Người dân Đan Mạch vừa chứng kiến khoảnh khắc lịch sử khi Thái tử Frederik lên ngôi vua, kế vị Nữ hoàng Margrethe II. Nhà vua mới được kỳ vọng sẽ mang phong cách hiện đại vào chế độ quân chủ Đan Mạch vốn tồn tại hơn 1.000 năm.
Vua Frederik X, Hoàng hậu Mary và các Hoàng tử, Công chúa tại Cung điện Christiansborg. Ảnh: AP |
Trước hơn 100.000 người dân, từ ban công của Cung điện Christiansborg ở thủ đô Copenhagen, Vua Frederik X có bài phát biểu với thông điệp “Đoàn kết, tận tụy vì Vương quốc Đan Mạch”. “Tôi hy vọng sẽ trở thành vị vua đoàn kết vì tương lai. Đó là nhiệm vụ mà tôi đảm nhận với niềm tự hào, sự tôn trọng và niềm vui suốt cuộc đời mình”, Vua Frederik X nói.
Phong cách giản dị
Vua Frederik X, tên đầy đủ là Frederik André Henrik Christian, sinh năm 1968, là con trai cả của Nữ hoàng Margrethe II và Quận công Henrik. Lúc nhỏ, Frederik học tiểu học tại Trường Krebs' Skole ở Copenhagen, sau đó học trường nội trú ở Normandy (Pháp). Vốn có tính cách nhút nhát, Thái tử Frederik cảm thấy không thoải mái trước sự chú ý của giới truyền thông, thường bày tỏ rằng “không muốn tự nhốt mình trong pháo đài” và luôn tự hỏi có cách nào để không kế vị ngại vàng hay không. Những năm tháng tuổi trẻ bốc đồng, Frederik sa vào những cuộc vui và nổi tiếng với sở thích mua xe tốc độ. Vào đầu những năm 1990, truyền thông châu Âu mô tả ông là “Hoàng tử tiệc tùng”. Tuy nhiên, hình ảnh không mấy tốt đẹp nói trên đã thay đổi khi Frederik tốt nghiệp Đại học Aarhus (Đan Mạch) và sau đó nhận bằng thạc sĩ. Ông sang Mỹ nghiên cứu khoa học chính trị trong một năm tại Đại học Harvard.
Càng trưởng thành, Frederik càng thấy thoải mái hơn với vị trí người thừa kế ngôi vị cao nhất của Hoàng gia và chuẩn bị tâm lý để đón nhận sự chuyển giao. Ông không những tham gia phái đoàn ngoại giao Đan Mạch tại Liên Hợp Quốc, mà còn làm việc tại Đại sứ quán Đan Mạch ở Paris (Pháp). Đặc biệt, ông thông thạo tiếng Anh, tiếng Pháp và tiếng Đức.
Ở quê nhà Đan Mạch, Frederik nổi tiếng giản dị và thực tế. Người dân thỉnh thoảng vẫn thấy ông hòa vào dòng người đi xe đạp cùng vệ sĩ của mình. Ông còn là vận động viên thể thao, từng tham gia 6 cuộc chạy marathon, cuộc thi 3 môn phối hợp Ironman và một chuyến thám hiểm bằng xe trượt tuyết kéo dài 4 tháng xuyên qua phía Bắc Greenland - lãnh thổ tự trị của Đan Mạch. Trong nhiều năm, ông là thành viên Ủy ban Olympic quốc tế của Vương quốc này.
Năm 2004, Frederik kết hôn với Công nương Mary Donaldson và có 4 người con, gồm: Hoàng tử Christian, Công chúa Isabella, Hoàng tử Vincent và Công chúa Josephine. Với việc Frederik lên ngôi vua, bà Mary trở thành Hoàng hậu Đan Mạch đầu tiên là người gốc Úc; Hoàng tử Christian đảm nhận ngôi vị Thái tử.
Nhà hoạt động vì môi trường
Lúc trị vì, Nữ hoàng Margrethe II không tin rằng biến đổi khí hậu do con người trực tiếp gây ra. Trong khi đó, con trai bà - Thái tử Frederik X nổi tiếng là nhà bảo vệ môi trường tích cực. Kể từ khi Copenhagen đăng cai tổ chức hội nghị Liên Hợp Quốc về chống biến đổi khí hậu (COP15) năm 2009, ông đã tích cực nhấn mạnh những nguy cơ của biến đổi khí hậu và thúc đẩy vai trò của Đan Mạch hướng đến một tương lai xanh hơn. Không những thế, ông liên tiếp tham dự các hội nghị thượng đỉnh về khí hậu của Liên Hợp Quốc và có nhiều bài phát biểu thúc giục các quốc gia cùng hành động để giải quyết vấn đề ấm nóng toàn cầu.
Tờ The Guardian (Anh) nhận xét: Vua Frederik X là hiện thân của chế độ quân chủ cởi mở và tự do của Đan Mạch. Biên tập viên Birgitte Borup của báo Berlingske (Đan Mạch) nói với CNN: “Ông ấy (Vua Frederik X) rất nổi tiếng. Các cuộc thăm dò cho thấy sự ủng hộ rất thuyết phục từ người dân Đan Mạch dành cho Frederik”. Borup lý giải rằng, Frederik sẽ là “vị vua rất khác”, “rất thực tế và thích thể thao, trong khi mẹ của ông có nền tảng văn hóa khác biệt hơn”.
Giới phân tích chính trị của Đan Mạch cho rằng, Vua Frederik X sẽ đối mặt với những thách thức khi đăng quang, chẳng hạn ông phải chứng minh có thể làm được nhiều điều hơn ngoài thể thao và chống biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường. “Mặc dù ông đã công khai bày tỏ cảm thấy thoải mái với vai trò tương lai, nhưng nhiều người Đan Mạch vẫn hoài nghi và ông cần phải vượt qua điều đó”, bà Trine Villemann - nhà báo và tác giả chuyên viết về Hoàng gia Đan Mạch nhận định.
KHÁNH LINH (theo CNN, AP, Euronews)