Trong một cuộc hẹn hò rồi hội ngộ ở Đà Nẵng, nhóm bạn đến từ Huế, Sài Gòn, Hà Nội của tôi đã cao hứng rủ nhau lên đèo Hải Vân để tiễn người bạn về xứ Huế. Với người đã không biết bao lần qua lại Hải Vân như tôi, gợi ý của bạn là niềm hứng khởi khiến tôi thích thú và không chút ngập ngừng. Thế là được cuộc chia tay sau khi uống cà phê, ngắm cảnh, săn mây - thực đơn đặc biệt.
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG |
Hải Vân, chỉ cần cái tên đèo cũng làm tôi thổn thức, đã thành nét yêu thương trong thẳm sâu tâm khảm. Cũng hơn hai mươi năm, tôi chưa đi lại đoạn đèo dài nhẵng với bao uốn lượn khúc quanh, khúc cua đặc biệt giữa trập trùng đồi núi và lao xao sóng biển. Là bởi những lần trở lại Huế, tôi đều đi đường hầm đèo hoặc gần đây thì chạy xe theo ngõ cao tốc La Sơn, băng vườn quốc gia Bạch Mã. Con đèo biên thùy của thời Đại Việt - Chiêm Thành, rồi sau này là ranh giới của hai xứ Thuận - Quảng dù qua lại nhiều lần nhưng cũng thành xa ngái.
Dừng chân nơi gốc thông cô đơn và mấy tảng đá to khủng chụp vài kiểu hình làm kỷ niệm, tôi cùng đám bạn chạy xe xuyên những làn mây, lượn lên những khúc cua đột ngột để lên đến đỉnh đèo. Một cảm giác thật đặc biệt khiến ai cũng phải ồ lên thích thú. Mới dưới phố nắng sôi, giờ ai cũng khoác thêm áo, thêm khăn vì run. Mây mù dày đến nỗi cách nhau vài mét đã “mờ nhân ảnh”. Cảm xúc “bốn mùa như gió, bốn mùa như mây” rõ ràng chỉ trong mấy phút. Nắng nắng, mây mây rồi trời trong veo, biển mênh mang màu xanh ngọc bích, núi đồi cứ chập chờn ẩn hiện trong mây trong nắng cứ như ảo mộng. Ngồi uống ly cà phê nóng cùng bạn bè nơi góc quán có view săn mây mà ngắm trời ngắm đất, thật không gì thú vị hơn.
Tôi đứng ngay đỉnh đèo dõi về xứ Huế, quê hương của bạn và cũng là miền hoài niệm không nguôi trong tôi. Nhớ thời đi học, tôi và các bạn phải trải mấy chặng trên những chuyến xe than cũ kỹ, hôi hám, chật chội. Khỏi phải kể đến những mong manh phận người trên xe chạy qua lại đèo Hải Vân thời ấy, khi khách thì đông mà đường thì hẹp, gấp, dốc mà thắng xe còn nhờ vào khúc gỗ của anh tài phụ. Vậy mà đi mãi thành quen, đoạn qua đèo, tôi miên man ngắm thiên nhiên hùng vĩ và nên thơ và quên mất nỗi lo sợ nguy hiểm. Tôi nhớ đèo Hải Vân thuở ấy, bìm bìm voi mọc nhiều, dây đổ từ trên cao phủ xuống các triền núi, nở hoa rất đẹp. Đèo Hải Vân, bao giờ cũng là bản lề của thời tiết. Từ Huế về mỗi độ Tết âm lịch, xe len trong sương mù, mưa lạnh. Lên đến đỉnh đèo, không gian bỗng bừng nắng, bừng lên xanh biển xanh trời. Đám sinh viên ngày ấy còn bừng lên niềm hân hoan được nhìn nắng ấm quê mình. Với tôi, con đèo này còn là chiếc gáy của một cuốn sách, mà bên kia là những trang ký ức, bên này là lớp lớp chuyện quê hương.
Trên đỉnh đèo sừng sững Hải Vân quan - chứng tích của một thời mà dường như thành mãi mãi. Tôi không biết bao người xưa đã đi qua nơi đây, bao nhiêu trầm tích văn hóa lịch sử chưa được giải mã ở đây, trên đỉnh đèo Mây này, từ thời Trần, Hồ Lê đến thời Nguyễn... Cũng không biết bao nhiêu chuyện tình đã thành huyền thoại từ thuở vua Chế Mân cầu hôn Huyền Trân công chúa đến khi nhà thơ Thu Bồn thổn thức: “Hải Vân ơi xin đừng tắt ngọn sao khuya/ tạm biệt nhé với chiếc hôn thầm lặng/ anh trở về hóa đá phía bên kia”. Thì ra, Hải Vân quan không chỉ là “Thiên hạ đệ nhất hùng quan” kỳ vĩ và vững chãi, cửa ải này còn mềm mại như mây, như thơ, như những nỗi niềm không gọi thành tên trong tâm tưởng biết bao người.
Đám mây giăng qua đỉnh đèo sà xuống tay tôi như có thể chạm và níu được, rồi kéo nhau bay về phía biển, tan biến vào mênh mông. Cuộc viễn du không hồi kết giữa núi non hùng vĩ của mây làm tôi chơi vơi trong ý thơ Thôi Hiệu “Bạch vân thiên tải không du du” rồi lại ngân nga câu hát Trịnh “xin cho tôi làm kiếp của mây”. Mây rong chơi. Mây lang thang. Mây làm con đèo thêm mơ màng huyền ảo.
Một thoáng dừng chân trên đỉnh đèo rồi chia xa cũng đủ làm nên khoảnh khắc lắng đọng, thân thương. Biết đâu, ngụm nước tôi vừa uống cùng bạn bè buổi chia tay, chẳng từng là một đám mây?
NGUYỄN THỊ DIỆU HIỀN