Chuông gió

.

Sau một tuần mưa dầm thì trời cũng đã tạnh ráo. Mấy mảng mây màu xám dần tản ra, lóe tia nắng yếu ớt rọi xuống đường. Nắng sưởi ấm nụ cười của cậu bé bán hàng rong đang ngẩng đầu chờ chực kiếm kế sinh nhai. Khu phố nhỏ bắt đầu rục rịch bước chân người qua lại. Tiếng rao giòn tan khắp phố, vọng vào căn gác nhỏ của cô gái trẻ. Cánh cửa sổ mở toang ra. Thanh thò đầu ra ngoài. Cô nghiêng người đón cơn gió chiều se se lạnh. Thanh đưa tay rung nhẹ chiếc chuông gió rồi mỉm cười. Những chiếc vỏ ốc màu trắng xếp thành hình trái tim lớn ở giữa, xung quanh là những bông hoa mai vỏ sò xinh xắn. Chúng va vào nhau tạo nên thứ âm thanh thật dễ chịu. Đó là món quà tự tay mẹ cô làm tặng cho đứa con gái chưa chào đời với ý niệm rằng, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào cô cũng sẽ thật vui vẻ và mang hạnh phúc đến cho mọi người. Hai mươi năm qua, cô vịn vào chiếc chuông gió mà vực dậy với cuộc sống khắc nghiệt. Tiếng chuông như lời ru của mẹ, dần dần khỏa lấp vết thương trong lòng cô.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Cuộc đời của Thanh bắt đầu từ những bất hạnh. Cha cô lớn lên trong trại trẻ mồ côi. Năm ba mươi tuổi, cha mẹ gặp nhau, kết hôn rồi về sống chung với ông bà ngoại. Không bao lâu, cha của cô mất vì đột quỵ. Mẹ cô khóc cạn nước mắt. Rồi bào thai sáu tuần tuổi đến xoa dịu tâm hồn hoảng loạn của mẹ. Cô đến bên mẹ như một mầm non vươn lên từ tình yêu của cha, là sợi dây vô hình để mẹ víu vào mà sống lạc quan hơn. Và rồi, số phận nghiệt ngã không buông tha hai mẹ con Thanh. Khi thai chưa đầy ba tháng, mẹ cô bị ung thư vòm họng. Người mẹ đã từ chối mọi hóa trị để giữ lấy cô cho đến ngày chào đời. Khi cô vừa lọt lòng, mẹ cô nắm lấy đôi bàn tay bé xíu, đôi mắt ướt nhòe, mỉm cười rồi qua đời. Từ đấy cô lớn lên trong sự chăm sóc, yêu thương của ông bà ngoại. Cửa hàng chuông gió nuôi cô khôn lớn. Thế nhưng, năm lên mười tuổi, bà ngoại bị người ta “ôm hụi” bỏ trốn. Mớ tiền dành dụm phút chốc mất trắng. Bà ngoại sốc dẫn đến suy sụp tinh thần, tai biến ngồi một chỗ. Công việc buôn bán lại ế ẩm. Ông ngoại quyết định bán ngôi nhà chuyển về sống tại một căn gác nhỏ. Hằng ngày, ông mang giỏ chuông gió lang thang khắp nẻo đường rao bán. Sáu năm sau, bà ngoại qua đời. Ông ngoại cũng yếu dần đi. Đôi chân không còn đủ sức để bôn ba kiếm sống. Thế là, Thanh bắt đầu công việc bán hàng rong từ đó. Năm cô vừa tròn mười bảy tuổi, ông cô mất sau cơn bạo bệnh. Từ đó, Thanh không còn một người thân nào bên cạnh, một mình đi về lầm lũi.

Thanh đưa tay chỉnh lại cổ áo len, phủi chút bụi trên quần jeans. Cô ôm một túi xách đầy chuông ra khỏi nhà. Gió se se lạnh đùa nghịch trên mái tóc xoăn. Thanh băng qua dòng người co ro trên phố đến bãi đất trống quen thuộc cách nhà không xa. Trước đây, nơi này đã từng là một công viên nổi tiếng của thị trấn, thế nhưng năm ngoái người ta đã di dời mọi thứ về trung tâm thành phố. Chỉ còn hàng sưa già trơ trọi ngủ đông và lèo tèo vài chiếc ghế đá cho người qua đường dừng chân khi mỏi. Không giống như cô Hà bán đậu phộng hay anh Lâm bán bỏng ngô rao khan cả cổ họng, Thanh ngồi đùa nghịch với mớ chuông gió, thi thoảng ngước lên gọi mời. Vài khách ghé vào mua mấy chiếc về treo trong vườn hoặc gửi tặng người thân, cũng có khi chỉ tiện tay lắc chuông gió rồi buông vài ba câu chuyện phiếm với cô gái bán hàng rong có nụ cười tỏa nắng. Chập choạng tối, đèn đường bật lên sáng rực nơi Thanh ngồi. Cô lôi tiền lẻ ra đếm.

- Tôi muốn mua một chiếc chuông gió.

Thanh vội vã nhét tiền vào chiếc túi trước bụng, ngước mắt lên nhìn người phụ nữ trước mặt, niềm nở:

- Những mẫu này toàn là hàng mới về, giá cả lại rẻ nữa.

- Không. Tôi muốn mua loại xâu bằng vỏ ốc, có dính thêm mấy con sò nhỏ xíu. Tất cả đều màu trắng.

- À! Đó là đồ thủ công. Chị qua cửa hàng ở cuối đường xem thử.

Người phụ nữ hơi thất vọng bước đi chậm chạp dưới ánh đèn đường. Đôi giày hở kêu lạch cạch theo gót chân mệt mỏi.

- Thanh ơi, dọn đồ. Trời sắp mưa đấy.

Thanh nhanh nhẹn gom mớ hàng vào túi. Gió lùa mỗi lúc một mạnh hơn, tiếng gió lao xao lạnh buốt, cô loay hoay mãi mới cuốn xong tấm bạt. Bầu trời tối đen như mực. Một tia sáng xoẹt qua làm cô hoảng sợ. Thanh vác chiếc túi cồng kềnh vội vã chạy về căn phòng quen thuộc. Mưa bắt đầu trút xuống những hạt nặng trĩu.

Vừa đặt lưng xuống giường, cô nhận được đoạn camera về người phụ nữ mấy hôm nay lấp ló trước nhà. Mọi người trong nhóm chat bắt đầu đoán mò. “Chắc là kẻ trộm rồi, nó thừa cơ hội thôi miên lấy hết tiền đó” “Hay là kẻ bắt cóc?”, “Ai có con nhỏ làm ơn đề phòng” “Thanh ơi, cẩn thận nha. Tao thấy bả nhìn cửa sổ nhà mày đó”. Cô bấm vào hình ảnh, một luồng khí lạnh toát chạy dọc sống lưng. Thanh run rẩy, “Người phụ nữ lúc chiều hỏi mua chuông vỏ sò”. “Có lẽ đó chỉ là cái cớ thôi. Mình phải cẩn thận hơn mới được”. Thanh ngồi bật dậy. Cô hé cửa dòm xuống dưới đường. Chỉ có vài người chạy xe máy qua lại, cô yên tâm trở về giường nằm rồi ngủ thiếp đi.

Chiều hôm sau trời trở nên âm u hơn. Thanh vội vã đến công viên. Vừa đứng đằng xa, cô đã nhìn thấy người phụ nữ hôm qua ngồi sẵn ở đó. Thanh lùi lại, nấp vào phía sau cây sưa già. Thấy anh bán bỏng ngô đi ngang qua, Thanh víu tay áo lại:

- Anh Lâm! Đi với em một chút.

Không kịp để Lâm hiểu mọi chuyện, Thanh kéo anh ta đi thật nhanh về phía trước. Thanh trở nên gai góc, chua ngoa:

- Cô muốn gì? Sao tự dưng ngồi đây.

- Bán cho cô chiếc chuông gió treo trên cửa sổ. Cô năn nỉ cháu.

- Cửa sổ? Cái đó không bán được.

- Vậy có thể làm cho cô một chiếc y hệt được không?

- Cháu không biết làm.

Thanh ngồi xuống. Hai tay thoăn thoắt bày hàng mặc cho người phụ nữ cứ đứng thừ người ra. Nhớ những tin nhắn trong nhóm chat, tim cô đập thình thịch, nhưng cố tỏ ra dữ dằn. Thấy vậy, Lâm lên tiếng:

“Chị đi chỗ khác cho con bé nó buôn bán, chỗ người ta làm ăn”.

Người phụ nữ chậm chạp bước đi, chốc chốc quay lại nhìn. Thanh hơi áy náy khi bắt gặp những giọt nước mắt lăn dài xuống má.

- Thanh ơi!

Mấy chị tập thể dục gần đấy thấy cô thì lân la lại ngồi. Tiếng cười nói, tiếng chuông reo khiến Thanh dần quên đi chuyện vừa xảy ra. Chỉ mới mấy tiếng đồng hồ, Thanh đã bán được kha khá. Bỗng nhiên, trời đổ mưa. Thanh lật đật gom đồ chạy về căn gác quen thuộc.

***

Tiếng chuông báo thức ầm ĩ khiến Thanh khó chịu quơ tay tìm điện thoại. Cô mệt mỏi ngồi dậy như vừa trải qua cơn ác mộng. Thanh rót một tách cà phê nóng, mở toang cửa sổ. Cô đưa tay rung nhẹ chuông gió. Trên cành cây vẫn còn ấp ủ những giọt sương mai. Mặt trời lấp ló từ đằng xa, hửng lên những mảng màu cam nhàn nhạt. Nhấm nháp chút cà phê, cô đưa mắt nhìn xuống dưới đường. Thanh giật mình khi thấy phụ nữ hôm trước đang đẩy chiếc xe lăn từ đằng xa. Đứa trẻ trong chiếc mũ len giơ tay chỉ về phía chiếc chuông gió. Thanh bất chợt thu mình nép vào cửa. Người phụ nữ khuỵu một chân ngồi bên cạnh, vuốt ve đứa bé. Cả hai trò chuyện thật lâu. Sau một hồi đắn đo, Thanh theo bậc thang cũ kỹ xuống đường.

- Có chuyện gì không ạ?

Đứa bé gái tầm mười tuổi hốt hoảng ôm chặt cổ người phụ nữ, khuôn mặt trắng bệch, ánh mắt sợ hãi nhìn Thanh.

- Không sao đâu con. Có mẹ đây.

Người mẹ trìu mến nhìn con vỗ về rồi quay sang nhìn Thanh.

- Cô chỉ muốn cho con gái xem chiếc chuông gió một lát thôi.

- Em thích lắm sao? Thanh nhỏ nhẹ.

Đứa bé rụt rè gật đầu, tay vẫn nắm chặt vạt áo mẹ.

- Tại sao?

- Mẹ nói nó sẽ giúp em vượt qua được bệnh tật.

Thanh nhìn sang người mẹ tỏ vẻ không hiểu. Người phụ nữ quệt vội giọt nước mắt vừa rưng rưng trên khóe mi.

-  Có lần, cô chở con bé đi ngang qua đây. Thấy nó buồn. Cô chỉ lên ô cửa sổ rồi bịa ra một câu chuyện về chiếc chuông gió thần kỳ. Âm thanh phát ra có thể chữa lành mọi vết thương, bệnh tật. Dù mấy hôm sau cô có giải thích nhưng nó vẫn luôn tin đó là sự thật.

- Con có thể tặng cho bé một chiếc chuông khác thật đẹp.

- Vô ích thôi. Cô đã mua vài chiếc gần giống vậy, nhưng nó đều không thích.

Nghe đến đây, Thanh lảng tránh ánh mắt hai mẹ con. Cô chỉ “Dạ” rồi im lặng bỏ đi.

- Con gái cô bị ung thư.

Thanh chùn chân không nhấc nổi bước nào. Cô đứng sượng người chừng vài giây rồi từ từ quay đầu lại.

-  Nó đang được xạ trị, rất yếu ớt và đau đớn. Bây giờ, nó không muốn tiếp tục chữa bệnh nữa.

- Có bệnh thì phải chữa. Bị ung thư thì đã làm sao? Dù là nguyên nhân gì cũng phải bất chấp tất cả mà cứu lấy mình.

Thanh gào lên rồi bật khóc. Từng câu chữ như muốn dỗi hờn với người đã từ bỏ việc chữa bệnh để cô có mặt trên cuộc đời này. Cô rất biết ơn nhưng cũng luôn tự dằn vặt chính mình trong bao năm qua. Đứa bé hoảng sợ òa khóc làm Thanh chợt nhận ra mình đã quá kích động. Người mẹ ôm con trong lòng nhìn cô ngơ ngác.

- Cháu xin lỗi.

Thanh bỏ chạy thật nhanh không quay đầu nhìn lại. Cô ngồi trên giường, tay cầm chặt tấm ảnh mẹ, mắt hướng về những con ốc đang va vào nhau nức nở khóc. “Chắc mẹ đã đau đớn lắm. Mẹ ơi!”.

Khi những tia nắng ấm áp chui qua khung cửa sổ thì cũng là lúc Thanh bình tâm lại. Cô đến bên chiếc chuông gió nhẹ nhàng nâng niu rồi đẩy nhẹ. Phía dưới hai mẹ con nọ đang lặng lẽ đi về. Bóng họ đổ dài trên mặt đường đầy nắng. Thanh mở chiếc chuông, bỏ vào trong chiếc hộp rồi đem cất trong tủ kéo. Có lẽ, cô muốn giữ mẹ cho riêng mình. Một lát sau, Thanh viết vội mảnh giấy bỏ vào trong rồi ôm chiếc hộp chạy thật nhanh xuống dưới. Họ đã không còn ở đó. Cô vòng vào mấy con hẻm rồi lại rẽ ra hướng công viên. Thấy hai mẹ con đang ngồi trên ghế đá, Thanh lại gần mừng rỡ:

- Đây này. Chiếc chuông gió này chị tặng lại cho em.

- Thật không ạ?

Cả hai mẹ con đồng thanh rồi quay sang nhìn nhau. Thanh gật đầu.

- Nhưng hứa với chị em phải chữa cho hết bệnh. Mỗi ngày, em có thể gọi để chị được nghe tiếng chuông reo không?

- Dạ được ạ. Em sẽ giữ gìn thật cẩn thận.

Cô bé cười híp cả mắt. Người mẹ luôn miệng nói cảm ơn. Bà òa khóc như một đứa trẻ. Thấy chiếc mũ len bị lệch, bà vội sửa lại cho con. Thanh chăm chú nhìn từng cử chỉ cho đến khi nhìn thấy vết bớt đỏ ửng trên thái dương con bé. Cô ngồi sụp xuống, nhẹ nhàng đưa tay lên sờ, cố gắng mím chặt môi để không bật thành tiếng khóc.

- Người làm chiếc chuông này rất tuyệt vời. Chị tin rằng nó sẽ đem lại may mắn cho em.

Nói rồi Thanh vẫy tay chào tạm biệt. Đi được một đoạn, cô ngoái đầu lại nhìn hai mẹ con đang bước vào cổng bệnh viện. Người mẹ vẫn mang đôi giày hở đế nhưng bàn chân nhịp nhàng và tràn đầy sức sống hơn. Cô thầm nghĩ “Có lẽ mẹ sẽ không giận cô khi đem chiếc chuông tặng lại cho người khác. Bởi vì nó không chỉ đem lại niềm vui, hạnh phúc cho người khác mà còn giúp đứa bé có thêm nghị lực sống”. Nhớ đến vết bớt trên thái dương của mẹ, Thanh hơi bâng khuâng. Có lẽ chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên thôi. Hoặc, giữa Thanh, mẹ và cô bé kia có mối duyên ngầm nào đó mà chẳng ai có thể đoán được.

NGUYỄN THỊ MINH NGỌC

;
;
.
.
.
.
.