Là cái tên quen thuộc trong giới nghiên cứu khoa học ở lĩnh vực môi trường, TS Lê Thị Xuân Thùy, giảng viên Khoa Môi trường, Trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng) có nhiều công trình, sáng kiến được áp dụng và phát huy hiệu quả. Báo Đà Nẵng có bài phỏng vấn chị về hoạt động nghiên cứu khoa học trong học sinh, sinh viên hiện nay.
TS. Lê Thị Xuân Thùy (bên phải) đang hướng dẫn sinh viên nghiên cứu khoa học. Ảnh: K.H |
* Trong những công trình, sáng kiến đã ứng dụng vào thực tiễn, chị hài lòng nhất “sản phẩm” nào?
- Dự án nghiên cứu khoa học tôi nghĩ ứng dụng thành công nhất, đến thời điểm này, là mô hình lọc nước đa tầng thuộc công trình nghiên cứu "Thiết bị lọc nước ngầm đa năng" được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp bằng độc quyền số 1692 ngày 4-4-2018. Sáng chế "Thiết bị lọc nước ngầm đa tầng" xuất phát từ nhiều năm tìm tòi, nghiên cứu giải pháp giúp người dân, nhất là vùng nông thôn miền núi, vùng sâu, vùng xa đang phải sống trong môi trường bị ô nhiễm, nguồn nước ngầm không bảo đảm chất lượng hoặc bị nhiễm phèn, nhiễm mặn…
Từ thực tiễn đó, tôi cùng ê-kíp quyết định đầu tư công sức, trí tuệ và kinh phí để sáng chế thành công thiết bị lọc nước ngầm đa năng. Với giải pháp này, mọi đối tượng khách hàng đều có điều kiện tiếp cận sản phẩm với mức giá 500.000 đồng/sản phẩm, cũng như đầu tư toàn bộ hệ thống lọc nước thông minh giá 50 triệu đồng/sản phẩm. Điều đáng mừng là thiết bị lọc nước đa tầng khi đưa về vùng sâu, vùng xa, các xã đảo và huyện miền núi tỉnh Quảng Nam được người dân đón nhận, sử dụng với độ hài lòng cao. Đây là “món quà” quý giá và động lực để chúng tôi tiếp tục hoạt động nghiên cứu khoa học sau này.
* Nhìn lại quá trình một dự án/đề tài nghiên cứu khoa học có thể “sống” ở thực tiễn thay vì bị “bỏ quên” hay “đút ngăn kéo”, theo chị những điểm nghẽn nào cần được tháo gỡ?
Không thể phủ nhận thực tế đã có những công trình/ đề tài nghiên cứu khoa học bị “đút ngăn kéo” và có nhiều nguyên nhân dẫn đến hệ quả đáng buồn này. Ở góc độ của mình, tôi cho rằng, điểm nghẽn đầu tiên nằm ở lĩnh vực mà đề tài hướng đến. Đề tài có hay đến bao nhiêu mà không thuộc lĩnh vực xã hội/cộng đồng đang cần đến hoặc giải quyết được những bức xúc, nhu cầu của thực tiễn thì sẽ không có tính ứng dụng cao. Ngoài ra, một vài điểm nghẽn khác cần được tháo gỡ đó là giá thành sản phẩm, hoạt động tuyên truyền và quảng bá cũng như đầu tư kinh phí duy trì hoạt động nghiên cứu để luôn cải thiện sản phẩm cho phù hợp nhu cầu của xã hội. Nhưng quan trọng hơn vẫn là sự ủng hộ của người dân.
Chúng tôi khi bắt tay vào nghiên cứu một đề tài nào đó, không hẳn đề tài đó hoàn toàn mới mà có khi là làm mới trên nền tảng các nghiên cứu đã đi trước. Ví dụ, trên nền tảng công trình nghiên cứu đã thành công của một GS. ở Nhật Bản về sử dụng Gama-PGM - loại vật liệu mới trong xử lý môi trường, chúng tôi tiếp tục nghiên cứu và đề xuất giải pháp mới cho các nhà máy xử lý nước thải, ứng dụng phù hợp thực tiễn của Việt Nam. Tôi tâm niệm, những gì có thể giúp ích cho xã hội thì luôn nỗ lực làm, vì đó là trách nhiệm và tâm huyết của một nhà khoa học.
* Ở vai trò một giảng viên tham gia công tác giảng dạy tại Trường Đại học Bách khoa, chị đánh giá như thế nào về việc thúc đẩy phong trào nghiên cứu khoa học trong học sinh, sinh viên hiện nay?
- Khi tôi làm nghiên cứu sinh tại Trường Ðại học Tokusima (Nhật Bản), với sự hướng dẫn, hỗ trợ tận tình từ các nhà khoa học, tôi nhận ra con đường để đưa các thành quả nghiên cứu khoa học vào thực tiễn phải xuất phát từ tâm huyết và lao động thật sự. Muốn thúc đẩy phong trào nghiên cứu khoa học trong học sinh - sinh viên, trước hết bản thân giảng viên phải là người biết cũng như đam mê nghiên cứu. Giảng viên phải luôn suy nghĩ, trăn trở và tìm sẵn các hướng, các vấn đề mà xã hội cần giải quyết, từ đó trao đổi với học sinh - sinh viên, tăng lòng tin cũng như truyền lửa và giúp các em rút ngắn được thời gian tự tìm vấn đề. Các em thường không có nhiều kinh phí để nghiên cứu nên vấn đề quan trọng không kém là giảng viên phải là "nhà đầu tư thiên thần" ban đầu cho học sinh - sinh viên bằng nguồn quỹ của bản thân hoặc giảng viên phải chủ động xin nguồn kinh phí từ các tổ chức khác.
Một tâm lý chung thường thấy, đó là học sinh - sinh viên thường thích được công nhận công sức của mình nên nếu giảng viên biết lồng ghép đề tài nghiên cứu khoa học với các cuộc thi hay giải thưởng của các đơn vị thì sau khi kết thúc đề tài, các em có cơ hội nhận được giấy khen, tiền thưởng. Dù có thể không bù đắp được công sức mọi người bỏ ra nhưng đó là niềm vui, động lực mà tôi nghĩ không thể thiếu đối với không chỉ học sinh - sinh viên mà cả với giảng viên. Về phía nhà trường cũng như thành phố, chúng tôi mong muốn luôn có đội ngũ đủ tầm để phát hiện các nhóm học sinh - sinh viên có khả năng nghiên cứu ra sản phẩm có ích cho xã hội để từ đó bồi dưỡng và hỗ trợ phát triển các kết quả nghiên cứu đó của các em.
KHÁNH HÒA