Gió mùa xuân tới

.

Tôi biết trước câu trả lời của Bi mà năm nào cũng hỏi đi hỏi lại một câu “có về quê ăn Tết không?”. Chờ nghe Bi nói không, tim tôi buồn bã, mắt sẽ rời màn hình mấy phút, ngồi nhìn bâng quơ rồi tư lự tưởng tượng đến cảnh cả nhà Bi ăn tết ở Sài Gòn. Bi nói với tôi chỉ có ở lại vào dịp Tết, mới “tận hưởng” được Sài Gòn, mới cảm nhận và hiểu được một Sài Gòn tĩnh mịch, vắng vẻ. Lúc đó, ưa đi đâu thì đi, ưa làm gì thì làm, không sợ kẹt xe, không phải tất bật ngược xuôi mỗi ngày, không cần grab chở giùm con đi học, không phải ăn những bữa cơm vội để kịp giờ… Tôi tin Bi nhưng tim vẫn đập mấy nhịp buồn. Rất có thể, vài ba những tháng ngày vắng vẻ đó chính là niềm hạnh phúc vô bờ của cả gia đình người bạn tôi. Cũng rất có thể, vì thương Sài Gòn mà bạn đã ở lại, không phải bất đắc dĩ mà ở lại, cả nhà Bi “ăn Tết cùng Sài Gòn”. Bi vẫn thường nói vui với tôi, xứ Quảng là nơi sinh ra, Sài Gòn là quê hương thứ hai của bạn nhưng lại dung dưỡng gần cả cuộc đời bạn.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Bi là bạn của tôi từ thuở hai đứa tắm mưa chung trong một khoảng trời rộng, nơi thung lũng nhỏ miền trung du Tiên Phước. Nhà ngoại Bi cách nhà tôi một con mương, cứ hễ Bi về ngoại chơi là hai đứa tôi là hớn hở như chim sổ lồng, mỗi bờ ao, mỗi góc ruộng nơi nào cũng in dấu bàn chân hồn nhiên vô tư lự của đôi bạn nhỏ.

Tình bạn ngây thơ ấy đột nhiên dứt ngang vào ngày Bi quyết định bỏ nhà vào Nam khi đang học dở phổ thông. Ngày nào cũng gặp nhau, cùng học chung một lớp, cùng chia nhau rất nhiều củ khoai miếng sắn nhưng cuộc đi của Bi chỉ khiến tôi chạnh lòng trống vắng một thời gian rồi cũng bẵng quên. Bi đã làm gì giữa ngơ ngác Sài Gòn ngày tháng ấy, chắc có lẽ đầu óc giản đơn của tôi không sao hình dung nổi. Tôi thực sự đã bẵng quên Bi. Và có lẽ, cơm áo không đùa với một đứa bé chưa kịp trưởng thành cũng làm Bi không có thời gian hờn trách người bạn nhỏ quê hương giữa thị thành náo nhiệt.

Cơ duyên gặp lại Bi khi cả hai chúng tôi đã quá nửa cuộc đời. Cô chủ nhỏ đất Sài Gòn không còn giữ được “hương âm vô cải” nhưng tình bạn trong trái tim Bi mãi vỗ nhịp ấm nồng. Còn tôi, mấy mươi năm qua vẫn sống tháng ngày thanh bình quanh quẩn chốn vùng đồi trung du trong xóm làng Lộc Yên đẹp như tranh vẽ. Gặp lại nhau sau hơn hai mươi năm, tình bạn của chúng tôi không bị chia lìa bởi sự cách xa nhưng lại có đôi chút không trùng nhau trong cách nghĩ. Tất nhiên.

Tôi chưa bao giờ rời xa làng nhỏ của mình trong những ngày thơm nồng vị Tết. Đó là vị của vụ lúa đông xuân đương thì con gái rộn rã tiếng cười nông phu mải miết dặm cỏ, sục bùn mãi cho tới ngày giáp Tết. Đó là vị của khói bếp ấp iu trong những buổi chiều tà ấm nồng mùi sum họp. Đó là vị của mùi bánh tét bánh chưng quây quần bên bếp lửa, là vị của biết bao thức ngon người mẹ quê chăm chút, tùng tiệm quanh năm để biệt đãi đứa con đi xa vừa mới trở về. Trên con đường làng ngày thường vốn bình lặng, cận Tết rộn rã bước chân vui. Người về sớm, kẻ về muộn. Người mang về cả cái huyên náo thị thành khắp chốn cùng phương, kẻ lặng lẽ với túi hành lý nhẹ tênh, chỉ với ước ao duy nhất được về ăn bữa cơm chiều cuối năm bên mẹ. Nhưng dù sớm dù muộn, dù thành công hay lao nhọc, riêng bước chân trở về từ tứ xứ vẫn đầy ắp những hân hoan.  

Khung cảnh lặng lẽ ngày thường trong xóm nhỏ Lộc Yên rộn lên chỉ bởi cơn gió mùa xuân thổi tới. Tôi đặc biệt không muốn đi xa trong dịp Tết chỉ vì ở đây, tôi “ăn Tết” ở mọi nhà. Tôi chưa từng đọc ở nơi đâu thấy có các món bánh gừng kỳ diệu như món bánh mạ tôi từng làm. Tôi chưa từng tìm thấy chỗ nào có món dịn hộc như ở nhà cô Nhung hàng xóm, món gà nấu rang như nhà bà cố Huế của mình… Đất trời đã biệt đãi cho tôi được sinh ra ở nơi mà cảnh sắc đã thôn dã thần tiên, người làng tự xưa tới nay lại giữ đậm mùi thuần hậu thì những ngày rất Tết, tôi không cần đọc Đường thi vẫn như thể tới được chốn đào nguyên diện diện. 

Trong câu chuyện tư lự cùng Bi, tôi không đặng nói cho Bi nghe mong ước nhỏ của mình. Nhưng tôi vẫn tin rằng, làn gió tràn đầy năng lượng của mùa xuân có ở khắp mọi nơi. Và Bi đó, ngày Tết, đã quyết định ở lại Sài Gòn để có những tháng ngày thiên đường lặng lẽ.

NGUYỄN THỊ THANH THẢO

;
;
.
.
.
.
.