Nhớ Hoàng Phủ Ngọc Tường

.

Không như Xuân Quỳnh và Lưu Quang Vũ ra đi cùng một khoảnh khắc bởi tai nạn giao thông đầu thu 1988, với cặp Lâm Thị Mỹ Dạ và Hoàng Phủ Ngọc Tường là sự ra đi trong cùng tháng 7-2023. Lâm Thị Mỹ Dạ tạ thế ngày 6-7-2023, còn Hoàng Phủ Ngọc Tường thì từ trần ngày 24-7-2023, cách nhau 18 ngày, hai vợ chồng nhà thơ lần lượt rủ nhau bay về cõi xa xăm sau nhiều năm dài sờn mòn vì bệnh tật. Cũng là một câu chuyện lạ, hy hữu của làng văn nghệ.

Tôi biết đến cái tên Hoàng Phủ Ngọc Tường chính là khi đọc được bài thơ “Tôi đi trên những con đường rừng cũ” của anh in trên báo “Văn nghệ” hình như là hồi năm 1970. Tôi còn nhớ hai câu mở đầu là “Ai hành quân qua đây - Rừng Trường Sơn muôn cửa” chứ không phải là hai câu mở đầu như bản in hôm nay: “Ai hành quân qua đây - Đất vẫn in mòn lối cũ” hơi điệu quá. Cứ thô tháp như xưa mà thấy hay. Hay đến nỗi tôi đã phổ nhạc. Hồi Dạ còn học Đại học Việt Văn Nguyễn Du, tôi mới được diện kiến “Hoàng Phủ” khi anh ra Hà Nội thăm vợ con ở căn buồng ký túc xá cấp IV.

Tôi đã hát cho “Hoàng Phủ” nghe bài này khi cả nhà “Hoàng Phủ” lên căn gác 60 Hàng Bông ăn cơm với vợ chồng tôi. “Hoàng Phủ” khen hay. Tôi vui quá. Một “cao nhân” giữ bản quyền phát ngôn về Trịnh Công Sơn mà khen thì không phải chuyện đùa. Hình như hồi ấy “Hoàng Phủ” vừa đi giao lưu văn học ở Bulgaria về. Nên anh chia sẻ bằng cách chép tặng tôi bài thơ anh mới viết và thơ của bé Lim (Hoàng Dạ Thi) vào sổ tay của tôi.

HOÀNG PHỦ

Hoa hồng Bulgaria

Khi mỗi gương mặt là một hoa hồng
Ta muốn nhìn say mê dù quen hay lạ
Mỗi nụ cười là một dấu môi hôn
*
Khi tình yêu là một hoa hồng
Hơi thở người yêu hóa thành ngọn gió
Hạnh phúc làm một làn hương nhỏ
Theo hương bay bát ngát giữa đời
*
Khi trái tim là một hoa hồng
Ta kiêu hãnh mang hoa giữa ngực
Mầu hoa đỏ là lời thề đất nước
Đem đời ta làm một chiến công
*
Khi tự do là một hoa hồng
Ta hái lấy dù gai đâm xẻ thịt
Nhìn bàn tay ta máu hồng nhỏ giọt
Thoáng lạ lùng màu áo giống màu hoa

Nhưng cuộc đời biết đến Hoàng Phủ Ngọc Tường lại ở vai trò một người viết bút ký tài hoa sau Nguyễn Tuân. Điều ấy thật đúng. Mà không chỉ bút ký, những nhàn đàm của anh cũng rất hay và riêng.

Chỉ ví dụ ở một nhàn đàm, đã thấy chưởng lực của cây bút Hoàng Phủ quả thật thâm hậu. Ngay sau khi Văn Cao về cõi Thiên Thai hai ngày, anh đã viết “Tống biệt Lưu Nguyễn về Trời”: "Không chỉ có một Văn Cao, mà có nhiều Văn Cao trong một con người. Văn Cao âm nhạc, Văn Cao hội họa, Văn Cao, có Văn Cao mơ mộng và Văn Cao bắn súng, và ngay trong âm nhạc, có một Văn Cao của Thiên Thai và một Văn Cao của Tiến Quân Ca...

Hoặc nhìn từ phía khác có một Văn Cao nổi giận và một Văn Cao rất đỗi dịu dàng trước cuộc đời. Ông như cây Aleo dichotoma trên núi đá Vọng Phu ở Lạng Sơn, cứ tự chia hai đến tận cùng trong hành động sống, hay nói cách khác, trong quá trình tự thể hiện chính bản thân mình nhằm đạt tới nhiều chiều hướng khác nhau giữa những giới hạn vốn dĩ chật chội của một đời người và ở khắp mọi nẻo của hiện hữu, Văn Cao là một người luôn tìm cách phá vỡ Giới Hạn.

Anh Văn có một cử chỉ trìu mến dành riêng cho những người mà anh yêu thương như Thanh Thảo, Nguyễn Trọng Tạo, Nguyễn Thụy Kha, Thái Bá Vân, Trịnh Công Sơn và một vài người khác nữa như Phùng Quán, là để dành rượu ngon rồi chờ bạn đến, ngày này qua ngày khác. Mỗi lần ra Hà Nội, tôi đều đến với anh trong những cuộc “rượu chờ” như vậy, và mỗi lần như vậy, anh đều khiến tôi phải lạ lùng trước những Văn Cao khác nhau trong một người nghệ sĩ minh triết bậc thầy đang đối diện với tôi. Tôi nghĩ rằng dù trong một từ điển nghiêm chỉnh nào đó dành cho những tên tuổi làm sáng danh con người trong mọi hành vi của nó, thật cũng khó để tìm thấy đầy đủ một định nghĩa về Văn Cao.

Mọi người đều biết Văn Cao là nhà tiên phong trong cuộc tìm kiếm cái Mới bằng hành động sáng tạo, là người đạt tới sự cao sang của tiếng Việt giữa ngôn ngữ văn minh của nhân loại, và là người nghệ sĩ không bao giờ nguôi đi những khát vọng cao lớn của con người. Trong bài thơ “Gửi những người da đen”, Văn Cao đã từng nói:

Chúng ta là một
Ước mơ được trồng cây và hát

Nhưng vẫn còn là một cái gì khác hơn nữa mà tôi vẫn bắt gặp ở anh trong những giờ anh ngồi yên trên chiếc ghế cũ kỹ để nghe tiếng nói im lặng của thế giới:

Bây giờ không còn những tiếng nổ to/ Nhưng còn là những tiếng rạn vỡ (Anh có nghe không).

Anh đã ngồi như thế mấy chục năm trời trong căn phòng nhỏ của anh ở phố Yết Kiêu, trong tư thế tĩnh tại của Bồ Đề Đạt Ma nơi hang núi, để thấu suốt tất cả, và từ đó, đã cưu mang hết số phận của dân tộc mình và báo trước những nguy cơ đang đến với con người”.

Hoàng Phủ Ngọc Tường là thế. Vậy mà sau một đêm xem World Cup tại Đà Nẵng, “Người ham chơi” đã đột quỵ. Và dặt dẹo sống cho đến 25 năm sau. Bữa vào thăm anh nằm bất động trên giường bệnh viện, tôi bật ra thơ:

"Tường bây giờ như một con IC bị rứt khỏi mạch điện
Sống bất động với những sợi dây gắn vào cổ và mồm
Không còn gì có thể nói nhiều hơn
câm lặng
  *
Không gian giường bệnh chiều dọc thay chiều đứng
Đứng thành cây giữa một ngã ba
Rừng vẫn hoang và lá vẫn rơi mùa
Mẹ Trường Sơn tóc mây phơ bạc
  *
Tường bây giờ là một khúc củi ngúc ngắc
Cháy chưa xong cháy hết khó khăn
Nhiều ánh lửa đã hồng hào ký ức
Buồn như mây lạnh như gió trăng
Không còn đi, không còn đứng. Thì nằm
Không Trường Sơn, không củi than. Thì cỏ
Tường bây giờ chẳng cần cóc gì nữa
Nói bằng tay lúc nhớ lúc quên
  *
Tường bây giờ là một cõi riêng

NGUYỄN THỤY KHA

;
;
.
.
.
.
.