Nhà thờ Omari, được xây dựng từ hơn 1.400 năm trước, một trong những thánh đường cổ nhất, lớn nhất của người Hồi giáo ở Dải Gaza, và cũng là công trình văn hóa mang tính biểu tượng của vùng đất này, đã bị phá hủy gần như toàn bộ trong đợt không kích của Israel vào tuần qua.
Đại thánh đường Omari, nhà thờ Hồi giáo lớn nhất và cổ nhất ở Gaza đã trở thành đống đổ nát sau đợt không kích của Israel tuần qua. Ảnh: Reuters |
Các hình ảnh đăng tải về nhà thờ này hôm 8-12 khi xảy ra vụ tấn công cho thấy toàn bộ phần mái và tòa sảnh chính đã bị đổ sập, một số bức tường có mái vòm cũng bị phá hủy, cái còn lại nguyên vẹn duy nhất chỉ là một ngọn tháp.
Nơi hợp lưu của nhiều tôn giáo
Từng bị phá hủy vì động đất và chiến tranh, từng nhiều lần được phục dựng, tòa thánh đường Omari có một lịch sử tồn tại vô cùng phong phú và phức tạp, trải qua nhiều truyền thống tôn giáo khác nhau ở Gaza.
Theo đài NPR (Mỹ), thánh đường Omari nguyên bản là một nhà thờ của giáo hội Thiên chúa Byzantine từ thế kỷ thứ V sau công nguyên, được xây trên nền một ngôi đền cổ xưa trước đó. Tới thế kỷ thứ VII, nó được hoán cải thành một đền thờ của người Hồi giáo, rồi sau khi quay về là một nhà thờ Công giáo trong phong trào Thập tự chinh ở thế kỷ XI, tới thế kỷ XIII nó lại trở thành một đền thờ của người Hồi giáo.
Khu vực có ngôi đền tọa lạc bao phủ một diện tích khoảng 4.100m2, trong đó riêng phần khuôn viên đã chiếm khoảng 1.190m2. Phần bên trong thánh đường có 38 cột trụ bằng đá cẩm thạch. Những yếu tố kiến trúc mang dấu ấn của thời kỳ Thập tự chinh vẫn còn tồn tại trong ngôi đền thờ Hồi giáo hiện nay, dĩ nhiên là trước khi bị phá hủy trong đợt không kích của Israel tuần qua.
Vụ việc xảy ra với thánh đường Omari là một cú sốc lớn với người dân bản địa vì đây là đền thờ Hồi giáo lớn thứ 3 của người Palestine, sau hai đền thờ là Al-Aqsa và Ahmed Pasha Al-Jazzar ở thành phố cảng Acre (hay Akko) nằm phía bắc Israel, là nơi chung sống của cả ba cộng đồng tôn giáo là Do Thái, Thiên Chúa và Hồi giáo. Vì những đặc điểm kiến trúc tương tự của Omari với đền thờ Al-Aqsa nên người dân địa phương vẫn thường gọi Omari là Little Al-Aqsa Mosque (đền thờ Tiểu Al-Aqsa).
192 đền thờ đã bị phá hủy
Trong một khoảng ngưng bom đạn ngắn ngủi ở Gaza, anh Mustafa Shahawani, 22 tuổi, đã cùng một nhóm cư dân sống gần ngôi đền Omari tới xem hiện trạng ngôi đền sau vụ không kích của Israel. Anh thấy khu chợ buôn bán vàng truyền thống gần đó bị phá hủy, và sốc hơn khi nhìn thấy cảnh tan hoang của ngôi thánh đường cổ ngay bên cạnh. “Đền thờ giờ là một cái hố”, anh mô tả với đài NPR qua đường dây điện thoại tiếng được tiếng mất. “Đây là nơi chúng tôi vẫn thường cầu nguyện những dịp lễ, cầu nguyện tháng chay Ramadan. Tất cả ký ức của chúng tôi là ở đó”, anh nói. Người thanh niên này cũng chỉ có thể đứng đó và sốc trong giây lát vì ngay sau đó anh phải vội vã tháo chạy về nhà khi những tiếng súng lại bắt đầu vang lên từ các phía.
Rất nhiều người Palestine còn đang bám trụ lại Gaza có chung tâm trạng phẫn nộ như anh Mustafa Shahawani khi xem các hình ảnh hoang tàn của ngôi đền sau khi bị không kích. “Tôi đã cầu nguyện và chơi ở đó trong suốt tuổi thơ”, ông Ahmed Nemer, 45 tuổi, một thợ may từng sống trên con phố nằm ngay cạnh Omari, nói với hãng tin Reuters. Ông cáo buộc Israel đã “cố tình xóa sạch những ký ức của chúng tôi”.
Trang tin Middle East Monitor dẫn các nguồn tin từ truyền thông Israel cho biết kể từ sau khi xung đột Israel - Hamas bùng nổ ngày 7-10 tới nay, ít nhất 192 đền thờ Hồi giáo tại Gaza đã bị phá hủy trong các đợt không kích của Israel. Theo đài Al Jazeera, cơ quan phụ trách du lịch và khảo cổ học ở Gaza (cơ quan do Hamas quản lý) đã hối thúc UNESCO hỗ trợ họ bảo vệ các công trình di sản văn hóa ở Gaza sau các vụ phá hoại gần đây.
Cũng giống như những lý lẽ từng đưa ra khi không kích nhắm vào những mục tiêu vốn được coi là “bất khả xâm phạm” theo luật pháp quốc tế áp dụng trong chiến sự như bệnh viện, một nguồn tin ẩn danh của Israel nói với NPR rằng, họ ra tay vì có lý do chính đáng: săn lùng Hamas. Cụ thể hơn, người này xác nhận với NPR về việc đã xảy ra vụ tấn công vào đền Omari, nhưng cho biết phía dưới tòa thánh đường này là một đường hầm của các lực lượng Hamas, và rằng các chiến binh vốn thuộc tiểu đoàn Nukhba (vốn gồm những người ưu tú nhất của lực lượng Hamas) vẫn thường trú ẩn tại thánh đường này.
TRẦN ĐẮC LUÂN