Để cải cách tiền lương tạo động lực cho phát triển

.

Việc cải cách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW năm 2018 là câu chuyện đặc biệt thu hút sự quan tâm của cán bộ, công chức, viên chức thời gian gần đây. Ai cũng gửi gắm vào tiến trình triển khai rất nhiều kỳ vọng, mong sẽ phù hợp hơn với xu thế phát triển chung của nền công vụ thế giới. Tuy nhiên, để chính sách tiền lương mới thật sự là bước đột phá lớn, góp phần quan trọng thực hiện tiến bộ, công bằng, bảo đảm ổn định chính trị - xã hội thì có rất nhiều vấn đề đã và đang được đặt ra.

Hy vọng khi được áp dụng, chính sách tiền lương mới sẽ góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước và năng lực kiến tạo phát triển cho nền công vụ nước nhà. Ảnh: Báo Chính phủ
Hy vọng khi được áp dụng, chính sách tiền lương mới sẽ góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước và năng lực kiến tạo phát triển cho nền công vụ nước nhà. Ảnh: Báo Chính phủ

Nghị quyết số 27-NQ/TW của Bộ Chính trị nêu rõ "Xây dựng, ban hành hệ thống bảng lương mới theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo thay thế hệ thống bảng lương hiện hành". Theo đó, mỗi ngành sẽ có một số vị trí việc làm, mỗi vị trí việc làm có mức lương với một con số cụ thể, rõ ràng. Và một người mới được tuyển dụng/bổ nhiệm nhưng nếu đáp ứng được yêu cầu công việc tại vị trí việc làm đó sẽ được hưởng lương tương xứng với công sức và kết quả làm việc. Riêng những người giữ chức vụ lãnh đạo được hưởng lương theo chức danh, chức vụ đang giữ.

Như vậy, tiền lương theo vị trí việc làm là tiền lương được trả theo đúng năng lực thực chất, khả năng đáp ứng yêu cầu công việc của cán bộ, công chức, viên chức, thay vì phụ thuộc vào thâm niên công tác, bằng cấp như hiện tại.

Chính sách lương mới giúp đánh giá đúng năng lực, vị trí của cán bộ, công chức, viên chức; tạo động lực cống hiến cho những người thật sự có tài, cũng như khắc phục được những bất cập mang nặng tính “cào bằng” và thiếu tính khích lệ như hiện nay; từ đó có thể giúp hạn chế được tình trạng “chảy máu chất xám” từ khu vực công sang khu vực tư, cũng như giảm dần tình trạng nhũng nhiễu, tham ô, tham nhũng của một bộ phận cán bộ, công chức khi thi hành công vụ.

Tuy nhiên, thực tế cũng đặt ra một số vấn đề cần quan tâm, hệ thống thang bảng lương mới được xây dựng dựa trên vị trí việc làm tại mỗi cơ quan, đơn vị, mỗi ngành nghề khác nhau. Vì vậy, điều kiện tiên quyết để chính sách tiền lương mới có được nền tảng bền vững là phải hoàn thiện được hệ thống vị trí việc làm, đáp ứng đúng yêu cầu công việc. Mà muốn chuẩn hóa từng vị trí việc làm, mỗi cơ quan, đơn vị phải đặt lợi ích chung lên hàng đầu, không nên xây dựng vị trí việc làm dựa trên cán bộ, công chức cụ thể, mà phải đi từ nội dung, đòi hỏi của công việc từ đó thiết lập nên khung năng lực, trình độ chuyên môn và các yêu cầu khác một cách phù hợp, thiết thực. Việc bố trí công chức, viên chức phải “khớp” với những yêu cầu đặt ra trong hệ thống vị trí việc làm, tránh tình trạng bố trí công việc không phù hợp, làm giảm chất lượng, năng suất làm việc và không phát huy được năng lực, sở trường công tác của mỗi người.

Bên cạnh đó, không thể phủ nhận hệ thống thang bảng lương theo ngạch, bậc và quy định nâng lương như hiện nay có ưu điểm rất đáng lưu ý, đó là sự ổn định, ít nhiều cũng tạo động lực và có sức hấp dẫn người lao động tham gia làm việc trong khu vực công. Vì vậy, chính sách tiền lương mới cũng phải có những quy định riêng về thời gian nâng lương, mức tăng cụ thể và những điều kiện kèm theo rõ ràng để tạo được niềm tin và sự yên tâm cống hiến cho đội ngũ cán bộ, công chức, thể hiện sự ghi nhận cho cả quá trình tâm huyết và phấn đấu của mỗi người.

Ngoài ra, việc cải cách tiền lương suy cho cùng cũng để hướng đến hai chữ “công bằng”, bảo đảm thực hiện nguyên tắc tối thiểu và quan trọng nhất đó là tiền lương phản ánh giá trị của sức lao động và tầm quan trọng công việc mà mỗi vị trí việc làm đảm nhận. Do đó, cơ cấu tiền lương phải được đánh giá công tâm, khách quan, đa chiều và có góc nhìn toàn diện.

Việc cải cách chính sách tiền lương phải được triển khai một cách toàn diện, với đủ quyết tâm để “hành lang pháp lý” cho hoạt động công vụ ngày càng minh bạch và chặt chẽ. Trong quá trình hoàn thiện, chính sách tiền lương mới cần được bảo đảm đầy đủ điều kiện nền tảng và các điều kiện hỗ trợ cần thiết khác để có được sự đổi mới thực chất trong cách thiết lập - bố trí - đánh giá - trả công - phát triển xứng đáng với từng cán bộ, công chức, viên chức, ở từng vị trí công việc khác nhau - như một bình rượu mới cần đựng trong đó những giọt rượu mới thơm ngon. Hy vọng chính sách tiền lương mới sẽ góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước và năng lực kiến tạo phát triển cho nền công vụ nước nhà.

ĐỖ LAN HƯƠNG

;
;
.
.
.
.
.