Cùng nhau khám phá bầu trời

.

Lần đầu tiên cô bé Đoàn Nguyễn Huyền My (5 tuổi, phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu) được ba mẹ cho tham gia sự kiện ngắm trăng tại Công viên Biển Đông do CLB Thiên văn học Đà Nẵng (Danang Astronomy Club - DAC) tổ chức, em nhận ra mặt trăng khác xa trong tưởng tượng về một thế giới cổ tích với chị Hằng hay chú Cuội.

Một sự kiện ngoại khóa tìm hiểu về thiên văn được DAC tổ chức cho các em nhỏ. Ảnh: NVCC
Một sự kiện ngoại khóa tìm hiểu về thiên văn được DAC tổ chức cho các em nhỏ. Ảnh: NVCC

Đó chỉ là một trong số nhiều hoạt động cộng đồng được DAC tổ chức trong hành trình 16 năm kể từ ngày thành lập. Anh Thái Văn Lợi, cựu chủ nhiệm DAC - người có nhiều thời gian gắn bó với CLB - kể lại, DAC có tiền thân là CLB Thiên văn Bách khoa (Polytechnic Astronomy Club - PAC), thành lập ngày 21-10-2007 gồm những bạn trẻ yêu thiên văn, đam mê tìm hiểu vũ trụ. 5 năm sau, CLB chính thức đổi tên thành CLB Thiên văn học Đà Nẵng, trực thuộc Hội Sinh viên Đại học Đà Nẵng.

Kết nối tình yêu thiên văn

Theo anh Lợi, thời điểm 16 năm trước, thiên văn học vẫn là bộ môn khoa học còn xa lạ với mọi người. Sự ra đời của CLB ngày đó có sự quan tâm và giúp đỡ của Đoàn Trường Đại học Bách khoa và Khoa Vật lý của Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng), đồng thời nhận sự bảo trợ về mặt danh nghĩa từ Hội Thiên văn Việt Nam. CLB đã tổ chức nhiều hoạt động hấp dẫn, bổ ích, thu hút nhiều bạn trẻ tham gia, góp phần xây dựng và mở rộng cộng đồng yêu thiên văn.

“Định hướng của CLB là tạo ra sân chơi hữu ích cho cộng đồng người yêu thiên văn. Ở đây, mọi người có thể quan sát bầu trời, tìm hiểu kính thiên văn, quan sát các hiện tượng thiên văn lý thú như nhật thực, nguyệt thực, mưa sao băng, cũng như tham gia các buổi sinh hoạt, giao lưu, trao đổi kỹ năng mềm, truyền đạt kiến thức thiên văn học và công nghệ vũ trụ thông qua thuyết trình, chiếu phim thiên văn hằng tuần, đố vui, các buổi dã ngoại…”, anh Lợi cho biết.

Trong ký ức những người gắn bó với DAC, CLB gặp không ít khó khăn ban đầu về kỹ thuật, thiết bị, đặc biệt khi giá thành kính thiên văn khá cao so với túi tiền sinh viên. Sau này, các thành viên góp kinh phí để mua sắm rồi mày mò tự làm kính thiên văn từ ống nước. Nhiều cựu thành viên tốt nghiệp, đi làm quay lại ủng hộ CLB về vật chất lẫn tinh thần. Dần dần, từ một hội nhóm ban đầu với 8 thành viên, DAC hiện có 30 thành viên thường trực cùng mạng lưới rộng lớn thành viên không thường trực là những cựu thành viên qua các thế hệ. CLB đã kết nối với Trường Đại học Sư phạm, Trường Đại học Bách khoa tổ chức các tọa đàm, diễn đàn, hội thảo, thực tế về thiên văn. CLB cũng được Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, THPT Phan Thành Tài, THPT Ngô Quyền, THCS Đức Trí, Trường Tiểu học và THCS FPT tạo điều kiện tổ chức các hoạt động ngoại khóa trải nghiệm thiên văn học cho học sinh. Cũng có thời điểm, CLB được hỗ trợ tổ chức cho du khách quan sát vũ trụ từ đỉnh Bà Nà.

Hành trang tuổi trẻ từ bầu trời

Chủ nhiệm DAC hiện là Nguyễn Thị Thùy Trang, sinh viên năm 3, Trường Đại học Bách khoa. Trang chia sẻ: “Em biết đến DAC năm 2019 nhưng phải đến 2022 mới gia nhập CLB. Lần đầu tiên đi cắm trại cùng các anh chị, ngắm vũ trụ qua kính thiên văn, em thấy một thế giới thật khác so với ngày bé ngắm sao trên bầu trời. Vũ trụ rộng lớn mà mình thì nhỏ bé. Trực tiếp nhìn những thiên thể, những hiện tượng thiên văn bỗng thấy mình trưởng thành hơn, hiểu được nhiều điều mới mẻ, lý thú hơn”. Từ một người hướng nội, ít nói, Trang trở thành người hoạt bát, mạnh dạn đứng trước đám đông để chia sẻ kiến thức về thiên văn học.

Cũng là thành viên mới, Lưu Phương Thảo Vy, sinh viên Viện Nghiên cứu và đào tạo Việt - Anh (Đại học Đà Nẵng) cho biết: “Bản thân em như được khám phá một bầu trời kiến thức mới về thiên văn, em nhận ra thiên văn không quá khó, không quá xa vời mà vô cùng gần gũi. Đó cũng là điều em mong muốn được chia sẻ, truyền đạt lại cộng đồng từ khi tham gia CLB”.

Với anh Thái Văn Lợi, tham gia CLB là dịp để bản thân trưởng thành. Bên cạnh những kiến thức về thiên văn, điều các thành viên gặt hái được là những kỹ năng mềm, những niềm vui, những trải nghiệm lý thú, một nơi chốn để đi về trong năm tháng tuổi trẻ. “Nhà mình ở xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang. Từ bé mình đã thích ngắm nhìn bầu trời. Hồi đó chưa có đèn đường, mình nhìn thấy một chòm sao có hình dáng từa tựa như bản đồ Việt Nam - phần lãnh thổ trên đất liền nên lấy giấy vẽ lại. Sau này tra cứu mới biết đó là chòm sao Bò cạp, mỗi lần nhìn thấy nó là một lần cảm xúc”, anh Lợi nhớ lại.

Chủ nhiệm DAC Nguyễn Thị Thùy Trang liệt kê một danh sách các sự kiện tương đối dày đặc của CLB trong năm 2023 cũng như dự định sắp tới. Trang nói, áp lực nhưng vui, vì những hoạt động của CLB đã và đang dần được lan tỏa nhiều hơn đến cộng đồng. “Có lần chúng em làm sự kiện xong về muộn, ghé vào một quán ăn khuya. Chú chủ quán nghe đến thiên văn thì hỏi “thiên văn có phải dự báo thời tiết không?”. Từ đó CLB nhận ra thiên văn học trong mắt mọi người nhiều khi là một khái niệm còn rất mới và chúng em mong muốn sẽ đưa những kiến thức, thông tin về thiên văn, vũ trụ gần hơn với mọi người”, Trang chia sẻ.

Có thể nói, với những thành viên DAC, niềm vui không còn dừng lại ở việc quan sát mặt trăng, mặt trời, sao băng… mà đã nhân rộng lên thành câu chuyện lan tỏa đam mê thiên văn với cộng đồng. Những điều đó đã trở thành hành trang quý giá trên hành trình của những người trẻ “trót” yêu sự vô tận của bầu trời.

NAM ĐỊNH

;
;
.
.
.
.
.