Nữ tiến sĩ 9X Nguyễn Thị Thu Trang (Trang Nguyễn), người sáng lập Trung tâm hành động vì động vật hoang dã Việt Nam (WildAct) vừa trở thành Quán quân toàn cầu của Giải thưởng Cựu sinh viên Vương quốc Anh (Study UK Alumni Awards) năm 2023 ở hạng mục Khoa học và Bền vững. Giải thưởng do Hội đồng Anh công bố nhằm tôn vinh những thành tích và đóng góp nổi bật của cựu sinh viên Vương quốc Anh trên khắp thế giới.
TS. Nguyễn Thị Thu Trang (giữa) nhận Giải thưởng quốc tế danh giá Princess of Girona Foundation (FPdGi) 2022 do Hoàng gia Tây Ban Nha trao tặng. Ảnh: NVCC |
Để trở thành đại diện Việt Nam nói riêng và khu vực Đông Á nói chung nhận giải thưởng danh giá này, Tiến sĩ Trang Nguyễn đã vượt qua 1.300 cựu du học sinh Anh đến từ 114 quốc gia. Cô cho biết, giải thưởng là sự ghi nhận những nỗ lực và cố gắng của bản thân trong công tác nghiên cứu và bảo tồn động vật hoang dã.
Từng là cử nhân chuyên ngành Bảo tồn động vật hoang dã, Đại học Oxford Brookes (Vương quốc Anh), Trang Nguyễn có điều kiện tham gia các dự án bảo tồn động vật hoang dã ở Việt Nam, Madagascar, Borneo, Campuchia, Kenya và Nam Phi... Hàng tháng trời rong ruổi trên khắp các cánh rừng để nghiên cứu những loài động vật nằm trong sách đỏ giúp cô quyết tâm thành lập Trung tâm WildAct khi vừa tròn 23 tuổi. Theo Trang Nguyễn, WildAct đẩy mạnh giáo dục chuyên sâu về bảo tồn động vật hoang dã, thông qua việc tổ chức các lớp tập huấn và các hội thảo chuyên ngành về động vật.
Thời gian qua, dưới sự dẫn dắt của nữ tiến sĩ 9X, WildAct trở thành tổ chức đầu tiên ở Việt Nam thực hiện chương trình bình đẳng giới, hướng tới mục tiêu xây dựng môi trường làm việc an toàn hơn cho cán bộ và nhân viên nữ trong lĩnh vực bảo tồn. Đơn cử tháng 4-2021, nhóm của Trang đã tổ chức khóa tập huấn chống lại nạn quấy rối tình dục trong ngành bảo tồn, thu hút sự tham gia của gần 80 nhân viên bảo tồn đến từ các quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. “Định hướng của WildAct là tạo cơ hội cho các cá nhân và cộng đồng được tham gia vào việc quản lý, bảo tồn tài nguyên thiên nhiên và ngăn chặn nạn săn bắt, buôn bán động vật hoang dã”, Trang Nguyễn nói.
Tại Việt Nam, các dự án của WildAct hướng tới việc bảo vệ môi trường sống của các loài động vật hoang dã, đồng thời nâng cao nhận thức thế hệ trẻ và cộng đồng địa phương về một tương lai an toàn, nơi con người và thiên nhiên sống hòa hợp. Nữ tiến sĩ trẻ đơn cử, chỉ trong quý 3, WildAct đã phối hợp cùng Vườn quốc gia Chư Yang Sin (tỉnh Đắk Lắk) tuần tra, phát hiện 1971 bẫy và 59 lán trại của thợ săn. Đồng thời, chụp hình, ghi chép thông tin 175 cá thể động vật hoang dã được nhóm phát hiện trong lúc tuần tra 360km đường rừng.
Theo Trang, động vật hoang dã ở Việt Nam đang bị đe dọa bởi các nhóm thợ săn. Bên cạnh súng và chó săn, họ thường sử dụng các loại bẫy nguy hiểm như bẫy dây, bẫy kẹp, bẫy kiềng và bẫy hố; trong đó, bẫy kiềng có tính sát thương cao. Cô bộc bạch: “Có thể nhiều người nghĩ rằng, làm việc giữa núi rừng thì đâu có gì khó để “thiết kế” một bữa ăn. Tuy nhiên, trên thực tế, tính chất công việc đòi hỏi chúng tôi phải sẵn sàng hành động, nên đồ ăn mang theo phần lớn là lương khô, cơm nắm, muối vừng, cơm cháy và một số loại đồ khô đặc dụng khác. Trung bình mỗi ngày chúng tôi tuần tra cả chục km đường rừng, tháo dỡ rất nhiều bẫy thú và lều trại bất hợp pháp”.
Hơn 16 năm hoạt động trong lĩnh vực bảo tồn và nghiên cứu động vật hoang dã, Trang Nguyễn cho biết ước mơ lớn nhất của cô là một ngày nào đó sẽ không còn ngành bảo tồn động vật hoang dã, khi con người đã đối xử tôn trọng và sinh sống hài hòa với thiên nhiên. Theo Trang, việc trở thành quán quân Giải thưởng Study UK Alumni Awards năm 2023 của Hội đồng Anh ở hạng mục Khoa học và Bền vững mở ra cho cô cơ hội kết nối với những nhà lãnh đạo tài năng trên toàn thế giới trong lĩnh vực bảo tồn thiên nhiên và phát triển bền vững.
Qua đó, cô có thể chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm và thông tin những dự án của mình cùng WildAct tới cộng đồng thế giới. “Sau khi trở thành quán quân giải thưởng Study UK Alumni Awards, tôi có cơ hội chia sẻ thông tin về hoạt động bảo tồn với đại diện Hội đồng Anh và Đại sứ quán Anh tại Việt Nam. Ngoài cơ hội phát triển, điều quan trọng nhất tôi nhận được từ giải thưởng là sự tự tin hơn với những gì mình đã, đang đóng góp cho ngành bảo tồn. Bên cạnh đó, tôi cũng cảm thấy hạnh phúc khi biết xã hội vẫn còn rất nhiều người quan tâm đến hoạt động bảo vệ động vật và thiên nhiên hoang dã”, nữ tiến sĩ 9X đúc kết.
Ngoài hoạt động nghiên cứu và bảo tồn, nữ tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Trang còn là tác giả của cuốn sách “Trở về nơi hoang dã” (NXB Hội Nhà văn, 2018), được phát hành tại Việt Nam, Anh, Mỹ, Úc, Na Uy, Thổ Nhĩ Kỳ, Hàn Quốc, Trung Quốc. Năm 2021, cuốn sách Chang hoang dã - Gấu (Chang is the Wild about Bears) của cô xuất sắc giành giải A, Giải thưởng Sách quốc gia và sau đó được một nhà xuất bản lớn tại Anh mua bản quyền, phát hành tại nhiều quốc gia trên thế giới. Năm 2022, cô nhận Giải thưởng quốc tế Quỹ Priness of Girona 2022 của Hoàng gia Tây Ban Nha cho việc bảo tồn thiên nhiên hoang dã tại Việt Nam và một số khu vực trên thế giới… Đặc biệt, phần lớn tiền thưởng và tiền bán bản quyền sách đã được nữ tiến sĩ tặng cho hoạt động bảo tồn và bảo vệ động vật hoang dã. |
HUỲNH LÊ