Nhanh chóng điều chỉnh chính sách

.

Lạc hậu cả chục năm, lẽ ra phải làm sớm hơn, chậm thay đổi, nhiều bất cập… Đó là những cụm từ được cất lên tại nghị trường Quốc hội khi thảo luận về thực hiện ngân sách 2023 và dự toán, kế hoạch phân bổ ngân sách 2024. Cụ thể, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Trần Văn Lâm cho rằng, các quy định trong Luật Thuế thu nhập cá nhân như khởi điểm thu nhập chịu thuế, mức giảm trừ gia cảnh (con cái, bố mẹ)… lạc hậu cả chục năm, không được cập nhật theo biến động của lương tối thiểu, giá cả và làm phạt. Điều đó cho thấy chính sách chậm thay đổi, nhiều bất cập.

Một trong những bất cập được nhiều đại biểu Quốc hội đề cập đến, đó là mức giảm trừ gia cảnh. Mức giảm trừ gia cảnh 15,4 triệu đồng (gồm giảm trừ cá nhân 11 triệu đồng và giảm trừ người phụ thuộc 4,4 triệu đồng) được duy trì từ tháng 10-2020 đến nay. Theo giải thích của cơ quan thuế, khoản giảm trừ gia cảnh được xác định bằng “mức chi tiêu đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu của một người” - là 11 triệu đồng với người nộp thuế và 4,4 triệu đồng với một người phụ thuộc. Con số 4,4 triệu đồng được xác định bằng 40% so với giảm trừ của bản thân người nộp thuế. Như vậy, đã tròn 3 năm mức giảm trừ gia cảnh không thay đổi, trong khi hầu hết cả mặt hàng tiêu dùng, dịch vụ đều tăng khoảng 20-30% từ sau đại dịch Covid-19, khiến chi phí sinh hoạt của người dân đội lên.

Việc bất cập của mức giảm trừ gia cảnh không phải bây giờ mới được nói đến. Tại phiên thảo luận tổ về kinh tế - xã hội ngày 25-5-2023, bà Đoàn Thị Thanh Mai, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, mức giảm trừ gia cảnh hiện tại quá thấp so với mức sống người dân và đề nghị Chính phủ sớm sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân. Bà Mai khẳng định, mức giảm trừ gia cảnh 15,4 triệu đồng không còn phù hợp với biến động liên tục mặt bằng giá, tạo ra sự thiếu công bằng với các đối tượng nộp thuế, nhất là trong bối cảnh thu nhập của người dân không tăng, thậm chí giảm. Với nhiều gia đình, nhất là tại các thành phố lớn, mức giảm trừ gia cảnh hiện nay không đủ để đáp ứng chi tiêu cơ bản…

Thực tế, để nuôi được một người phụ thuộc ở các thành phố lớn, chỉ với 4,4 triệu đồng là không đủ, bởi biết bao khoản chi phí tối thiểu bắt buộc phải thực hiện hằng tháng, như tiền ăn uống, học tập, đi lại, chi phí điện nước sinh hoạt… Đó còn chưa kể đến những chi phí khác liên quan đến học thêm, học ngoại ngữ, giải trí, y tế… Rõ ràng, ngần ấy khoản bắt buộc phải chi trong điều kiện mọi thứ hàng hóa, dịch vụ đều đắt đỏ khiến người dân phải “liệu cơm gắp mắm”, thắt chặt hầu bao, tiết kiệm chi tiêu đến mức tối đa cũng rất khó để hài hòa, hợp lý.

Về luật, việc điều chỉnh giảm trừ gia cảnh chỉ được thực hiện khi biến động chỉ số giá tiêu dùng (CPI) lũy kế qua các năm hơn 20%. Tuy nhiên, cách xác định mốc điều chỉnh giảm trừ gia cảnh được nghiên cứu vào năm 2004 - thời điểm lạm phát đang ở mức 2 chữ số, trong khi chi tiêu của người dân và lạm phát tăng lên hằng năm. Theo khảo sát của Tổng cục Thống kê, nếu năm 2008, mỗi người bình quân chi tiêu khoảng 792.000 đồng thì tới năm 2020, con số này tăng 3,6 lần, lên gần 2,9 triệu đồng. Kết quả năm 2020 dựa trên khảo sát gần 47.000 hộ dân ở các phường, xã đại diện cho cả nước. Kết quả khảo sát cũng chỉ ra rằng, trong khi mức chi tiêu mỗi người dân gấp khoảng 4 lần so với thời điểm 2007, mức giảm trừ gia cảnh chưa bằng 3 lần. Nếu so với tốc độ tăng lương tối thiểu, mức điều chỉnh gia cảnh cũng lỗi thời. Đơn cử, lương tối thiểu vùng 1 tới nay đã bằng ít nhất 5,5 lần, mức giảm trừ gia cảnh chỉ bằng 2,8 lần. Còn trong hơn 15 năm qua, mức giảm trừ gia cảnh chỉ được điều chỉnh 2 lần... Rõ ràng, chính sách có độ trễ khá lớn, khiến người dân thiệt thòi.

Với bối cảnh thay đổi như vậy, sự chi tiêu thiết yếu ngày càng lớn hơn, cách xác định mốc điều chỉnh là khi CPI biến động trên 20% liệu có còn phù hợp? Liệu có cần thiết, bắt buộc là phải đến năm 2026, nếu Luật Thuế thu nhập cá nhân sửa đổi có hiệu lực, mới “có thể nghiên cứu” nâng mức giảm trừ gia cảnh cho phù hợp mức sống?! Bất cập giữa mức giảm trừ gia cảnh với mức sống đã rất rõ ràng, vậy tại sao không thể điều chỉnh chính sách để phá tan sự bất cập ấy, giúp người dân “dễ thở” hơn trong cuộc sống?

Xin lấy dẫn chứng từ kết quả khảo sát trong 1 tuần của báo điện tử VnExpress thực hiện với hơn 23.900 bạn đọc có mức thu nhập bình quân 22 triệu đồng mỗi tháng. Họ cho rằng, người nộp thuế chi tiêu cho bản thân mỗi tháng hơn 10 triệu đồng nhưng tốn ít nhất 7 triệu để nuôi một người phụ thuộc - chiếm 70% mức chi cho bản thân, lớn hơn nhiều so với tỷ lệ 40% mà Bộ Tài chính xác định.

Khi chính sách có độ trễ lớn, khi những bất cập đã được chỉ rõ, sự điều chỉnh chính sách là cần thiết, để người dân thực sự được bảo đảm quyền lợi của mình, cảm thấy công bằng, hài lòng và tin tưởng vào chính sách và thực hiện chính sách một cách trách nhiệm, thoải mái hơn.

NGUYỄN TRI THỨC

;
;
.
.
.
.
.