Hạ tuần tháng 9-1904, tại làng Nghi An, tổng Phước Tường, huyện Hòa Vang (nay thuộc phường Hòa Phát, quận Cẩm Lệ) diễn ra cuộc đấu tranh rất căng thẳng giữa dân làng và một giám đốc ngân hàng mà bài vè dân gian gọi là “Tây Béo”. Người làm tan vỡ mộng chiếm đất của quan Tây không ai khác, là một con dân của làng...
Phương danh của Thái Phiên - người làm tan vỡ mộng chiếm đất của quan Tây năm xưa - được đặt tên cho một ngôi trường tại Đà Nẵng. TRONG ẢNH: Các đại biểu chụp hình lưu niệm sau khi viếng hương tượng Chí sĩ Thái Phiên tại trường THPT mang tên ông nhân kỷ niệm 60 năm (1963-2023) thành lập trường. Ảnh: V.T.L |
Tên thật của “Tây Béo” bị dân làng khiếu kiện gần 10 ngày sau cuộc đấu tranh là Charles Gravelle, Giám đốc Ngân hàng Đông Dương - theo nhà nghiên cứu Nguyễn Sinh Duy trong cuốn Quảng Nam, những vấn đề lịch sử (Trung tâm Nghiên cứu Quốc học - NXB Văn học ấn hành và giới thiệu, tháng 7-2013). Trong đó, tác giả dành các trang từ 322 đến 370 công bố Hồ sơ vụ dân làng Nghi An khiếu kiện Charles Gravelle về việc chiếm đất.
Bấy giờ, cậy trong tay có cả quyền hành lẫn tiền bạc, Charles Gravelle cùng thuộc hạ lặn lội khắp các vùng ngoại ô Đà Nẵng, nhắm thấy nơi nào đất đai rộng rãi, phì nhiêu là lăm lăm tìm cách cưỡng chiếm cho bằng được. Làng Nghi An lọt vào tầm ngắm của kẻ có lòng tham không đáy này. Thế là bùng nổ cuộc chiến không khoan nhượng giữa người giữ đất và kẻ chiếm đất.
Dân gian đã kể lại sự việc qua bài “Vè giành đất” được truyền khẩu gần một thế kỷ qua. Cụ Ngô Đằng, người có ông cố là rể đằng tộc Thái ở làng Nghi An, mỗi khi có ai hỏi chuyện xưa là đọc vanh vách bài vè rồi cắt nghĩa cặn kẽ những tích lớp diễn ra vụ việc ngày nào. Cụ cho biết, bài vè gọi cái người đi chơi đây đó để nhắm đất là “Tây Béo”, bởi dân mình khi đó cực khổ, quanh năm nai lưng làm lụng nhưng chẳng đủ ăn thì có mấy ai được béo tốt như các quan Tây.
“Tây Béo” Gravelle cùng thuộc hạ dạo một vòng quanh vùng Phước Tường, Nghi An để tìm đất mở đồn điền cao su. Tới vùng đất quanh Gò Đình làng Nghi An, y và một tên Tây nữa mở địa đồ ra, ngắm nghía cái rẫy rất rộng của ông Thủ Chánh (là cố ông Đằng), lòng tham trỗi dậy, liền nghĩ tới mưu đồ cho người làm thuê (cu-li) đào hồ, chiếm đất. Theo “Vè giành đất”, trong lúc “Ông Tây nghe rõ truy cơ/ Truyền cho đám thợ đào bờ trồng cây” thì làng cũng không phải dạng vừa: “Làng truyền cho khắp dân bây/ Từ lớn tới nhỏ ra đứng đầy rẫy tranh/ Bây ra cứ việc bây giành/ Cu-li đào lỗ, bứt dây xanh trói liền”.
Lý trưởng và các hào lý làng Nghi An dẫn khoảng 40 người phục sẵn từ ngoài rừng xông tới, lệnh cho dân làng lao vào những người làm thuê cho Tây, hễ thấy kẻ nào ra đào hố trồng cây thì dân làng “bứt dây xanh trói” ngay tức khắc, không khoan nhượng.
Câu chuyện giành đất đến hồi kịch tính. Thấy sự việc diễn ra không như ý đồ của mình, Gravelle đành xuống nước, cho người về Tourane (Đà Nẵng) báo cáo. Vào khoảng 2 giờ chiều hôm đó, khi quan trên là Leroy lên phân xử, thì “một đoàn dân làng gồm khoảng 50 người xuất hiện trong rừng, đi về phía chúng tôi, không mang theo khí giới hay gậy gộc. Họ chỉ khua chân múa tay và la hét rồi nằm dài trên các hố bất động như chết...” - theo thư giải trình của Gravelle (*) viết vào buổi tối 25-9-1904 (ngay sau khi diễn ra cuộc giành đất) gửi chánh án Tòa Hòa giải rộng quyền Đà Nẵng.
Theo “Vè giành đất”, bấy giờ các vị hương chức trình bày mọi việc với quan Tây. Rằng, nhiều vùng đất của làng như: Gò Trọc, Gò Trường, Cấm Lớn, Cấm Nhỏ, Hố Sung, Hố Vông... đều đã “nhường cho ông” (tức Gravelle). Rằng, “Làng còn một chút cái ngôi Gò Đình/ Để lo cúng tế chư linh quỷ thần”, thế mà quân chiếm đất cũng đòi lấy nốt thì ai mà chịu được. Trong thư giải trình, Gravelle miêu tả không khí căng thẳng, dữ dội vào cuối ngày hôm đó. Khoảng 4 giờ chiều, khi anh em nhà Gravelle xuống chân đồi định lên xe về nhà thì dân làng rượt theo bao vây, khó khăn lắm cả bọn mới thoát thân.
Ông Ngô Đằng kể, sau vụ Tây chiếm đất đình này, làng đã cử ông Thái Văn Hùng (còn gọi là Xã Lọ, anh con nhà bác của ông Thái Phiên) ra Huế kêu oan vua quan nhà Nguyễn mấy tháng trời. Đòi lại đất không thành, ông này uất quá mà chết.
Vì sao làng Nghi An sau khi để các gò, cấm, hố,... của làng mình lọt trọn vào tay Gravelle, đến lượt y định chiếm luôn Gò Đình thì mới bị sự phản kháng quyết liệt của dân làng? Theo nhận định của các vị cao niên làng Nghi An - các ông Thái Lũy, Nguyễn Xuân Khôi và Ngô Đằng - thì Gò Đình là đất thiêng của làng, nơi hằng năm tổ chức các lễ trọng tại đình làng để tưởng nhớ công đức chư vị tiền nhân mở làng lập ấp, để mất nơi này chẳng khác nào mất cả quê cha đất tổ. Thêm nữa, đụng đến chốn linh thiêng này là đụng đến tộc Thái, dòng họ danh giá nhất làng bấy giờ, trong đó có ông Thái Văn Soạn, mỹ tự Phiên, hiệu Nam Xương, được cha mẹ cho ăn học đến nơi đến chốn. Ông Thái Lũy có ông nội là anh con nhà bác của ông Thái Văn Soạn, tức Thái Phiên. Nhà cha mẹ ông Thái Phiên là nhà rường ba gian vách gỗ, cửa bàn khoa, nằm trong khu vực hố Hương Lương, gần vùng đất Pháp mở đồn điền cao su, cà phê sau này.
Trong thư giải trình của Gravelle, hình ảnh “cậu thanh niên làm phiên dịch viên cho ngài Leroy ở Tourane” đã xuất hiện 2 lần, đó là Thái Phiên, lúc này chỉ mới 22 tuổi. Ngày 4-10-1904, mười ngày sau khi diễn ra vụ đấu tranh giành đất, các hương lý, hào mục làng Nghi An đã đồng ký vào đơn kiện gửi lên Tòa Hòa giải rộng quyền Đà Nẵng. Trang đầu lá đơn viết bằng chữ Nôm và phần cuối lá đơn có chữ ký các hương lý, hào mục, trong đó có ông Thái Duy Tân, thân phụ của Thái Phiên. Trong phiên tòa ngày 13-10-1904, Tòa án kết án và phạt tù, phạt tiền đối với lý trưởng Trịnh Hoằng và 4 người dân làng Nghi An, trong đó có ông Thái Duy Tân.
Về chuyện vỡ mộng chiếm đất của “Tây Béo”, nhà nghiên cứu Nguyễn Trương Đàn nhận định trong bài viết “Chuyện làng Nghi An 108 năm trước” đăng trên Đà Nẵng cuối tuần ra ngày 23-6-2012: “Người dân Nghi An lúc đó tạm thời bị cường quyền đàn áp, nhưng những trang sử sau này cho thấy, cuối cùng họ đã thắng, Gravelle phải rút khỏi Gò Đình. Cuộc đụng đầu quyết liệt ấy đúng là biểu hiện cho ý chí quật cường, không lùi bước trước cường quyền của con người xứ Quảng.
VĂN THÀNH LÊ
(*) Trong hồ sơ “Sự tranh giành về đất đai giữa dân chúng làng Nghi An (Quảng Nam) với ông Gravelle, Giám đốc chi nhánh Ngân hàng Đông Dương ở Đà Nẵng”, được lưu giữ tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, Hà Nội.