Lối về tháng Chạp…

.

Không hiểu sao, tôi rất thích cách gọi chân phương nhưng vô cùng trìu mến người ta dành cho tháng cuối cùng của năm âm lịch: tháng Chạp. Tháng dồn tụ biết bao ưu tư, thắc thỏm; tháng của những dư ba xao xuyến, đượm nồng; tháng cưu mang bao nỗi tha thiết luyến thương, của những ân tình trĩu nặng…

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Mỗi năm đi qua mấy khúc giao mùa từ xuân đến hạ, từ hạ sang thu, từ thu về với đông. Ấy vậy mà chỉ khi tháng Chạp quay về, khúc biến tấu của mùa mới gieo vào lòng người những phức cảm bịn rịn đến vậy. Như cách nói đầy hình tượng của ai đó đã thay lời cho muôn người trong khoảnh khắc này, rằng tháng Chạp tựa một tiếng thở dài vừa như tiếc nuối giọt thời gian quạnh quẽ, vắng xa; lại vừa như đang rượt đuổi, hối thúc những bước chân người hối hả xuôi về nguồn cội; vừa khẽ khàng mở lối vào giêng hai tinh khôi…

Còn nữa, tháng Chạp thường được ví von là một đoản khúc thời gian bời bời thương nhớ, là giai điệu cuối cùng của một bài hát còn nghe dở. Bài hát về một hành trình buồn - vui - sướng - khổ vừa khép lại bồi hồi. Ta về bên tháng Chạp để vẳng nghe những bận rộn, lo toan; để đong đếm suy tư bề bộn. Ngồi lại cùng tháng Chạp, ta cơi nới cõi lòng để tìm chút ngơi nghỉ an nhiên. Tháng Chạp ân cần, nồng đượm, tựa như một nốt lặng gieo giữa đất trời, lắng xuống lòng người muôn nỗi bâng khuâng.

Ghé về tháng Chạp, ta nâng niu những khoảnh khắc trải lòng hoài niệm, thu dọn chỉn chu được mất bại thành trong những tháng ngày xa. Ta mỉm cười mãn nguyện để tha thứ cho người, tha thứ cho cả chính bản thân ta trước những nông nổi, lỗi lầm của chuỗi ngày ngược xuôi bụi bặm. Chợt thấy lòng nhẹ nhõm khi được trút bỏ hoài nghi, phiền muộn để không còn là người mắc nợ ai, mắc nợ điều gì.

Tháng Chạp, lối về của ta luôn có bóng hình mẹ ân cần, chộn rộn bấm đốt ngón tay đếm ngược từng ngày đợi đứa con xa xôi về đoàn tụ. “Con đã đặt vé xe chưa, ngày nào con về? Mẹ ta lúc nào cũng giản đơn và ngắn gọn như thế, vẫn với một câu hỏi rất quen, rất cũ được lặp lại hằng năm mà sao cứ mỗi lần chớm nghe, ta lại thấy mủi lòng. Về với mẹ, với Tết là để gột rửa hết ưu phiền, để được chở che, vỗ về sau mỗi dặm dài long đong xa xứ.

Tháng Chạp, giờ này hẳn bố đang bàn bạc với các chú, các bác chọn ngày và chuẩn bị tươm tất cho việc sửa sang mộ phần của ông bà, tiên tổ. Mỗi năm một lần, ta cũng chưa bao giờ quên việc theo chân bố đi chạp mả, khói hương cho người đã khuất mà rưng rưng niềm tưởng nhớ người thân…

Về cùng tháng Chạp, ta hối hả phát quang sân vườn, tân trang nhà cửa cho sạch sẽ tinh tươm để đón Tết. Ngắm nhìn bức tường được phủ lớp sơn mới, những chậu hoa được kê chật trước hiên nhà, khu vườn được cắt tỉa gọn gàng, tường rào rêu mốc đã thay lớp áo mới. Lòng ta bất chợt cũng thơm tho.

Thoáng ngậm ngùi nhìn lên mái tóc hoa râm quá nửa đời sương gió của mẹ cha, ta cứ muốn níu giữ thời gian ở lại, mong sao người mãi khỏe mạnh, tinh anh để đồng hành cùng ta thật dài lâu trong cuộc đời này. Bao nhiêu tiếc nuối, bấy nhiêu ăn năn và cả những tủi hờn cứ chênh chao trong tâm khảm đứa con biền biệt xa nhà, để quý thương biết nhường nào khoảnh khắc quay về nhận mặt quê hương, được gần gũi mẹ cha, thân quyến mà nhỏ to thủ thỉ.

Tháng Chạp ơi, sao đượm nồng và mến thương đến thế. Một cõi ân tình cứ tuần hoàn trả vay mải miết không thôi. Đầy rồi lại vơi, vơi lại được lấp đầy. Như lối về tháng Chạp hôm nay, vẫn nỗi niềm ấy, vẫn suy tư ấy, rất cũ mà chưa từng lạ xa, để lòng ta mãi ngân rung một cung điệu bồi hồi. Ta muốn ôm trọn khoảnh khắc này mà nâng niu bằng tiếng lòng trìu mến: tháng Chạp ơi, tháng Chạp ân tình!

NGÂN GIANG

;
;
.
.
.
.
.