Chúng ta ai sinh ra đời cũng khoác lên mình chiếc áo số phận, không thể lựa chọn cửa sinh, nhưng có quyền quyết định cách sống sao cho vừa vặn với chiếc áo của cuộc đời mình. Muốn sống và được sống tử tế luôn là một hành trình mà chính chúng ta chọn lựa. Không ai khác sống cuộc đời của chúng ta. Ai cũng có một cuốn sổ của đời mình. Chọn màu đỏ của rực rỡ hay màu đỏ của máu tuôn? Chọn màu xanh của bình an hay màu xanh của tê tái lo sợ?
Nhà văn Phong Điệp vừa ra mắt độc giả tiểu thuyết tâm lý hình sự “Cuốn sổ máu” (NXB Phụ nữ Việt Nam), tiểu thuyết dày 340 trang cuốn hút ngay từ đầu bằng lối viết chặt chẽ, đan cài khéo léo và trên hết là sự dẫn dắt tài tình bằng một câu chuyện mang màu sắc trinh thám.
Độc giả ban đầu được gợi sự tò mò bằng sự xuất hiện của một người lạ với câu chuyện chạm vào khoảng trắng ký ức của cô gái tên Phượng. Khoảng trắng đó đã ngủ yên hay chỉ là sự đè nén tâm khảm của cô gái trẻ vốn đã chọn cho mình một quãng đời bình thường. Thế nhưng, con người ta sinh ra đều khoác sẵn lên mình chiếc áo số phận. Chẳng thể biết được hành trình dặm dài của cuộc sống dẫn dắt mình đi đâu, về đâu với những khúc cua, ngã rẽ mà định mệnh luôn là kẻ ẩn giấu sắp đặt đầy nghiệt ngã.
Hành trình văn chương của Phong Điệp khơi nguồn từ năm 1996 với tác phẩm đầu tay “Khi ta hai mươi”, cho đến bây giờ đã là tập sách thứ 27 đóng dấu xác nhận một ngòi bút bền bỉ và ấn tượng. Bền bỉ bởi nếu biết Phong Điệp sẽ vẫn thấy chị quay cuồng công việc hằng ngày, rồi lại nhác thấy nữ nhà văn có những chuyến đi liên tiếp khắp các tỉnh, thành.
Có lần tôi ngồi cùng chị ở Thành phố Hồ Chí Minh một sáng cuối năm khi chị vào mảnh đất nắng ấm phương Nam này công tác. Cuối ngày lại thấy chị đã có mặt ở Hà Nội đón mùa đông se sắt da thịt. Chỉ một ngày sau đó, tôi lại thấy chị ngồi đâu đó trên một bình nguyên mướt xanh màu cỏ. Tôi vẫn hay đùa chẳng thể biết thời gian chị viết là khi nào. Một cuốn tiểu thuyết nhất là mảng tâm lý hình sự đòi hỏi người viết phải chắc tay và đầu tư thời gian cũng như tâm sức rất nhiều. Ấy vậy mà Phong Điệp vẫn nhẹ tênh cười, vẫn tươi rói trong các bức hình và đặc biệt, mỗi một tác phẩm chị trình làng đều chỉn chu và ấn tượng.
Dẫu là những mảng đề tài khác nhau, có khi thiếu nhi, có khi trinh thám, có khi hiện thực xã hội, cũng có lúc là tiểu luận phê bình, nhưng, người đọc luôn dễ dàng đi vào không gian văn chương mà ở đó Phong Điệp bày biện rất cuốn hút. Đọc chị và cứ lật mãi từng trang, cho đến khi khép cuốn sách lại luôn là những chiêm nghiệm trong cuộc người mênh mông của cõi tạm này.
“Cuốn sổ máu” dùng nhân vật “Tôi” dắt người đọc đi vào cuộc đấu tranh giữa các chiến sĩ công an với đường dây ma túy nguy hiểm. Từ câu chuyện gia đình của hai mẹ con Phượng và án mạng đẫm máu 11 người với mấu chốt là cuốn sổ ghi lại tên tuổi ân đền oán trả của một thế lực kinh hoàng. Một cuộc đời bi kịch nối dài. Một chuyên án tiếp diễn. Một hành trình chẳng đoán định. Và xuyên suốt tiểu thuyết là một tâm lý giằng xé...
Nhịp nhàng và gãy gọn, Phong Điệp cuốn độc giả đi qua những lớp lớp cài đặt và thắt mở chi tiết một cách hợp lý nhưng khéo léo để lại một điều gì đó tựa hồ sự bí ẩn để khiến cho độc giả luôn thấp thỏm theo chị.
Chị mang những hơi thở hiện đại vào tiểu thuyết, độc giả thấy được một sự thật về tội phạm ngày nay hiện lên rõ mồn một - thủ đoạn tinh vi dựa trên sự phát triển của công nghệ. Do vậy, công cuộc đấu tranh tội phạm cần có sự tương trợ và chi viện của những lực lượng chuyên biệt cũng như sự tỉnh táo của người cầm quân. Hai mảng màu đối nghịch một bên là Đại tá Đỗ Cường vững vàng với bên kia là tên đầu sỏ Lâm giáo chủ mưu mô. Bên dưới là hai tầng lớp quân đỏ - đen với những chiến sĩ gan dạ và những tay giang hồ quỷ quyệt. Cài vào đó là câu chuyện của chàng trai tật nguyền luôn đấu tranh chống cái ác từ trong bên tổ của ác quỷ. Cứ vậy, những nhân vật dù tuyến chính hay dàn bao cũng đầy đặn hiện hình trong tiểu thuyết như một sự kỹ lưỡng và chăm chút của người tạo ra tác phẩm.
Giữa những mảng miếng thiện ác được bày biện ra, độc giả dễ dàng nhận thấy ánh sáng nhân văn của những nhân vật muốn sống một cuộc đời tử tế an lành như Phượng, như con giáo chủ Lâm, như chú Chiến xe ôm, dì Hai, ngay cả người bạn thân Zero trên không gian mạng của con Lâm giáo chủ…
Tuy vậy, điều quan trọng khiến độc giả không nhàm chán tiểu thuyết đó chính là hai chiều đối nghịch được nữ nhà văn vẽ ra rất thực, không gượng ép, không đẩy về phía một chiều để lồng vào đó những sống sượng của cuộc đấu tranh. Độc giả vẫn thấy những chiếc áo xanh cần mẫn thực thi nhiệm vụ đầy nguy hiểm, vẫn cảm nhận được một băng đảng táo tợn có lúc thao túng cả những người có trách nhiệm. Và ở đó, mầm thiện nảy nở một cách tự nhiên thể như loài cỏ nát vẫn sinh sôi qua bao trận nắng nôi mưa giông.
Mảng tâm lý của tác phẩm không hề lép vế so với mảng hình sự. Nữ nhà văn đã âm thầm đẩy những trường tâm lý lồng vào chấp niệm của nhân vật, lồng vào mong cầu của nhân vật, thậm chí lồng vào luôn cả những khúc cua nguy hiểm của cuộc đời. Các tuyến nhân vật song song phát triển đối nghịch đem đến cho tác giả sự thuận tay để triển khai khả năng phân tâm học trong dòng truyện trinh thám thường thấy. Tuy vậy, Phong Điệp dường như thấu đáo hơn và mở ngõ đời để độc giả tự chọn lối đi cho nhân vật.
Chúng ta ai sinh ra đời cũng khoác lên mình chiếc áo số phận, không thể lựa chọn cửa sinh, nhưng có quyền quyết định cách sống sao cho vừa vặn với chiếc áo của cuộc đời mình. Muốn sống và được sống tử tế luôn là một hành trình mà chính chúng ta chọn lựa. Không ai khác sống cuộc đời của chúng ta. Ai cũng có một cuốn sổ của đời mình. Chọn màu đỏ của rực rỡ hay màu đỏ của máu tuôn? Chọn màu xanh của bình an hay màu xanh của tê tái lo sợ?
Sống tử tế không còn là câu chuyện của riêng một ai đó, mà là của tập thể, mỗi cá nhân đều tử tế, thì xã hội sẽ nở những đóa an nhiên tự tại.
TỐNG PHƯỚC BẢO