Xóm Thanh Minh, khối 4, tổ 38, phường Thanh Khê Đông (quận Thanh Khê) có một Lăng Ông cổ kính. Soi chiếu với cổ tục tín ngưỡng thờ cá Ông ở Đà Nẵng nói chung, làng biển Thanh Khê nói riêng, có thể thấy đây thực chất là tín ngưỡng thờ vật linh.
Hình tượng cá voi được khắc vào Nhân đỉnh. Ảnh: H.T.Q |
Từ cá Ông đến thần Nam Hải
Về cá Ông, truyền thuyết của người dân Việt vùng ven biển Nam Trung Bộ thường truyền nhau câu chuyện mang màu sắc Phật giáo. Theo tác giả Toan Ánh tại trang 117 cuốn “Hội hè đình đám” (NXB Trẻ, 2005), Phật Bà Quan Âm trong một chuyến tuần du vùng biển phương Nam, thấy cảnh khổ của chúng sinh khi phải đương đầu và chết chìm trong giông tố, Ngài đã xé chiếc áo cà sa thành muôn mảnh, thả trên mặt biển làm phép biến thành cá voi. Nhưng lúc đầu thân hình cá quá nhỏ.
Để đảm đương trọng trách cứu người, Ngài đã mượn bộ xương của ông Tượng trên rừng lồng vào thân cá voi, để cá có hình to lớn. Sau đó ban phép “thâu đường” (tức là rút ngắn con đường lại), nhờ đó mà cá voi đã nhanh chóng cứu giúp người lâm nạn. Sau đó, Phật Bà cho những người đi biển 12 câu nguyện gọi là “thập nhị đại nguyện” để cầu cứu cá Ông mỗi khi gặp nạn trên biển… Từ đó, cá voi được những người làm nghề thuyền chài trên biển coi là ân ngư.
Sách Đại Nam nhất thống chí của Quốc sử quán triều Nguyễn chép: “Cá voi (đức ngư): Tục gọi là cá ông voi, đầu tròn, trán có lỗ phun nước ra, sắc đen trơn láng, không có vảy, đuôi có hai chỉa như đuôi tôm, có tính từ thiện, hay giải cứu cho người đi biển mắc cạn. Đầu niên hiệu Minh Mạng, vừa đặt tên cho là nhân ngư, đầu niên hiệu Tự Đức đổi lại tên này (đức ngư). Loại cá này ở trong Nam Hải thì có linh tính, còn ở biển khác thì không… Năm Minh Mạng thứ 17 (1836) có khắc hình (cá voi - NV) vào Nhân đỉnh”.
Các vị cao niên ở làng chài Thanh Khê, nay thuộc phường Thạc Gián, quận Thanh Khê còn lưu truyền tích xưa rằng, khi chúa Nguyễn Ánh (về sau là vua Gia Long) bôn tẩu trốn tránh quân Tây Sơn, một lần ở ngoài biển chúa đã gặp một trận bão lớn. Thấy thuyền muốn đắm, trong tình trạng thập phần nguy hiểm, chúa lầm rầm cầu nguyện trời đất. Sau đó có một cá voi hiện tới, che chở và đưa cho thuyền chúa vào bờ. Sau này, khi đã thắng quân Tây Sơn, thống nhất đất nước, nhớ tới công ơn cá voi đã cứu mình, vua Gia Long liền phong cá voi là “Nam Hải cự tộc ngọc lân tôn thần”.
Qua việc suy tôn, sắc phong, tước hiệu, tên gọi tôn kính về cá Ông ở trên, cho thấy các vua triều Nguyễn đã đưa tín ngưỡng thờ cá Ông vào sự bảo hộ có tính pháp lý của Nhà nước phong kiến lúc bấy giờ. Cá tước phong này hiện nay vẫn được người dân các làng chài ven biển cất giữ cẩn thận trong các đình, miếu, lăng thờ cá Ông.
Lăng Ông và bia của Hội Vạn ghe Thanh Khê
Cư dân Đà Nẵng gọi cá Ông bằng những danh xưng tôn kính như “Ông”, “Đức Linh Ông”, “Đức Ngư Ông”, “Ngài”, “Ông Sanh”, “Ông Tử”. Ở biển, “Ông Sanh” có vai trò là thần hộ mạng, được suy tôn làm Đông Hải Ngọc Lân tôn thần; “Ông Tử” chết hóa thần, được suy tôn làm Nam Hải Ngọc Lân tôn thần. Theo quan niệm, cá Ông khi bị lụy (chết) trôi dạt vào bờ ở vùng đất nào thì nơi ấy được phúc thần cho cả làng chài, vì thế “Ông Tử” bảo trợ cho cư dân trên đất liền với tư cách là “Thần bảo hộ”, tựa như Thành hoàng ở làng quê Bắc Bộ. Với vai trò đó, các làng biển ở Đà Nẵng thờ phụng hai thần “Đông Hải” và “Nam Hải”.
Tại các làng chài Thanh Khê, cá Ông cũng được gọi với danh xưng phổ biến như các địa phương làng chài khác trong thành phố Đà Nẵng. Cá Ông đi vào văn cúng với các mỹ từ: Ông Nam Hải, Nam Hải đại tướng quân, Quan Âm Nam Hải, Nam Hải Ngọc Lân, Thần Ngư Nam Hải… Cư dân làng biển Thanh Khê có truyền thống hoạt động nghề cá, nên họ gửi niềm tin vào tục lệ, tín ngưỡng thờ Thần Nam Hải.
Tại xóm Thanh Minh, khối 4, tổ 38, phường Thanh Khê Đông, quận Thanh Khê hiện vẫn còn tồn tại Lăng Ông như là nơi lưu dấu tích cho lễ hội cầu ngư ở vùng đất này.
Lăng Ông tại làng biển Thanh Khê là nơi để ngư dân thực hiện các nghi thức lễ cúng tế, cầu mùa vụ cá, nơi trao đổi kinh nghiệm đánh bắt cá trong những dịp sinh hoạt lễ tế, đặc biệt trong dịp Tết cổ truyền. Thực hiện chức năng của một ngôi đình Việt truyền thống, Lăng Ông vẫn còn lưu giữ số lượng ngọc cốt cá voi một cách trân trọng, đây là nguồn tư liệu hiện vật giá trị phản ánh thực tế sinh động đời sống tín ngưỡng của ngư dân làng Thanh Khê. Điều này khẳng định rõ sự sùng bái, niềm tin tưởng tuyệt đối vào sự hiển linh linh thiêng của thần Nam Hải trong việc che chở, bảo vệ, phù hộ, độ trì người dân vạn chài.
Lăng Ông làng biển Thanh Khê được xây dựng ở tại địa điểm có cửa lạch, thuận tiện cho tàu thuyền ra vào bến bãi. Đây cũng là cách thể hiện lòng mong ước của ngư dân muốn thần Nam Hải luôn ở cạnh cửa lạch để giúp đỡ tàu thuyền và ngư dân ra vào được an toàn. Theo các cụ cao niên làng Thanh Khê, Lăng Ông đã được xây dựng vào năm 1790 dưới triều vua Quang Trung (chi tiết này hiện cũng thấy ghi chép, trưng bày tại Chùa làng Thanh Khê).
Có thể mốc thời gian xây dựng Lăng Ông dựa theo thời gian lập làng Thanh Khê mà suy luận trên tinh thần “người ở đâu thì thần ở đó”. Hiện tại không có nhiều tư liệu lịch sử như văn bia, sắc phong… làm cơ sở xác định thời kỳ xây dựng Lăng Ông. Tuy nhiên, có một chi tiết khá gợi mở từ một nguồn văn bia được ghi chép năm 1912 hiện đang lưu giữ tại nhà thờ Tập linh nghề cá ở làng Thanh Khê: “Hoàng triều Duy Tân Nhâm Tý, lục niên, bát nguyệt cát nhật. Nhượng địa Thanh Khê, bổn vạn hội ngư bi”. Tạm dịch: Hoàng triều Duy Tân năm Nhâm Tý, thứ 6 (năm 1912), tháng 8, ngày tốt. Bia của Hội Vạn ghe nhượng địa biển Thanh Khê. Trong bia có ghi chức vụ và tên các cá nhân đóng góp tiền của vào Hội vạn ghe. Từ đó, có thể suy ra Lăng Ông và Hội Nghề cá làng Thanh Khê phải có từ trước năm 1912.
Cho dù chưa xác định niên đại của Lăng Ông Thanh Khê, nhưng không gian văn hóa tâm linh của lăng cổ này có vị trí vai trò trung tâm của lễ hội Cầu ngư Thanh Khê và gần như chiếm suốt thời gian diễn trình của lễ hội.
VĂN THÀNH LÊ - HÀ THÚC QUANG