Nếu tập truyện đầu tay “Như giọt chuông ngân” là âm vang trong trẻo của giọt chuông sớm bình minh, tan hòa trong không gian bao la của vạn vật thì “Hài mặt quỷ” rung ngân trong trái tim người đọc từ những bi kịch của những thân phận, những oái ăm của trò đời đen bạc, của thế thái nhân tình.
Tập truyện Hài mặt quỷ (NXB Phụ nữ Việt Nam, 2023). |
1. Chưa đầy một năm, Hồ Loan - cây bút văn xuôi trẻ của Hội Nhà văn Quảng Nam đã cho ra đời hai tập: “Như giọt chuông ngân” (2022) và “Hài mặt quỷ” (NXB Phụ nữ Việt Nam, 2023). Hai tập sách, mỗi tập có độ dày hơn 200 trang, chừng 15, 16 truyện ngắn, phần nào minh chứng cho sức viết đang độ sung mãn cùng lòng mê đắm với văn chương nghệ thuật. Mỗi câu chuyện của Hồ Loan là một lát cắt từ những trải nghiệm trong cuộc đời người đàn bà tứ tuần. Tập sách chinh phục độc giả bằng giọng kể dung dị, ngôn ngữ đậm chất Quảng… Với “Hài mặt quỷ”, trong bạn sẽ đặt ra hàng loạt nghi vấn; hiển nhiên sẽ lật tìm ngay truyện ngắn mang tên chung cho cuốn sách và tôi cũng không ngoại lệ. Câu chuyện như cổ tích giữa đời thường, nhưng Hồ Loan đâu chỉ đơn thuần kể mà lồng ghép vào đó những thông điệp về khát vọng vươn lên mãnh liệt của những mảnh đời bất hạnh, lan tỏa triết lý sống: cho đi để nhận lại nhiều hơn. Với truyện ngắn này, người đọc không chỉ ngưỡng mộ vị bác sĩ tài giỏi bao dung; không chỉ thương xót cho những ngày dài đằng đẳng của Hài khi mang gương mặt quỷ mà còn dành niềm yêu thương cho người cậu tật nguyền. Biết quên đi nỗi đau của mình để chia sẻ, yêu thương và cứu sống một cuộc đời, nhân vật người cậu đã giành nhiều thiện cảm nơi người đọc. Đồng thời, Hồ Loan còn gửi gắm niềm tin vào con người và cuộc đời: dù thực tế còn lắm trái ngang nhưng người tốt vẫn còn nhiều, hãy sống chân thành thì hạnh phúc sẽ mỉm cười với bạn.
2. Đề tài được nhiều truyện ngắn của Hồ Loan đề cập là thân phận con người giữa cuộc sống khắc nghiệt đời thường, là niềm trăn trở trước nhân tình thế thái. Bên cạnh hàng loạt truyện viết về số phận bất hạnh của phụ nữ đem lại nỗi cảm thương sâu sắc, mảng truyện ngắn viết về thói đời cũng để lại trong ta những dư vị chua chát qua “Vọng khuya”, “Điều tử tế còn lại”… Riêng truyện ngắn đầu tập sách “Bản piano bất hủ”, tác giả đã mượn chuyện loài mèo để khái quát về một hạng người trong xã hội: cam chịu mất tự do để được cung phụng, chiều chuộng, được ăn no mặc ấm mà không chịu dấn thân trải nghiệm để có cuộc đời ý nghĩa hơn. Thông qua nghệ thuật nhân hóa, cách phân tích những biến chuyển trong tâm lý nhân vật, từ nỗi khát khao, thèm muốn đời sống quý tộc của một con mèo hoang, truyện ngắn đã hàm ẩn lời nhắc nhở về việc mải mê chạy theo những toan tính nhỏ hẹp đời thường mà đánh mất đi hoài bão một thời đã từng vun đắp. Để duy trì sinh mạng cho bản thân, con người phải đánh đổi nhiều thứ… Bên cạnh những nhân vật nữ dành được niềm ưu ái trong trang viết; những hình mẫu về nam nhi sống vị tha, quên mình vì người khác vẫn xuất hiện không ít trong truyện ngắn Hồ Loan; họ có thể là những nhân vật chính như: ông lão coi sóc ngôi chùa (Nắng nơi đỉnh tháp), nhân vật “anh” (Gió thổi tứ bề)… nhưng phần nhiều họ đóng vai nam phụ, xuất hiện thoáng qua nhưng chiếm được tình yêu của độc giả: người cậu tật nguyền (Hài mặt quỷ), người cha của Hạ (Yêu thương cất lời), cha của Hùng (Nhà tôi bên kia sông), người chồng của Diệp (Bí mật hoa tử đằng)… Phải chăng, nhà văn đã gửi gắm vào những nhân vật này niềm tin vào con người và nói như Nelson Mandela: “Sự tốt đẹp của con người là ngọn lửa có thể bị ẩn giấu nhưng không bao giờ bị dập tắt”.
3. Qua những trang viết của Hồ Loan, ta nhận ra giọng điệu buồn thương da diết cho mỗi phận đời, mỗi con người. Chất nữ tính đằm sâu không chỉ ở cách chọn đề tài, xây dựng nhân vật mà còn chất chứa trong cách kể, sử dụng ngôn từ, tạo dựng tình huống và miêu tả tâm lý... Trong nghệ thuật kể chuyện, Hồ Loan thường kết hợp miêu tả với tự sự, bình luận; lời trực tiếp và nửa trực tiếp; đối thoại hài hòa với độc thoại nội tâm để góp phần bộc lộ tính cách nhân vật. Ngôi kể được chọn thường ở ngôi ba; tác giả đã ẩn đi để nhân vật tự kể, vì thế mọi nhận xét đánh giá trở nên khách quan hơn. Trang văn của Hồ Loan gần gũi bởi bối cảnh được chọn để xây dựng nên câu chuyện thông thường là ở vùng nông thôn: đó là một khúc sông Tam Kỳ với nhánh dừa cổ thụ lòa xòa vươn ra giữa mặt sông, xã đảo Tam Hải (Núi Thành, Quảng Nam) gắn cùng khung cảnh sinh hoạt của ngư dân, một ngôi chùa nhỏ bên chân tháp Khương Mỹ, một phố thị nhỏ bé mỗi mùa sưa trổ, rụng vàng cả lối đi. Ngôn từ của nhà văn đậm đà sắc thái Quảng Nam hiện qua lời kể, qua cách xưng hô ở các nhân vật: tau, mày, mi, tui...
Dõi theo truyện ngắn của Hồ Loan qua “Hài mặt quỷ”, ta nhận ra những nét riêng trong cách kết cấu truyện của chị thường theo cách tương phản hoặc liên tưởng, bố trí chi tiết chặt chẽ, ngôn ngữ súc tích, kết thúc truyện nhẹ nhàng thường có tính mở. Tuy vậy, vài truyện vẫn thiếu chút thuyết phục ở nghệ thuật chọn tình huống, chất triết lý ở đoạn kết cần gia thêm để tạo độ lắng đọng trong lòng độc giả. Song với một cây bút đầy bản lĩnh như Hồ Loan, ta có quyền tin tưởng: với độ trải nghiệm ngày càng dày cùng niềm yêu viết mãnh liệt, truyện ngắn của chị sẽ nhanh chóng chiếm được nhiều cảm tình của người đọc.
NGUYỄN THỊ THU THỦY