Đã từng có một trang web Nguyễn Ngọc Hưng lấy tên “Nhà thơ nằm một chỗ”, tôi cũng đã từng viết: “Hưng vẫn nằm nguyên đó - một vệt nằm xuyên qua hai thế kỷ (1983-2013), và… hành trình thơ Nguyễn Ngọc Hưng là một cuộc hành trình không cây số”… Thực tế cuộc đời Hưng đúng là như thế!
Nhà thơ Nguyễn Ngọc Hưng.Ảnh: ST |
Là một người bạn gần gũi của Hưng, tôi cứ bâng khuâng mãi rằng, dường như số phận của “người thơ nằm một chỗ” này lại gắn chặt với những cuộc dịch chuyển - những cuộc dịch chuyển vừa vui vừa buồn, vừa trần ai, quằn quại lại cũng vừa thi vị đến rúng động lòng người. Trong những cuộc dịch chuyển ấy chứa đựng cả tình yêu, tình mẹ cha, tình bạn, tình người… bởi, đã là người “nằm một chỗ” thì không bao giờ tự mình dịch chuyển theo đúng nghĩa đen của nó.
Mà mỗi lần dịch chuyển của Hưng là kéo theo nhiều người thân, bầu bạn cùng dịch chuyển theo Hưng. Chao ôi! Là những cuộc dịch chuyển, đau đến thắt quặn thể xác, gian truân trên mỗi bước đường mà đầy nước mắt yêu thương, ăm ắp nhân tình và đẫm chất thơ.
Tận cùng nỗi đau
Cái ngày Nguyễn Ngọc Hưng còn là một hạt bụi giữa mù không hư vô xa xưa, có một cuộc dịch chuyển thi vị của chàng kép hát tuồng về vùng đất huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi làm người hát rong để rồi kết quả của cuộc dịch chuyển ấy, một ngày tháng 4-1960, đã cho ra đời hình hài Nguyễn Ngọc Hưng trong niềm vui và cả nỗi lo buồn của người mẹ trẻ.
Lo buồn bởi khi Hưng chưa chào đời, người cha ấy lại tiếp tục dịch chuyển lãng du theo gánh hát tuồng đến những vùng xa lạ khác. Nghĩa là, khi mới chào đời, Hưng đã là đứa bé thiếu cha! Nhưng rồi, trong sự bảo bọc của tình mẫu tử thiêng liêng và những người thân trong gia tộc, tuổi thơ Nguyễn Ngọc Hưng cũng dần dần bình thản lại, để cắp sách đến trường. Có phải chăng, chính cái máu “xê dịch chủ nghĩa” của người cha kép hát cùng tâm hồn đa cảm của người mẹ thôn nữ đã sớm hình thành ở Hưng sức học vượt trội và năng khiếu văn chương từ thuở nhỏ đến trường?
Không phụ lòng mẹ, mùa thu năm 1979, cậu bé thiếu cha rưng rưng từ biệt mẹ để làm một cuộc dịch chuyển quan trọng trong đời người: bước vào giảng đường Đại học Sư phạm Quy Nhơn, khóa 2 (1979-1983). Vượt qua khó khăn của một cậu sinh viên con nhà nghèo, Hưng mê mải học hành và đã tốt nghiệp thủ khoa toàn khóa 3 môn lý thuyết. Hoàn thành thi phần lý thuyết, Hưng về Trường THPT Nghĩa Hành thực tập. Lần dịch chuyển này lại là một chuyến trở về.
Về với mẹ tảo tần, về với quê hương nghèo khó, về với mái trường THPT xưa để gặp lại thầy cô giáo cũ với khát vọng sẽ tiếp bước trên con đường của nghề dạy học cao quý, cho dù, ai cũng biết, với điểm thi tốt nghiệp thủ khoa kia, Đại học Sư phạm Quy Nhơn đã đưa Hưng vào danh sách giữ lại làm cán bộ giảng dạy tại trường. Cứ tưởng trở về quê rồi trở lại Quy Nhơn, ai có ngờ… cái lần dịch chuyển định mệnh này đã mở đầu cho một quãng đời, một số phận khác của người thơ. Đã ném chàng sinh viên Nguyễn Ngọc Hưng vào một hành trình bi tráng mới với những cuộc dịch chuyển đau lòng vì bạo bệnh (toàn thân co rút, chỉ nằm một chỗ).
Từ giã nghề giáo ngay từ ngày đầu sắp bước chân lên bục giảng tập làm thầy, Hưng buồn bã với những cuộc dịch chuyển đời mình mà địa điểm đến chẳng đâu khác hơn là những bệnh viện trong điều kiện túng thiếu của gia đình nông dân nghèo chỉ có hai mẹ con cút côi. “Có bệnh thì vái tứ phương”, hai mẹ con lại tiếp tục “sống chung với đói nghèo” để lặn lội vào Khánh Hòa, rồi Phan Rang, la lết hết bệnh viện này đến bệnh viện kia, cả Đông y và Tây y. Khoảng thời gian đói nghèo và tật bệnh này kéo dài ròng rã 4 năm (1984-1988).
Và rồi, dù bệnh tật, Hưng vẫn đang thời trai trẻ. Còn mẹ? Tuổi già, sức yếu nên theo con chỉ mới nửa đoạn đường, mẹ đã phải dừng lại. Tiếp theo là một cuộc dịch chuyển đớn đau. Vâng, hai bạn Xuân Anh và Ngọc Thiện đã vội vã vào Nha Trang kịp đưa mẹ con Hưng về Hành Thịnh để mẹ trút hơi thở tàn trên cái nền đất quê hương xem như một niềm an ủi. Xót xa thay, khuya nay đưa mẹ về đến quê thì đúng sáng hôm sau mẹ rời bỏ Hưng, từ bỏ cuộc đời: "Tiễn mẹ về thế giới bên kia/ Lá rắt mưa rơi/ Âm thầm con ngửa nón cời/ Hứng buồn vui của cuộc đời ban cho (Quê hương)…
2 tập thơ đã xuất bản của nhà thơ Nguyễn Ngọc Hưng.Ảnh: ST |
Vịn câu thơ đứng dậy
Mất nơi nương tựa cuối cùng là mẹ, thân bệnh Nguyễn Ngọc Hưng đành ngậm ngùi dịch chuyển về xã Hành Thịnh (tỉnh Quảng Ngãi) để nương tựa với người dì ruột thứ mười. Nhưng gia đình dì lại cũng quá khốn khó với cuộc mưu sinh. Lúc này, nhóm bạn bè tại Nghĩa Hành bàn nhau, đưa Hưng về tá túc ở Trạm xá xã Hành Dũng (gần chợ phiên Tam Bảo) - nơi làm việc của Xuân Anh để tiện bề chăm sóc.
Quãng thời gian đó kéo dài từ 1989 đến đầu năm 1991. Đây là một quãng đời cay cực của cả nhóm bạn. Tất cả phải trần lưng làm đủ mọi chuyện để sống và nuôi Hưng. Đây cũng là quãng đời bế tắc nhất của Hưng, đã nhiều lần Hưng có ý định tự tử để bè bạn thảnh thơi. Nhưng rồi, tình bạn, tình đời đã níu Hưng trở lại. Từ đây, Hưng bắt đầu vượt qua sự hành hạ của bệnh tật và nỗi u buồn để đến với thơ.
Cho đến một ngày kia, người cha sau bao nhiêu năm vì hoàn cảnh chưa thể đoàn tụ cùng con mặc dù đã biết con lâm nạn, đã cho người con trai của mình (anh cùng cha khác mẹ với Hưng) đến bàn bạc cùng anh em Nghĩa Hành đưa Hưng về đoàn tụ cùng gia đình tại xã Phổ Thuận (Đức Phổ, Quảng Ngãi). Đây là cuộc dịch chuyển với đoạn đường gần 40 cây số về với quê cha của đứa con sau bao nhiêu năm phải chịu tiếng mồ côi và vô gia cư khi phải nương nhờ bè bạn.
Và tôi chính thức gặp Hưng nơi đây. Sau vài lần giao tiếp, Hưng tin tưởng giao cho tôi toàn bộ những tập bản thảo (13 tập sổ thơ dày). Lúc đó, tôi cứ sợ Hưng chẳng còn sống được bao lâu nên đã liên tục gửi thơ Hưng đi giới thiệu và đăng ở các báo và tạp chí. Những bài thơ lần lượt xuất hiện, số phận người thơ lần lượt được mọi người biết đến.
Nhưng công bằng mà nói, thi pháp thơ Hưng lúc đó được diễn đạt theo lối thơ truyền thống, bài nào cũng được trút ra với tất cả nỗi niềm nên rất dài. Cần phải tạo môi trường để Hưng tiếp xúc và đọc thơ mới. Tôi đem băn khoăn này tâm sự cùng nhóm anh em Nghĩa Hành. Vậy là, nhóm anh em lại hẹn nhau bàn bạc và chuyển Hưng về ở với gia đình Xuân Anh - Thu Hà tại thị trấn Chợ Chùa, Nghĩa Hành, Quảng Ngãi. Từ mái nhà này, trong vòng tay của bạn bè thân hữu với đầy đủ phương tiện thông tin, sự mến mộ của bạn đọc gần xa, thơ Hưng bắt đầu hướng đến cuộc sống đương đại, hơi thơ đương đại để chính thức trở thành một nhà thơ với hàng loạt tác phẩm giá trị ra đời cùng nhiều giải thưởng thơ danh giá.
Đến lúc này, thơ ca đã thực sự trở thành công cụ để Hưng sống giữa cuộc đời, trở thành liều thuốc để Hưng chống chọi kiên trì cùng bệnh tật. Và chính thơ ca đã giúp Hưng nối mình với cả thế giới bao la qua cuộc thi thơ quốc tế “Một trái tim một thế giới” dành cho người tàn tật. Hưng được giải thưởng thơ và… một cuộc dịch chuyển độc đáo đã đến với Hưng và những người thân - dịch chuyển về thủ đô Hà Nội để dự lễ trao giải và cuộc triển lãm thơ quốc tế “Một trái tim một thế giới” năm 2000. Đây cũng là cơ hội để Hưng vào thăm Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh trong rưng rưng nước mắt.
Một năm sau, Hưng lại làm một cuộc dịch chuyển gần mà vô cùng ý nghĩa: về thăm mộ mẹ ở Hành Thịnh để làm những thước phim về cuộc đời mình - nơi mà ngày mẹ mất, chỉ bạn bè, người thân đưa mẹ về yên nghỉ, còn Hưng thì vẫn chỉ nằm yên một chỗ để điếng lòng đau theo nhịp trống di quan. Như được tiếp thêm sức mạnh, Hưng lại dịch chuyển về Quy Nhơn thăm trường xưa và thầy cô giáo cũ. Thủ đô - Bác Hồ - Mẹ và Thầy dường như nối liền thành một cuộc dịch chuyển đầy ý nghĩa. Thầy cũ đây rồi, trường cũ đây rồi, Hàn Mặc Tử đây rồi, hai số phận, hai cuộc đời thơ cùng một niềm san sẻ…
Mỗi lần nhìn tấm ảnh Hưng nằm ngay đơ chụp bên mộ Hàn Mặc Tử ở Ghềnh Ráng khi về lại Quy Nhơn, tôi cứ vơ vẩn nghĩ hoài: Hình như Quy Nhơn - đất của “Người về” lại trớ trêu không chấp nhận một số phận thứ hai sau Hàn Mặc Tử nên trước đó đành cam tâm cắt đứt đường về của chàng thi sĩ tương lai.
“Nằm một chỗ” nhưng số phận và đời thơ Hưng là một một chuỗi những cuộc dịch chuyển thể xác và những cuộc viễn du tinh thần đầy gian khó và đẫm chất thơ. Để cuối cùng Hưng dịch chuyển chính cuộc đời tưởng đã bỏ đi của mình về với cuộc sống, về giữa con người và đem thơ chiến đấu cùng bệnh tật, lấy thơ làm lẽ sống để mãi mãi đem sức mình hiến dâng cho đời những vần thơ đẹp. Đến nay, Nguyễn Ngọc Hưng đã xuất bản gần 20 tập thơ, trong đó có nhiều bài được chọn đưa vào sách giáo khoa các cấp.
Nguyễn Ngọc Hưng làm thơ để “tạ ơn đời”, cuộc đời lại tạ ơn Hưng vì những bài thơ dâng hiến. Trong 63 năm của cuộc đời, 40 năm bệnh tật ấy, Nguyễn Ngọc Hưng thật sự đã “chắt lọc” từ “vô vàn hạt bụi” với tất cả những bất hạnh, đau thương của cuộc đời mình để biến thành những hạt thơ - hạt vàng tin yêu đầy sức sống:
Thơ chắt lọc từ vô vàn hạt bụi
Một hạt vàng - một hạt sáng sinh sôi (Nụ hồng vàng).
Làng Yên Phú tháng 9-2023
MAI BÁ ẤN