Gieo hạt mầm tử tế

.

Nằm lặng lẽ ở góc đường Ngô Gia Tự, một phòng tập thể hình trông mộc mạc đúng kiểu truyền thống với một cơ số máy tập dù không nhiều nhưng đa dạng, một đống tạ có mới có cũ, vài chiếc ghế để người tập ngồi nghỉ, trên tường treo hình ảnh vài vận động viên thể hình từ thuở nào đó xa xôi… Điều đặc biệt ở đây là tấm bảng đỏ chói in dòng chữ lớn “Tập phục hồi miễn phí cho người bị tai biến” ngay lối vào.

HLV Trần Văn Dũng (phải) hướng dẫn tập phục hồi cho người bị chấn thương. Ảnh: L.V
HLV Trần Văn Dũng (phải) hướng dẫn tập phục hồi cho người bị chấn thương. Ảnh: L.V

Người lập nên phòng tập thể hình (gym) đặc biệt này là HLV thể hình Trần Văn Dũng (quận Hải Châu). Vừa qua tuổi lục tuần chưa lâu, năm ngoái, ông Dũng nghỉ hưu sau 30 năm cống hiến cho ngành thể dục thể thao thành phố. Nguyên trưởng bộ môn kiêm HLV trưởng đội tuyển thể dục thể hình Đà Nẵng, người đàn ông này đã dẫn dắt nhiều lứa vận động viên giành nhiều thành tích tại đấu trường quốc gia và quốc tế.

1. Phòng gym mở cửa đều đặn mỗi ngày hai buổi sáng - chiều, với việc hướng dẫn tập luyện phục hồi miễn phí cho những người chấn thương sau tai nạn, người bị tai biến, thoái hóa cột sống, tiểu đường... Ở đây không có không gian bóng bẩy, không nhạc trẻ remix xập xình, không HLV cá nhân, chỉ có những người đàn ông hầu hết ở độ tuổi trung và cao niên hỗ trợ nhau tập luyện. Có người đánh trần khoe cơ thể vẫn dẻo dai ở tuổi trung niên, người chậm rãi tập vận động tay chân sau tai nạn, lại có những người yêu thích đạp xe tại chỗ. Mọi động tác đều thực hiện từ tốn, nhẹ nhàng.

Tới phòng gym sớm nhất nhì có lẽ phải kể đến ông Nguyễn Văn Hậu (quận Hải Châu). Ông cười, bảo: “chắc do nhà gần, ngay trung tâm Hải Châu nên siêng đi qua đây sớm”, rồi nhanh chóng đi đến chỗ khởi động. “Đi” - hành động tưởng như giản đơn thường nhật kia lại từng là nỗi ám ảnh dai dẳng trong ký ức người đàn ông này mấy năm về trước. Ám ảnh đó “vẽ” thành hình hài - là vết sẹo nơi đầu gối sau 2 lần phẫu thuật do tai nạn. “Tôi làm lái xe, bị tai nạn khiến bánh chè vỡ đôi, phải mổ xẻ cái đầu gối này 2 lần. Chân yếu đến mức việc đi lại cũng như một cực hình”, ông Hậu nhớ lại. Qua năm 2019, ông bắt đầu tập phục hồi tại phòng gym hiện tại. Ông bảo nếu không biết đến góc nhỏ này, có lẽ ông đã ngồi một chỗ trên xe lăn hoặc phải đi chân “chấm phẩy”.

Người đàn ông bị vỡ đôi xương bánh chè năm nào nay đã có thể nâng tạ nặng, đi lại thoải mái. Ông còn tham gia hỗ trợ những người cùng tập luyện, sắp xếp thiết bị tập, là “trợ lý” đắc lực của người lập nên phòng gym đặc biệt này.

Thật ra, HLV Trần Văn Dũng đã bắt đầu công việc ý nghĩa này trong những năm tháng của hai mươi mấy năm về trước, chính xác là sau năm 1995. Nơi đặt phòng gym hiện tại, ông Dũng được hỗ trợ cho thuê với giá rẻ, chủ yếu để giúp đỡ mọi người tập luyện. Tính sơ sơ, ông bảo số người theo tập hiện nay tròm trèm khoảng 30 người. Hầu hết đang sinh sống ở thành phố Đà Nẵng, người xa nhất ở thành phố Hội An (tỉnh Quảng Nam) cũng chịu khó đi đường xa đến tập. Bên cạnh những người thường xuyên đến phòng gym, ông Dũng còn chạy xe đến tận nhà để tập phục hồi cho những hoàn cảnh đi lại khó khăn. Tất cả đều hoàn toàn miễn phí.

“Tập luyện cho người bị di chứng của tai biến, thoái hóa cột sống hay từng mang thương tổn sau những tai nạn thực sự không hề dễ dàng, thậm chí có thể nói là rất khó khăn. Tùy vào tình trạng cơ địa và sức khỏe mà mỗi người có những bài tập riêng. Ban đầu, mình phải “dìu” nhẹ nhàng, nâng đỡ, tập cho học viên giãn gân cốt, từ từ từng bước một. Khi những cử động của học viên linh hoạt hơn, khi họ có thể cầm nắm, cử động thì tôi tăng dần mức độ tập luyện”, ông Dũng chia sẻ.

2. “Nhờ có ông Dũng mà tôi gánh được cục tạ to này”, ông Nguyễn Bê (quận Hải Châu) ngồi bên vừa tập vừa góp chuyện. Trong bài tập gánh tạ của mình, ông được ông Dũng chỉ dẫn từng động tác cơ bản, tư thế tập sao cho hợp lý để tránh chấn thương. Nhìn ông Nguyễn Bê sắp tuổi 70 chăm chỉ đến phòng tập mỗi ngày, ít ai biết ông đã phải trải qua 2 lần mổ não, lần đầu do bị u não, lần sau do tai biến. Hiện tại, dù việc đi lại của bản thân vẫn khó khăn, phải dùng đến gậy hỗ trợ cũng như tăng cường tập luyện cho đôi chân nhưng ông Bê đã có thể thoải mái nâng tạ nặng, bàn tay cũng cử động rất linh hoạt. 

“Tôi từng có ước mơ giản đơn, đó là có thể tự tay múc được muỗng cơm đưa lên miệng mà không rơi vãi, tự lấy đôi đũa “dẽ” xương cá hay cầm ly nước uống được như người bình thường thôi, vậy mà khó, tai biến làm bàn tay co quắp, cử động khó khăn vô cùng. Chỉ mong ước được vậy là mừng lắm rồi chứ không nghĩ tới một ngày có thể nâng tạ và làm mọi việc linh hoạt như hôm nay”, ông Bê vừa kể vừa khoe đôi tay hiện tại.

Càng về chiều, những người đến tập càng đông hơn. Ông Dũng coi họ như người thân, bạn bè. Những bài tập không hề khô khan mà luôn có tiếng cười, lời nhắc nhở nhau tập luyện sao cho an toàn; dặn nhau uống đủ nước; ngồi sao cho vững hay đặt mức tạ sao cho phù hợp… Thỉnh thoảng, phòng tập được “pha trò” bằng vài câu trêu đùa, rằng: “Nhìn ông này già vậy chứ tướng tá còn sung sức lắm”, “Tập về có đi nhậu không cụ?”, “Hôm ni nâng tạ “yếu” hơn hôm bữa hè?”. Trong những khoảnh khắc đó, những lo âu về bệnh tật hay nỗi đau nào đó trên thể xác họ như dần biến tan, nhường cho những nụ cười, tinh thần lạc quan và ý thức giữ gìn, chăm sóc sức khỏe, đặc biệt ở tuổi xế chiều.

“Thù lao” họ trả cho HLV Trần Văn Dũng là sự tiến bộ của bản thân khi sức khỏe dần được cải thiện. Rồi từ những hào phóng, đồng cảm, yêu thương giữa người với người mà khoản “thù lao” này dường như luôn được tích cóp, sẻ chia và có lãi. Có những người không đến phòng tập một ngày lại đâm ra… nhớ lúc đổ mồ hôi, nhớ quay quắt mấy ông bạn đồng niên đồng cảnh và mấy cục tạ.

Có lẽ, HLV Trần Văn Dũng cũng không nhớ hết được những người mà bản thân đã từng giúp đỡ ở thành phố này. Bây giờ, điều mong mỏi của vị HLV về hưu là có được sức khỏe dồi dào và điều kiện để nâng cấp phòng tập, tìm được một mặt bằng mới, ổn định để giúp mọi người tập luyện lâu dài.

Trong nhịp sống của phố thị, những câu chuyện tử tế của một con người hay một cộng đồng vẫn luôn được “gieo”, được “vun tưới” từ chính sự tử tế và tinh thần hướng thiện dù trong bất cứ hoàn cảnh nào. “Những năm tháng còn trẻ, tôi từng có thời gian ở và tập võ trên chùa. Điều tôi học được từ sư thầy không chỉ là những phương pháp trị liệu mà còn là lẽ sống hướng thiện, tử tế với đời, với người”, ông Dũng nhớ lại. Sau những bộn bề công việc, có lẽ, giúp và yêu thương người khác là cách để ông bình yên từ tâm niệm của mình.

XUÂN SƠN

;
;
.
.
.
.
.