Võ Kim Ngân và "những chuyến đi xa ngoài mình"

.

"Gương thời gian" của Võ Kim Ngân là điển hình thú vị về một diễn trình giải mã khái niệm thời gian dưới cái nhìn thi sĩ.

Thời gian và bản thể của nó luôn gắn với các triết gia ở mọi thời đại như mực dính vào ngòi bút. Song hành với những câu hỏi thường trực như về Tư duy và Tồn tại, Vật chất và Ý thức... Nhưng với thi ca, nó phức tạp bội phần, bởi thi sĩ có quyền mở ra một vũ trụ của riêng mình. Trong thơ, thời gian không chỉ là ba mối nối của một sợi dây thẳng băng: Quá khứ - Hiện tại - Tương lai theo một chiều duy nhất. Mà hòa trộn một cách đầy mơ hồ giữa ý thức, nhận thức, tâm thức và tiềm thức sâu thẳm. Nơi ấy, khái niệm “thời gian” có thể được gọi bằng vô vàn cái tên, với vô tận định nghĩa. Nên không phải ngẫu nhiên Albert Einstein đã phải thốt lên “Thời gian là ảo ảnh…”.

Trong tập thơ này, dù trực tiếp viết về thời gian/nội tâm, hay với những ngoại cảnh như bệnh viện đêm, quán cà phê chiều, thành Cổ Loa, lăng Minh Mạng, Cổ viện Chàm, chùa Nôm, hoặc những ngoại vật như cái ổ tò vò, chiếc đèn kéo quân, quả hồng treo cao…, thì cái bóng thời gian vẫn phủ lên một cách đặc biệt. Thời gian ở đây không đơn thuần chỉ là chủ đề/ đối tượng phản ánh thông thường.

Trước hết, có thể thấy khá rõ hai chiều thời gian - tâm thức trong "Gương thời gian", đó là “Trở vào ta”“Những chuyến đi xa ngoài mình”.

“Trở vào ta” là đối diện và ngoái nhìn chính mình. Để hoài niệm “Một chút ngu ngơ, khờ dại/ Nụ cười răng sún/ Đi theo ảo ảnh mơ hồ” (Trở vào ta). Để tiếc nuối “Đời người bước qua bậc cửa/ Chân chưa kịp co lên đã sầm sập bóng chiều" (Giọt nắng chùa Nôm). “Những tháng năm bỏ phí/ Theo đuổi những vì sao hoang vắng khô cằn/ Và trở về với trái tim cằn cỗi” (Gương thời gian). Để khắc khoải níu giữ “Tọa độ thời gian khắc khoải.../ Bám lấy vượt qua, níu lại” (Vùng vẫy cơn mơ). “Đêm nghe sợi tóc âm thầm nhắc/ Thời gian vừa rảo bước qua đây” (Sợi bạc). Để kết tội “Thời gian/ Kẻ lạnh lùng gian trá nhất” (Thời gian). Để tuyệt vọng, và rồi như thể buông xuôi “Xin quên đi những gì đã nhớ/ Thật nhanh/ Như/ Chưa hề có bắt đầu…” (Viết cho một ngày buồn).

Trước thời gian, buồn thường là tâm trạng bất khả kháng. Bởi tháng ngày cứ dần mất đi, đời người sẽ tan về hư vô, cảm giác mọi được mất đều phù du. Nhưng nếu chỉ vậy, thì thi ca đã viết hết rồi, thậm chí còn giằng xé đau đớn, tuyệt vọng hơn nhiều.

Võ Kim Ngân với "Gương thời gian", tôi cho rằng đã vượt thoát được để đi xa hơn thế. Vẫn có tiếc nuối, dằn vặt, có hốt hoảng, thậm chí nhiều lúc rơi vào cảm thức hư vô. Nhưng ở đây có thể thấy phần nào tác giả đã đưa ra và giải quyết vấn đề lớn hơn bản thể vật chất - vật lý của thời gian. Không coi đó là một thứ vật chất đơn thuần, cũng không hẳn hoài niệm quá khứ, băn khoăn hiện tại và mơ hồ - hồ nghi tương lai theo tâm lý thông thường, mà đã nhào trộn, để chạm tới được những phạm trù ở mức cao, phức tạp hơn. Để cho thấy rằng mình không chỉ là một sinh thể bị khống chế, ràng buộc bởi thời gian. Đó là khi tác giả thập thững men theo hành trình của “những chuyến đi xa ngoài mình”.

Một "cái tôi" vượt thoát ra bên ngoài tất nhiên vẫn xuất phát từ những diễn biến nội tâm (khác với chủ nghĩa bên ngoài Externalism mà các triết gia vẫn còn tranh cãi khi so sánh với chủ nghĩa bên trong/ nội tại Internalism). Tôi cho rằng quá trình từ kinh nghiệm, trải nghiệm dẫn đến chiêm nghiệm, khi chạm đến đến độ sâu nhất sẽ rẽ nhánh siêu thực để men theo tiềm thức - là con đường của thi ca hiện đại. Nên “đi xa ngoài mình” với Võ Kim Ngân thực chất chính là hình thức đào xới vào cõi tiềm thức, để nhìn ra những gương mặt khác của thời gian.

“Thời gian/ Chiếc gương bí ẩn mở ra chầm chậm/ Ta thấy mình đi vắng quá lâu/ Những chuyến đi xa ngoài mình”. Người “đi vắng” khỏi chính mình, vậy đi đâu, đến đâu, về đâu? Và thời gian hẳn sẽ không còn chảy trôi như bình thường. Bởi lúc ấy “Ta chẳng thể tìm lại mình khi đối diện/ Chiếc gương trong sáng bụi mờ” (Gương thời gian). Gợi đến những câu thơ siêu thực của Paul Éluard (Pháp, 1895-1952) “Xua tan ngày tháng/ Soi cho người đàn ông thấy hình ảnh thoát khỏi vẻ ngoài của mình” (Tấm gương của khoảnh khắc). Cõi không-thời-gian nào, để người đàn bà làm thơ có thể điềm tĩnh tự biết “Ta đã ra ngoài ngày ấy/ Nhìn sâu trong suốt một màu” (Chạm vào ngày xưa)?

Lý thuyết cho rằng thời gian tuyệt đối không thể quan sát được. Nhưng với thi sĩ, hoàn toàn có thể. Đó có thể là sự chuyển động trong bất động “Ta giục ngựa trong khuôn gỗ/ Gập ghềnh nhưng chẳng nhấc chân” (Đèn kéo quân). Trong bài “Chạm vào mùa xuân”, mùa thời gian tưởng vẫn trôi chảy bình thường “Bốn mùa xoay như một giấc mơ…/ Bốn mùa đến rồi đi vội vã”, cho đến khi “Cánh chim trời ai thắt trên cao”. Một chữ ‘thắt’ bỗng làm sựng lại tất cả, một cú đảo chiều phi lý.

Nhìn những quả hồng treo cao, nhận ra “Kiếp người trôi qua/ Không đằng sau/ Không phía trước” (Quả hồng treo cao). Đứng trước pho tượng Chàm, thấy “Giấc mơ không về đá ngàn năm không tuổi/ Mà mơ về nơi không có giấc mơ” (Dừng nghĩ). Nhìn vào tờ lịch, thấy ngày là “chất keo không dính, chảy nhão nối từ giấc mơ này đến giấc mơ kia” (Tuần).

Nhưng cuối cùng, dù “Ta bỏ ta phiêu bạt đã lâu”, thì những chuyến phiêu lưu “đi xa ngoài mình” vẫn không thể kéo tác giả tuột vào cõi hư vô hoang lạnh, mà mở ra sự Trở-Về. Trở về với những buồn vui, thấp thỏm mà cũng ấm áp hy vọng của đời sống này, dẫu nhiều lúc mệt nhoài, đau đớn. 

Một sự trở về trầm tĩnh “Chiều tĩnh lặng qua giọt sương làm dấu/ Lòng chợt trong như bể nước mưa rào/ Vừa chứa đủ một chiều rất chật/ Lắng thanh âm ngày đã dần sâu” (Chiều tĩnh lặng). Để rồi người đàn bà ngồi khâu vá lại thời gian “Chỉ là nỗi nhớ mà thôi/ Em lần khâu từng khoảng cách/… Thôi đành em ngồi gỡ chỉ/ Khâu từng nỗi nhớ xa xôi/ Lặng im gió chạy bên hè/ Lặng im mũi khâu nhè nhẹ/ Lặng im thời gian tích tắc/ Chắp vào nỗi nhớ mong manh” (Ngồi khâu nỗi nhớ).

Cảm thức thời gian luôn xao xác bộn bề đem lại hương vị nữ tính riêng biệt cho thơ Võ Kim Ngân, qua những tập thơ chị đã xuất bản trước đó (Bông hồng ngủ quên, 1996; Nhặt mùi hương trầm đâu đây, 2005; Viết lúc sang mùa, 2010). Giờ đây, với Gương thời gian, Võ Kim Ngân đã tạo dựng cho mình một bảo-tàng-thời-gian với những dung diện, giao diện, chiều kích khác biệt không dễ nắm bắt. Chỉ phức cảm hiện đại mới có thể cho con người trạng huống không bình thường này “Đêm nghe sợi tóc âm thầm nhắc/ Thời gian vừa rảo bước qua đây/… Mà sao đi mãi ta chẳng gặp/ Thời gian để nói tiếng cảm ơn” (Sợi bạc).

TRẦN TUẤN

;
;
.
.
.
.
.