Thế Hiển - Một tâm hồn yêu lính

.

Vệt sáng tạo chủ thể, vệt sáng tạo ấn tượng nhất trong 40 năm qua của Thế Hiển vẫn là những sáng tác về lính bằng một tâm hồn yêu lính. Sự hy sinh, dâng hiến của người lính đã để lại những nghĩ suy cho những người dân. Đấy là sự hàm ơn lặng lẽ và cao quý. Nếu không thật lòng thì sẽ không nghĩ như thế. Mà sự thật lòng chính là sự bảo hành lớn nhất cho những tác phẩm hay.

Gần 70 tuổi, nhạc sĩ Thế Hiển vẫn dành phần lớn thời gian để sáng tác và biểu diễn. Ảnh: ST
Gần 70 tuổi, nhạc sĩ Thế Hiển vẫn dành phần lớn thời gian để sáng tác và biểu diễn. Ảnh: ST

Vào một ngày hè 1986, tôi ra Quảng Ninh công tác ở một trạm quân bưu, hình như ở Đồi Con Ốc, chiều rảnh rỗi, anh em quây quần đàn hát. Hai chàng lính ngồi ôm guitar thùng cất lên một giai điệu lạ lẫm: “Một ba lô - Cây súng trên vai - Người chiến sĩ -  Quen với gian lao…”. Giai điệu cứ thế chảy vào tôi như một dòng nước mát giữa trời hè nóng bỏng. Cho đến điệp khúc dâng trào: “Cho em thơ ngủ ngon và vui bước sớm hôm đến trường…” thì tôi như bị chìm đắm trong một sự mới mẻ, một cách ngợi ca người lính chúng tôi khác với những ngợi ca trước đó. Tôi hỏi ca khúc này của ai, một người lính nói là của Thế Hiển. Thế Hiển - cái tên nghe vừa lạ vừa quen. Quen vì có rất nhiều tên Hiển như thế! Lạ là vì đây là Thế Hiển, tác giả ca khúc hay mà tôi vừa nghe. Và cái tên Thế Hiển bắt đầu theo tôi như một ám ảnh.

Song có lẽ là duyên số, tôi không phải đợi lâu nữa. Cuối năm ấy, tôi vào Thành phố Hồ Chí Minh, trong một cuộc nhậu cùng Trần Tiến, cũng đã hơi sương sương, bỗng thấy một chàng tóc bồng, cao và gầy bước vào. Trần Tiến kêu: “Ê! Hiển. Vào làm ly cho vui mày”. Tôi gai người: "Có phải Thế Hiển “Hát về anh” không nhỉ? Đúng chóc. Thế Hiển tươi cười chào chúng tôi và nâng ly. Cuộc nhậu hôm ấy thật say và nhờ thế, tôi mới biết sự ra đời của “Hát về anh”.

Đấy là những ngày mùa đông 1983. Khi ấy, Đoàn ca múa Bông Sen của Thế Hiển vừa trải qua bốn tháng lưu diễn ở các nước anh em như Liên Xô, Đông Đức và Cu Ba trở về Hà Nội. Cùng lúc ấy, ông Sáu Dân (tức đồng chí Võ Văn Kiệt) từ Thành phố Hồ Chí Minh ra Hà Nội nhận chức Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước. Ông đã có buổi cơm thân mật với anh em chúng tôi tại tư gia. Buổi ấy, sau khi nghe Thế Hiển hát một sáng tác của mình, ông Sáu đã có lời khuyên thật lòng: “Cháu đàn, hát và sáng tác tốt. Nhưng hãy bớt cái tôi riêng tư đi, để hướng đến cái ta rộng lớn”. Lời khuyên đó đã đi theo Thế Hiển lên biên giới phía Bắc Quảng Ninh trong chuyến đi diễn phục vụ lính biên giới ngay sau đấy. Và đoạn đầu ca khúc “Hát về anh” được hoàn thành sau 10 ngày lưu diễn, sống cùng lính trong hoàn cảnh gian khó.

Về Thành phố Hồ Chí Minh trong những ngày áp Tết âm lịch Giáp Tý 1984, chính cảnh nhộn nhịp sắm Tết của người dân đã khiến Thế Hiển trắc ẩn nghĩ tới những người lính biên giới mà mình vừa chia tay. Một hàm ơn từ sâu đáy lòng dậy sóng. Họ đã tự nguyện hy sinh, dâng hiến ở nơi biên cương xa xăm cho cuộc sống bình yên của người dân. Và thế là đoạn sau của “Hát về anh” đã nhanh chóng được hoàn thiện với cao trào hát bằng tiết điệu slow-surf: “Cho em thơ ngủ ngon…”. Nhưng câu “Thế Hiển nhất” mà các nhạc sĩ trước đó viết về lính chưa ai có tâm trạng ấy, chính là: “Nên đọng lại trong tôi - những nghĩ suy”. Sự hy sinh, dâng hiến của người lính đã để lại những nghĩ suy cho những người dân. Đấy là sự hàm ơn lặng lẽ và cao quý. Nếu không thật lòng thì sẽ không nghĩ như thế. Mà sự thật lòng chính là sự bảo hành lớn nhất cho những tác phẩm hay.

Lại trong một hội diễn của lính đầu thời mở cửa đổi mới, tôi lại nghe “Đợi chờ trong cơn mưa” của Thế Hiển. Nghe đến câu: “Mưa vẫn rơi - rơi vào nỗi nhớ” thì tôi phải đập tay bào bàn: “Hay quá! Thơ quá”. Viết về sự đợi chờ người yêu của một người lính trước khi ra đi như thế thì quá mới mẻ. Nhưng chưa hết, cũng trong hội diễn, chỉ ngay sau đó ít tiết mục, tôi lại được cảm nhận về người lính trở về qua “Nhánh lan rừng”: “Về thăm thành phố - Náo nức mùa xuân - Ba lô trên lưng - Mang theo nhánh lan rừng…”. Ca khúc này, Thế Hiển viết ngay trong chuyến đi phục vụ lính tình nguyện ở Cambodia tại mặt trận 479 vào mùa xuân 1986. Viết và hát ngay cho lính ở chiến hào nghe. Vào thời điểm ấy, sức lan tỏa những ca khúc Thế Hiển thật đáng trân trọng. “Song kiếm hợp bích” vừa hát vừa sáng tác thì có lẽ sau Trần Tiến là sự tiếp bước của Thế Hiển. Một tiếp bước ấn tượng. Có lẽ bởi thế, nên năm 1989, khi Trần Tiến và tôi cùng làm cuộc vận động sáng tác về đề tài “Sinh đẻ có kế hoạch” do Trung ương Đoàn chủ trì, Thế Hiển cũng đã có ca khúc “Dấu chấm hỏi” lọt vào topten với “Sao em nỡ vội lấy chồng” của Trần Tiến, “Lời ru chia đôi” của Trương Ngọc Ninh, “Cô Nụ thôn tôi” của Phó Đức Phương… Nhưng vệt sáng tạo chủ thể, vệt sáng tạo ấn tượng nhất trong 40 năm qua của Thế Hiển vẫn là những sáng tác về lính bằng một tâm hồn yêu lính.

Đã có “Nhánh lan rừng” lại còn có thêm “Ký ức nhánh lan rừng” nữa chứ. Cảm xúc cứ chồng thêm cảm xúc. “Nhánh lan rừng” được lính nồng nhiệt đón nhận. Họ gặp Thế Hiển trên đường ra trận, họ lại tặng tác giả “Nhánh lan rừng” một nhánh lan rừng thật. Và thế là “Ký ức nhánh lan rừng” lại tiếp tục được sinh ra. Thế Hiển bằng một tâm hồn yêu lính đã luôn nhập thân vào người lính để viết ra những khúc ngợi ca họ. Nhưng nhập thân đến mức “lên đồng” thì phải nói đến những ca khúc Thế Hiển viết về lính Trường Sa như “Vỏ ốc biển”, “Tiếng hát trên đảo Sơn Ca”, “Nỗi nhớ từ đảo xa” (phỏng thơ Lê Xuân Bắc), “Biển đảo quê hương ta” (thơ Trần Đức Thắng), và rất độc đáo là “Lính đảo Trường Sa” mang phong cách rock nhưng lại ẩn chứa trong đó cả chất đồng dao: “Lính đảo Trường Sa  - Bơi lặn nhanh hơn cá - Vượt qua những phong ba - Gió táp và mưa sa - Trọn niềm tin thiết tha - Nước non quê nhà - Biển đảo là của ta…”. Những âm “a” nối theo nhau qua từng câu hát luôn gợi lên một sự ngạc nhiên về tầm vóc lính Trường Sa.

Từ những thành công trong ca khúc, Thế Hiển đã có khát vọng bước sang địa hạt của trường ca, mang những đoạn đơn để ghép thành cấu trúc của thể ba đoạn phức. Với bài thơ của Lê Xuân Hân, “Trường ca tám mươi năm nhìn lại” của Thế Hiển hiển hiện một minh chứng. Sau những khúc rao ban đầu mang hơi thở cổ nhạc xen giữa là gian tấu đàn tranh, âm nhạc hào hung tràn vào sau tiến kèn Trombone giục giã: “Tháng Tám mùa thu vung gươm khởi nghĩa - Tháng ba bốn bảy trước cờ Đảng nắm tay thề…”. Hình tượng của người lính già hằng bước trường chinh đã được thể hiện, đã được khắc hOAJ rõ nét bằng âm thanh, bằng nhịp hành khúc dõng dạc và nhịp cuốn nhanh như lốc bụi. Từ điệu thức thứ miêu tả chiến tranh chuyển sang điệu thức trưởng miêu tả thời bình cũng là một cách riêng của Thế Hiển. Trường ca trở lại điệu thức thứ khi đến cùng những suy ngẫm của tuổi già. Lắng đọng và chân thành.

40 năm cho một sáng tạo âm nhạc. Bốn thập kỷ để có thể trình làng 40 nhạc phẩm về người lính và tình yêu của họ. Như một thường dân bằng tâm hồn yêu lính, bằng sự hàm ơn sâu sắc và hồn nhiên, một thế giới âm thanh mang tên Thế Hiển đang mở ra đón ta bước vào.

NGUYỄN THỤY KHA

;
;
.
.
.
.
.