Lê Văn Thủ và con trai là Lê Văn Long đều là những võ tướng của nhà Hậu Lê. Năm 1789, khi quân Thanh sang xâm lược nước ta, hai cha con ông được giao chỉ huy một cánh quân, hiệp đồng cùng các cánh quân khác tiêu diệt đồn Hạ Hồi và Ngọc Hồi để cánh quân đông nam tiến đánh quân địch ở Thăng Long.
Ảnh chụp Bằng sắc quan trấn thủ Sơn Nam Hạ cấp cho ông Lê Văn Thủ (năm 1820) nói đến việc giao quyền đội trưởng cho ông này. |
Một dòng họ, ba danh tướng
Theo gia phả tộc Lê ở phường Trường Xuân (thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam), danh tướng Lê Văn Thủ là hậu duệ đời thứ 10 của Triệu Quốc công Lê Tấn Trung - danh tướng thời Lê.
Vào những năm 1470-1471, Lê Tấn Trung theo đoàn quân nam chinh bình Chiêm của vua Lê Thánh Tông, phụ trách hải thuyền hợp cùng các cánh quân của vua Lê Thánh Tông và Nguyễn Đức Trung tiến đánh thành Đồ Bàn (Bình Định). Sau cuộc trường chinh phương Nam thắng lợi, Lê Tấn Trung được giao trấn thủ châu Lệ Dương (ngày nay là các huyện/thành phố: Núi Thành, Tam Kỳ, Thăng Bình, Quế Sơn, Duy Xuyên). Ông chính là vị tiền hiền đầu tiên có công khai khẩn và lập nên làng Trường Xuân - nơi sinh ra danh tướng Lê Văn Thủ…
Danh tướng Lê Văn Thủ (không rõ năm sinh) quê làng Trường Xuân, xã Phú Xuân Trung, huyện Lệ Dương, phủ Thăng Hoa, tỉnh Quảng Nam (nay là phường Trường Xuân, thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam). Theo cuốn Lịch sử đấu tranh cách mạng của Đảng bộ và nhân dân phường Trường Xuân (1930-1975) (NXB Đà Nẵng, 2016), Lê Văn Thủ xuất thân trong một gia đình vọng tộc; là hậu duệ đời thứ 10 của Bình Chiêm Triệu Quốc công Lê Tấn Trung; là thân phụ của danh tướng Lê Văn Long - một trong những vị tướng tài của Nguyễn Huệ - Quang Trung, người chỉ huy một trong những đạo quân đánh ra Thăng Long, góp phần giải phóng đất nước khỏi sự xâm lược của quân Thanh. Vợ danh tướng Lê Văn Thủ là bà Trịnh Thị Hoa Dung, con gái của chúa Trịnh Doanh; bà được vua Lê nhận làm con nuôi, nên được người đương thời gọi là Hoa Dung công chúa.
Lê Văn Thủ và con trai là Lê Văn Long đều là những võ tướng của nhà Hậu Lê. Do lập được nhiều chiến công và có công trạng với nhà Hậu Lê nên vào ngày 14 tháng 11 năm Cảnh Hưng thứ ba (1742), ông Lê Văn Thủ được sắc tặng “Liệt tướng, chỉ huy sứ, Thủ khoa” chức vụ vệ úy. Bản dịch sắc phong nêu rõ: “… Lê Văn Thủ, chức vụ Vệ úy, hiệu Võ Cự Khai Vệ đã theo chiến trận rất cực nhọc nên gia tặng Liệt tướng, Chỉ huy sứ, Thủ khoa trong quân đội, nếu không chuyên cần, có luật lệ triều đình quy tội...”.
Khi Bắc Bình vương Nguyễn Huệ tiến quân ra Bắc, với danh nghĩa "phù Lê, diệt Trịnh", Lê Văn Thủ và con trai Lê Văn Long theo về Tây Sơn và được giao những chức vụ, trọng trách quan trọng. Năm 1789, khi quân Thanh sang xâm lược nước ta, hai cha con ông được giao chỉ huy một cánh quân, hiệp đồng cùng các cánh quân khác tiêu diệt đồn Hạ Hồi và Ngọc Hồi để cánh quân đông nam tiến đánh quân địch ở Thăng Long. Hai cha con ông góp công lớn trong chiến thắng mùa xuân năm Kỷ Dậu (1789).
Tri ân các tướng tài khai cơ lập nghiệp
Với những công lao, đóng góp cho triều Tây Sơn, sau khi chiến thắng quân Thanh xâm lược, ông Lê Văn Thủ được vua Quang Trung phong tước Hầu (Thủ Tài hầu) vào năm 1789. Sắc ban tước Hầu cho ông hiện còn lưu tại tộc Lê phường Trường Xuân, nguyên văn chữ Hán, được dịch nghĩa sang Quốc ngữ: “Sắc: Truyền nội Võ Cự Khai Vệ Lê Văn Thủ quê xã Phú Xuân Trung, huyện Lệ Dương, phủ Thăng Hoa đã trải qua nhiều chiến trận, không ít công lao khó nhọc, nay giữ thêm chức cai đội với tước Thủ Tài hầu. Người có bổn phận đem quân tiếp ứng và sai khiến mọi việc. Nếu ươn hèn trễ nải, không siêng năng sẽ chịu xử lý theo quân hiến. Ngày 6 tháng 11 năm Quang Trung thứ hai”.
Do cần mẫn công cáng, trải qua nhiều chiến trận cực nhọc, lập được nhiều chiến công nên đến năm Cảnh Thịnh thứ nhất (1793), từ chức Vệ úy của Vệ quân Võ Cự Khai, Lê Văn Thủ được phong tước Dũng tướng, Trung úy Thủ khoa thử. Hai năm sau, vào năm Cảnh Thịnh thứ ba (1795), ông tiếp tục được phong tước Liệt tướng, Chỉ huy sứ, Thủ khoa bá trong quân đội; đồng thời được phong chức Võ Cự Khai Vệ úy gia trung úy anh dũng tướng quân chỉ huy sứ…
Có thể khi triều Nguyễn thành lập, ông Lê Văn Thủ vẫn được vua Gia Long lưu dụng và tiếp tục phục vụ trong quân đội. Bởi dựa vào tờ lệnh do quan Trấn thủ trấn Sơn Nam Hạ (gồm ba tỉnh Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình) cấp cho ông vào năm Minh Mạng thứ nhất (1820) thì “… Nay trong đội, chức vụ đội trưởng đang thiếu người để làm việc. Quan nhỏ chúng tôi giao quyền đội trưởng cho ông Thủ, cai quản 14 quân số…”.
Thủ Tài hầu Lê Văn Thủ mất năm Minh Mạng thứ tám (1827), thi hài được an táng tại làng Trường Xuân (nay thuộc khối phố Xuân Tây). Hiện nay, phần mộ của ông nằm trong một khu lăng mộ có khuôn viên chung, gồm có mộ của tiền hiền Bình Chiêm Triệu Quốc công Lê Tấn Trung và mộ Đô đốc Lê Văn Long (hai ngôi mộ này đã được xếp hạng di tích cấp tỉnh). Hiện tại, phần mộ của ông Lê Văn Thủ được xây bằng gạch, tô xi-măng, quét vôi vàng, diện tích ngôi mộ 1,5m x 3m. Trên tấm bia mộ ghi: “Phần mộ Cao Cao Tổ Lê Văn Thủ, thủ khoa Bá Võ Cự khai vệ úy gia trung úy anh dũng tướng quân chỉ huy sứ”. Điều đáng mừng là mộ của Thủ tài Hầu Lê Văn Thủ vừa được UBND tỉnh Quảng Nam xếp hạng di tích cấp tỉnh vào ngày 24-11-2023 (tại Quyết định số 2540/QĐ-UBND của UBND tỉnh Quảng Nam).
Hiện nay, khu lăng mộ Lê Tấn Trung, Lê Văn Thủ, Lê Văn Long được xem là địa điểm giáo dục về lịch sử, truyền thống yêu nước cho các thế hệ học sinh, đoàn viên, thanh niên và nhân dân phường Trường Xuân nói riêng và thành phố Tam Kỳ nói chung. Hằng năm, nhân dịp đầu xuân, lãnh đạo tỉnh, thành phố Tam Kỳ, phường Trường Xuân, tộc Lê và bà con nhân dân phường Trường Xuân đều đến viếng hương, tri ân công lao to lớn của các bậc tiền nhân, những vị tướng tài đã có công khai cơ lập nghiệp và bảo vệ vùng đất này.
AN TRƯỜNG