"Ai cũng có dấu son thanh xuân"

.

Nghiên cứu sinh Lê Hoài Việt sinh ra và lớn lên ở Đà Nẵng, ôm trong mình hoài bão xuôi về miền đất phồn hoa nắng ấm phương Nam. Hành trình dài đó đi qua bao thăng trầm cho đến hôm nay, chàng trai sinh năm 1989 là giảng viên của Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh, Thành viên - Hội đồng tư vấn và hỗ trợ Khởi nghiệp quốc gia phía Nam, Giám đốc Truyền thông - Công ty Quảng cáo Gia Hòa. Thế nhưng, sau những giây phút bận rộn với lịch trình dày đặc, chàng trai trẻ người Đà Nẵng lại quay về với đam mê câu chữ. Với viết lách,  Lê Hoài Việt như chiêm nghiệm lại chính mình sau một ngày bộn bề tất bật.

Thông qua viết sách, Lê Hoài Việt có cơ hội chiêm nghiệm lại chính mình sau những ngày bộn bề tất bật. Ảnh: T.P.B
Thông qua viết sách, Lê Hoài Việt có cơ hội chiêm nghiệm lại chính mình sau những ngày bộn bề tất bật. Ảnh: T.P.B

* Tuổi thơ của Lê Hoài Việt ở Đà Nẵng chắc là một quãng đời mang nhiều ký ức?

- Mãi sau này tôi mới nhận ra mình thật may mắn khi có một tuổi thơ nhiều màu sắc. Ba đi công tác triền miên, mẹ đi làm xa, lâu lâu mới về. Ngày đó, tôi không ít lần tủi thân, khi chỉ mới học lớp 4, lớp 5, gồng gánh đạp xe tận hơn mười cây số đi thi học sinh giỏi. Ra khỏi cổng trường, thấy các bạn có ba mẹ đợi chờ, đưa gói bánh, hộp sữa, còn mình chỉ thui thủi một mình, tự nhiên nước mắt nhạt nhòa. Hay đó là những đêm 30 Tết, tụi trẻ trong xóm ai cũng xúng xính khoe áo váy đẹp, gia đình quây quần cúng Tất niên, cúng Giao thừa thì ba chị em tôi ra trước cổng đợi mẹ đi chuyến xe đường dài cuối cùng trong năm để về với chúng tôi. Để rồi khi gặp mẹ, dẫu người mẹ có ám đầy mùi xăng dầu xe, mùi mồ hôi cùng ti tỉ thứ khác hòa trộn thì vẫn ôm chầm lấy mẹ, chực chờ khóc. Rồi chúng tôi ngồi quanh bếp lửa đợi chờ nồi thịt cốt lết rim của mẹ, hay gói mì mà chỉ Tết chúng tôi mới được ăn…

Tất cả những ngày tháng tuổi thơ chẳng mấy lành lặn, đủ đầy đó, mãi sau này tôi mới nhận ra nó đem lại cho tôi quá nhiều thứ. Đó là khả năng sống và tư duy độc lập, và quan trọng từ chính những thiếu thốn thuở nhỏ, sau này tôi biết mở lòng mình ra, nghiêng mình xuống trước những mảnh đời khó mà sẻ chia.

* Hành trình đến với Thành phố Hồ Chí Minh để tìm tương lai và giải thưởng Khởi nghiệp Lương Văn Can có phải là cột mốc để có một Lê Hoài Việt như bây giờ?

- Thú thật, mục tiêu lúc đầu khi đến với giải thưởng tài năng Lương Văn Can của tôi chỉ để chứng tỏ bản thân và làm dày hoạt động ngoại khóa mà tôi tham gia, từ đó đạt được học bổng của trường đại học. Quan trọng hơn hết, điều làm nên tính khác biệt, khiến tôi thích thú là cuộc thi này định hướng các bạn sinh viên rất rõ về triết lý kinh doanh sâu sắc, đạo làm giàu “trung thực hiếu nghĩa” của cụ Lương Văn Can, người thầy đầu tiên trong giới doanh nhân Việt Nam.

Vượt qua nhiều vòng thi, tôi may mắn khi trở thành “Tài năng Lương Văn Can” mùa đầu tiên vào năm 2011. Đây thực sự là một cái kết đẹp cho tôi sau những nỗ lực, đồng thời mở ra cả một bầu trời cho tôi sau này khi đeo đuổi lĩnh vực khởi nghiệp.

* Từ giải thưởng này tại sao anh không khởi nghiệp mà chuyển qua giảng dạy?

- Sau giải thưởng tài năng Lương Văn Can, ôm ấp những kiến thức và kinh nghiệm gặt hái được từ các cô chú doanh nhân chia sẻ, tôi cũng tham gia kha khá các chương trình liên quan đến lĩnh vực khởi nghiệp và dành cho mình những kết quả nhất định. Trong đó phải kể đến giải đặc biệt của cuộc thi khởi nghiệp do Đài Loan (Trung Quốc) tổ chức dành cho sinh viên đến từ 18 quốc gia khác nhau.

Càng tham gia các chương trình huấn luyện, các cuộc thi khác nhau, tôi càng hiểu rõ bản thân muốn thấy mình ở vị trí một người truyền tải những kiến thức, kinh nghiệm cho các bạn trẻ, để hành trình khởi nghiệp của các bạn không chắc sẽ dễ dàng nhưng có lẽ sẽ vững vàng và bớt những rủi ro hơn. Đó là lý do tôi trở thành giảng viên đại học, với chuyên ngành chủ yếu là Marketing và Khởi nghiệp.

* Cơ duyên nào dẫn anh đến với Hội đồng tư vấn và hỗ trợ Khởi nghiệp quốc gia phía Nam?

- Nói một chút về Hội đồng tư vấn và hỗ trợ Khởi nghiệp quốc gia phía Nam, đây là một tổ chức uy tín bao gồm các giảng viên và các doanh nhân nhiều kinh nghiệm thực tiễn với mục đích đào tạo, tư vấn, chia sẻ các kiến thức về khởi sự kinh doanh cho thanh niên, sinh viên, đồng thời hỗ trợ các bạn thực hiện các dự án khởi nghiệp. Tôi nghĩ chuyên ngành giảng dạy của tôi tại Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh cùng với việc tích cực tham gia các hoạt động liên quan như tổ chức và làm diễn giả cho các workshop về khởi nghiệp, làm giám khảo, mentor cho các cuộc thi và dự án khởi nghiệp chính là một điểm sáng để tôi được giới thiệu vào hội đồng, giữa rất nhiều những hồ sơ khác.

Hiện tại tôi đang tham gia vào Ban đào tạo của hội đồng, ngoài ra tôi còn làm điều phối cho các buổi chia sẻ, giao lưu khởi nghiệp do hội đồng phối hợp với các trường đại học tổ chức.

* Ngoài công việc với lịch giảng dạy, lịch công tác dày đặc, anh chọn viết lách và đã in tập sách đầu tay phải chăng chính là liệu pháp cân bằng cuộc sống?

- Sau những bộn bề họp hành, căng thẳng, tôi chọn ngồi lại viết, viết ra bằng hết những nỗi niềm trong mình, những thứ đã xảy đến, những điều dang dở chưa xong. Thoạt là để luyện rèn kỹ năng viết lách, sau và quan trọng hơn tất thảy đó là tôi muốn bản thân phải đủ mạnh mẽ để đối diện với những cảm xúc nơi mình.

Tôi nghĩ bản thân mình trước hay sau khi xuất bản quyển sách đầu tay mang tên “Ở bên này thương nhớ” cũng là chính mình. Chỉ là thông qua quyển sách, tôi có cơ hội trải lòng để mọi người hiểu hơn những tâm tình, những chiêm nghiệm nơi mình - điều mà vốn dĩ trước giờ tôi luôn cất giữ.

Quyển sách cũng mở ra cho tôi cơ hội được lắng nghe cảm nhận từ những tâm hồn đồng điệu. Và quan trọng, trong quá trình làm sách và tổ chức các hoạt động liên quan, thứ tuyệt vời nhất tôi nhận ra đó là hành trình mà tôi đi, tôi không hề cô đơn, mà trái lại, luôn ngập tràn sự yêu thương của mọi người. Nói chẳng ngoa khi những điều nho nhỏ xíu xiu mà quyển sách đem lại cho tôi thực sự quá đỗi ngọt ngào. Tôi nghĩ ai cũng có những dấu son trong thanh xuân của mình.

* Lê Hoài Việt có những dự định gì cho tương lai?

- Bên cạnh việc đi dạy, làm chương trình cho các hội thảo, làm diễn giả cho các workshop, làm quản lý truyền thông cho một công ty hay kinh doanh riêng thì tôi cũng có rất nhiều những dự án cá nhân khác. Song song những chuyến đi từ thiện, những chương trình ủng hộ học bổng khuyến học, tôi đang ấp ủ sẽ tạo ra một series video podcast với các chủ đề thiết thực cho những người trẻ - liên quan đến đời sống, kinh nghiệm, cũng như những thắc mắc liên quan môi trường làm việc chuyên nghiệp, với mong muốn các bạn trẻ sẽ có thêm một kênh tham khảo với những nội dung tích cực, thiết thực, đàng hoàng và tử tế. Tôi dự định tổ chức một chuỗi tour diễn giả đi khắp các trường đại học cũng như cấp 3 trên toàn quốc. Đồng thời, tôi cũng đang hoàn thành tập sách thứ 2 của mình với tựa đề “Có một lòng phố ở trong lòng mình”, hy vọng sớm ra mắt độc giả của mình.

* Cảm ơn chia sẻ của Lê Hoài Việt, chúc anh ngày càng thành công với những dự định của mình!

TỐNG PHƯỚC BẢO (thực hiện)

;
;
.
.
.
.
.