Tín hiệu vui cho kinh đô điện ảnh Hollywood

.

Cuộc đình công kéo dài 6 tháng qua đi đến hồi kết khi đa số thành viên của SAG AFTRA - nghiệp đoàn đại diện cho hàng chục nghìn diễn viên Mỹ, bỏ phiếu chấp nhận hợp đồng làm việc kéo dài 3 năm với các hãng sản xuất phim và điện ảnh. Việc hai bên đạt được thỏa thuận đã mở đường cho việc nối lại hoạt động tại phim trường sau nhiều tháng tê liệt. 

Một cuộc đình công của các thành viên Hiệp hội điện ảnh và truyền hình Mỹ diễn ra ở Hollywood, California. Ảnh: AFP
Một cuộc đình công của các thành viên Hiệp hội điện ảnh và truyền hình Mỹ diễn ra ở Hollywood, California. Ảnh: AFP

Theo SAG AFTRA, 78% thành viên của nghiệp đoàn đã bỏ phiếu chấp nhận hợp đồng làm việc với các hãng Netflix Inc - Công ty sản xuất và dịch vụ phát trực tuyến của Mỹ, Walt Disney Co - Công ty giải trí và truyền thông đa phương tiện lớn nhất thế giới và các thành viên khác của Liên minh các Nhà sản xuất Điện ảnh và Truyền hình Mỹ (AMPTP). Theo đó, các diễn viên sẽ được cam kết thỏa thuận tăng lương, tăng thù lao khi tham gia các chương trình phát trực tuyến và những quy định bảo đảm các hãng không sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong sản xuất phim. Tuy nhiên 22% số thành viên còn lại vẫn chưa đi đến thống nhất vì cho rằng các điều khoản vẫn chưa bảo vệ quyền lợi của diễn viên trước AI.

Trong thỏa thuận này, hai bên thống nhất về mức lương tối thiểu, với mức tăng khoảng 8%. Con số này thấp hơn so với mong muốn ban đầu của các diễn viên nhưng là mức tăng lớn nhất trong nhiều thập kỷ. Ngoài ra, SAG AFTRA và AMPTP cũng nhất trí cải thiện cơ cấu tiền thưởng cho các diễn viên khi các chương trình hoặc bộ phim mà họ tham gia, được công chúng đón nhận.

Hàng trăm nghìn diễn viên đã đình công và biểu tình trong nhiều tháng qua do nhiều diễn viên phải làm quần quật 19 tiếng mỗi ngày. Đây là lần đầu tiên trong hơn 6 thập kỷ có các cuộc biểu tình từ hai hiệp hội lớn diễn ra liên tiếp ở Hollywood. Vấn đề không chỉ đơn thuần là việc tăng lương và cát-xê mà ngành phim ảnh đang thay đổi với tốc độ chóng mặt trước sự xuất hiện của những nền tảng giải trí trực tuyến. Nhiều hiệp hội, tổ chức đã làm việc trong điều kiện cạnh tranh khắc nghiệt. Các cuộc đình công kéo dài đã khiến ngành giải trí tê liệt kéo dài hằng tháng và gây thiệt hại khoảng 6 tỷ USD cho nền kinh tế Mỹ. Hầu hết các bộ phận sản xuất phim và chương trình truyền hình ở Hollywood phải ngừng hoạt động. Điều này khiến các chủ hãng phim phải ngồi lại, cùng bàn bạc chính sách về quyền lợi cơ bản cho diễn viên tại Hollywood.

Để đạt được những thỏa thuận, nhiều cuộc đàm phán giữa SAG AFTRA và giám đốc điều hành của các hãng phim bao gồm Disney, Netflix, Warner và Universal đã diễn ra gần như hằng ngày trong nhiều tuần liên tiếp. Sau nhiều lần đàm phán, đến nay các thành viên của SAG AFTRA và các hãng phim đã đồng ý các điều khoản về tăng lương và quyền lợi người lao động. Qua đó chấm dứt một trong những cuộc đình công kéo dài lâu nhất từ trước đến nay trong ngành điện ảnh và mở ra một bức tranh tươi sáng hơn cho kinh đô điện ảnh Hollywood.

ĐOÀN GIA HUY

;
;
.
.
.
.
.