Sắt son một chữ tình!

.

Bên phía đông của đường Hoằng Hóa, phường Điện Minh (thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) có một tượng đài lão dân quân Hoằng Trường anh hùng. Đây là hình ảnh khắc ghi về tình cảm cao đẹp, nghĩa cử sắt son và sẻ chia những mất mát, thương đau trong năm tháng đất nước đắm chìm lửa đạn chiến tranh giữa hai huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam và Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa. 

Tượng đài lão dân quân Hoằng Trường anh hùng tại Điện Bàn, một biểu tượng về nghĩa tình giữa Hoằng Hóa (Thanh Hóa) với Điện Bàn (Quảng Nam). Ảnh: THÁI MỸ
Tượng đài lão dân quân Hoằng Trường anh hùng tại Điện Bàn, một biểu tượng về nghĩa tình giữa Hoằng Hóa (Thanh Hóa) với Điện Bàn (Quảng Nam). Ảnh: THÁI MỸ

Pho tượng cao 5,3m, đế khá lớn, trên cùng là chân dung một bô lão, áo không cài khuy nút, ngực vạm vỡ, tay trái cầm mũ rơm, tay phải cầm ống ngắm cao xạ. Tiểu công viên và tượng đài này được khánh thành ngày 19-7-2023, nhân kỷ niệm 60 năm huyện Điện Bàn (nay là thị xã) và huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa kết nghĩa. Con đường Hoằng Hóa cũng chính thức được gắn bảng tên vào dịp này. Đây là đoạn đường quốc lộ 1A cũ từ phường Vĩnh Điện đến giáp cầu Câu Lâu, phường Điện Phương.

Sở dĩ thị xã Điện Bàn dựng tượng đài lão dân quân Hoằng Trường anh hùng bởi hình ảnh này là biểu tượng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa. Qua đó thể hiện tình nghĩa mãi gắn bó, thủy chung, sâu đậm giữa hai địa phương kết nghĩa từ ngày 20-7-1963.

Thực hiện chủ trương của Trung ương và hai tỉnh Quảng Nam, Thanh Hóa, các huyện của tỉnh Quảng Nam, Thanh Hóa đã ký kết nghĩa với nhau, trong đó có huyện Điện Bàn, Quảng Nam với Hoằng Hóa, Thanh Hóa, góp phần cùng quân dân đấu tranh thống nhất đất nước. Trong những năm kháng chiến, quân dân Hoằng Hóa vừa hăng hái thi đua lao động, sản xuất, vừa thường xuyên theo dõi, cổ vũ, động viên tinh thần chiến đấu của quân, dân Điện Bàn.

Mỗi chiến công oanh liệt cũng như sự mất mát, hy sinh của quân dân Điện Bàn đều trở thành ý chí, động lực to lớn để quân, dân Hoằng Hóa thi đua thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ trên tất cả các mặt trận. Với tinh thần “Vì Điện Bàn ruột thịt”, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hoằng Hóa đã huy động cao nhất sức người, sức của cho tiền tuyến Điện Bàn. Hàng ngàn con em của Hoằng Hóa lên đường chi viện cho chiến trường khốc liệt, đầy máu lửa của Điện Bàn, trong số ấy có không ít người đã mãi mãi nằm lại với mảnh đất Điện Bàn thân yêu.

Ở quê nhà, Hoằng Hóa cũng là mục tiêu đánh phá dữ dội của không quân địch. Máy bay Mỹ từ ngoài khơi Hạm đội 7 vào thường chọn núi Linh Trường, xã Hoằng Trường, huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa để xác định mục tiêu cầu Hàm Rồng vắt ngang sông Mã, cây cầu độc đạo chi viện cho chiến trường miền Nam. Đầu năm 1967, máy bay Mỹ càng tăng cường đánh phá dữ dội, do đó 150 người cao tuổi của xã Hoằng Trường viết đơn xin được thành lập các đơn vị pháo cao xạ để giữ yên bầu trời xứ sở, quê hương. Tuy nhiên cấp trên chỉ xét chọn được 18 cụ gồm: Lê Văn Hợp, Lê Trương Thùy, Nguyễn Đăng Tề, Lê Trường Ẩn, Nguyễn Văn Thiểm, Nguyễn Viết Đáo, Lê Văn Tuyết, Cao Văn Lanh, Lê Văn Chơn, Nguyễn Hữu Đởn, Nguyễn Hữu Xá, Vũ Bá Trêu, Lê Văn Xứa, Lê Văn Lại, Trương Đình Thái, Lê Văn Kiến, Nguyễn Minh Thọ, Lê Văn Chữ và 2 nữ nuôi quân là Nguyễn Thị Hựu, Đặng Thị Yên.

Ngày 8-8-1967 chính thức thành lập Trung đội lão dân quân Hoằng Trường, do cụ Lê Văn Hợp làm Trung đội trưởng. Trung đội dân quân Hoằng Trường được bộ đội hải quân Bộ Quốc phòng trang bị một số súng bộ binh và 3 khẩu súng 12 ly 7 (12,7mm) và lấy cao điểm 203, đồi 82 của dãy núi Linh Trường làm trận địa chiến đấu. Sau 15 ngày được Tỉnh đội Thanh Hóa, Huyện đội Hoằng Hóa tổ chức huấn luyện cách sử dụng vũ khí, các phương án tác chiến trên không, Trung đội lão dân quân Hoằng Trường bước vào trực chiến 24/24 giờ trên cao điểm 203 để canh giữ bầu trời ven biển xứ Thanh.

Khoảng 12 giờ ngày 14-10-1967, một chiếc máy bay F4 của Mỹ từ phía khơi xa bay vào quần lượn trên dãy Linh Trường, bị ụ pháo của bộ đội phòng không ở gần đó nổ súng phát hỏa, chúng hoảng sợ, chuồn đi nơi khác. Một lúc sau lại xuất hiện một chiếc F4 khác sà xuống thấp trút loạt bom cách vị trí chiến đấu của các cụ chừng 300m. Tiếng bom thù gầm thét vang rền, khói lửa cuồn cuộn mịt mờ nhưng khi chiếc F4 vút ngang qua, 3 khẩu 12,7mm của các cụ rung lên, liên tục nhả 92 viên đạn về phía “con ma thần sấm”. Cột khói từ thân chiếc F4 phụt lên đen ngòm, chao đảo như cánh diều đứt dây rồi cắm đầu xuống đất.

Đây là chiếc máy bay thứ 2.400 của không lực Hoa Kỳ bị quân, dân miền Bắc bắn hạ khi đang không khích. Hay tin Trung đội lão dân quân Hoằng Trường bắn rơi máy bay, ngày 17-10-1967, Bác Hồ đã gửi thư khen ngợi, động viên tinh thần chiến đấu ngoan cường của các cụ và tặng thưởng Huân chương Quân công hạng Ba. Tiếp đến, ngày 24-10-1967, chiếc máy bay AD6 từ biển vào để dội bom đánh phá cầu Hàm Rồng cũng bị các nòng súng 12,7mm của các cụ kết liễu số phận.

Trung đội lão dân quân Hoằng Trường là đơn vị độc nhất về người cao tuổi và bắn hạ được máy bay ném bom của Mỹ trên bầu trời miền Bắc. Chiến công của các cụ làm nức lòng quân, dân cả nước, qua đó xuất hiện câu ca “sông Mã kiên cường, Hoằng Trường dậy sóng”, tạo thêm khí thế mạnh mẽ về tinh thần quyết chiến, quyết thắng, bảo vệ bầu trời thiêng liêng của Tổ quốc trong bất cứ tình huống nào. Với thành tích đặc biệt xuất sắc trong chiến đấu của các cụ, ngày 25-8-1970, Nhà nước đã phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân cho Trung đội lão dân quân Hoằng Trường.

Bây giờ tất cả các cụ Trung đội lão dân quân ngày ấy đều đã nghìn thu yên giấc. Ở xã Hoằng Trường, Hoằng Hóa, Thanh Hóa và thị xã Điện Bàn, Quảng Nam đều có nguyên mẫu tượng đài ghi công các cụ dân quân dũng cảm, anh hùng.

THÁI MỸ

;
;
.
.
.
.
.