằm. Lá dâu phải lành lặn, sạch sẽ, tươi ngon thì tằm ăn mới mau lớn, mạnh khỏe. Những vùng đất ven sông Thu Bồn là nơi lý tưởng nhất để trồng cây dâu, bởi nơi đây đất đai phì nhiêu lại ở vị trí tách biệt, các loại sâu bọ, thuốc trừ sâu từ vùng thâm canh lúa ít lây sang. Hằng ngày, thấp thoáng bên những hàng dâu xanh tốt vượt quá đầu người là cô gái vai đeo cái đụn (giỏ), tay thoăn thoắt ngắt từng chùm lá. Những ngày mưa lụt, dáng hình ấy vẫn cần mẫn chèo thuyền vươn tay tìm những đọt dâu vượt trên ngọn nước, bởi không có thức ăn những lứa tằm thấm đẫm bao mồ hôi sẽ đói lả và tong teo dần.

Tôi mục sở thị tận buồng tằm lúc chủ nhân đang cho tằm tuổi bốn ăn. Ở độ tuổi ấy con tằm có màu trắng xanh, thân dài cỡ 5 phân, và tròn như đầu đũa. Lá dâu không cần xắt mà bỏ nguyên vào. Mới xoay sang hỏi vài câu, tai tôi nghe đã tiếng rào rào như mưa mới biết đó là tiếng tằm ăn và chỉ một loáng những con tằm háo hức gặm nhắm từng lá dâu vừa rải vào, thật là “ăn như tằm ăn lên”. Khác với người làm ruộng, ban ngày làm bạn với cây lúa, tối về phủi chân lên phản nằm ngáy khò khò. Người nuôi tằm cả ngày đêm phải vất vả theo dõi, điều chỉnh nhiệt độ, độ ẩm buồng tằm thích hợp với điều kiện sống của con tằm, canh giờ cho tằm ăn, tằm ngủ vì bỏ bất cứ cữ ăn nào hay ngủ không đủ giấc là tằm bệnh, chết yểu, năng suất kén giảm sút. Lứa tằm đó vừa lỗ công vừa lỗ vốn mua trứng. Rồi còn phải bắt tằm thay nong nhiều lần để tách phân riêng, bảo đảm chỗ ở của tằm luôn sạch, thoáng...

Từ khi tằm nở đến khoảng 25 ngày được cho ăn đúng cữ, con tằm mới bé xíu đen đủi ngày nào đã căng tròn mập mạp và từ màu da trắng xanh chuyển sang vàng ươm. Khi ấy, người nuôi bưng bủa ra chờ nắng ấm và bắt tằm chín rải lên bủa, các chú tằm tha hồ tìm chỗ thoáng mát rộng rãi để treo mình và bắt đầu nhả tơ, làm nên chiếc kén vàng óng đẹp hơn nhiều so với những chiếc tổ nhỏ nhắn của loài chim. Độ ba ngày sau giờ lên bủa, những chiếc kén được nhanh chóng đem vào để quay tơ. Lúc này thân tằm đã biến thành nhộng, nếu không quay tơ kịp thời, con nhộng sẽ phá kén chui ra và biến thành con ngài. Khi ấy chiếc kén thủng sẽ làm giảm tỉ lệ tơ, thu nhập của người nuôi sẽ giảm sút.

Tôi vẫn còn nhớ không khí rộn ràng của Phú Bông những ngày thu hoạch tằm, tiếng nói cười rạng ngời trên khuôn mặt mọi người. Người thì bắt tằm lên bủa, người canh thời tiết, kẻ dòm xem có con nào rơi xuống đất, rồi đuổi chim, canh kiến. Giống tằm được chăm bẵm kỹ càng luôn là mồi ngon cho lũ chim trên trời và kiến dưới đất. Thậm chí phải giữ để ruồi không gửi được ấu trùng vào thân tằm, tránh trường hợp lũ giòi bọ sau này phá hỏng kén. Trời vừa tắt nắng, phải nhanh chóng khiêng bủa vào buồng giăng mùng, đắp chăn, sưởi ấm cho những chú tằm hóa nhộng bình yên.

Sau khi thu hoạch kén, người phụ nữ Phú Bông thời xưa tự quay tơ và dệt thành những tấm lụa mĩ miều. Nhưng về sau, các hợp tác xã, tổ hợp tư nhân đứng ra thu gom kén và ươm tơ tập trung nên người làm tằm nơi đây tận dụng thời gian rỗi giữa hai đợt tằm để tiệt trùng, sát khuẩn buồng trại và các dụng cụ liên quan chuẩn bị cho một vụ mùa mới. Đến với Phú Bông mùa kén mới, tôi nghe vang vang câu hát của nhạc sĩ Minh Đức: “Một nong tằm là năm nong kén/ Một nong kén là chín nén tơ/ Thương em chín đợi mười chờ/ Chín đợi mười chờ… Bao giờ dâu mọc, anh cho tằm nhả tơ” (Ca khúc Chín đợi mười chờ). Tình người đầm ấm, giao hòa cùng thiên nhiên và mỗi con người ở vùng đất này như con tằm rút ruột nhả sợi tơ vàng kết tinh bao công sức dãi dầu. Và có phải, những sợi tơ ấy đã níu chặt bước chân của Thế tử Nguyễn Phúc Lan trong một đêm trăng dạo thuyền trên dòng sông Thu Bồn. Tiếng hát cô gái hái dâu chăn tằm họ Đoàn vang lên giữa không gian thanh vắng: “Tai nghe Chúa ngự thuyền rồng/ Thiếp thương phận thiếp má hồng nắng mưa” đã khiến trái tim chàng trai rung động. Người con gái tài hoa ấy là Đoàn Thị Ngọc sau này trở thành Đoàn Quý Phi - Hiếu Chiêu Hoàng hậu. Bà là người hết lòng khuyến khích nhân dân phát triển nghề tằm tang. Về cuối đời, Đoàn Quý Phi về sống ở Dinh trấn Thanh Chiêm bên bờ sông Thu Bồn miên man vỗ nhịp.

Phú Bông của hôm nay đã khác xưa nhiều, chiếc cầu Đen bằng sắt loang lổ được thay bằng chiếc cầu Gò Nổi vững chãi, những con đường lát bê-tông ẩn hiện trong màu xanh mênh mông của ruộng bắp, nương đậu, những ngôi nhà cao tầng đua nhau mọc lên; đời sống nông thôn mới ngày càng được nâng cao. Nghề tằm tang không lưu giữ được do nhu cầu hiện đại hóa; vải vóc công nghiệp được tạo ra nhanh chóng với đủ mọi loại hình… Người nuôi tằm giỏi giang thuở trước đã bước vào độ tuổi lão thành, mái tóc bạc trắng nhưng mượt mà và nụ cười vẫn còn tươi tắn. Nhưng tôi biết, mái tóc ấy có biết bao sợi bạc sớm vì những vất vả trong cuộc đời và cả chút tiếc nuối cái sự một đi không trở lại của làng nghề tằm tang truyền thống này ở mảnh đất Phú Bông.

NGUYỄN THỊ THU THỦY

;
;
.
.
.
.
.