Học viết chữ trở lại các trường ở California

.

Bắt đầu từ năm nay, học sinh trong độ tuổi 6 đến 12 ở bang California (Mỹ) sẽ buộc phải học viết chữ, môn học vốn trước đó đã bị thờ ơ hoặc thậm chí là lược bỏ vì thói quen gõ máy lấn át. Theo đó, các em sẽ được dạy cách viết chữ liền nét (cursive), tức kiểu viết chữ mà các ký tự trong cùng một từ sẽ được viết liền lại với nhau.

Các em học sinh lớp 3 đang trong giờ học viết chữ tại thành phố Menlo Park, quận San Mateo, California, Mỹ. Ảnh: Bay Area News Group
Các em học sinh lớp 3 đang trong giờ học viết chữ tại thành phố Menlo Park, quận San Mateo, California, Mỹ. Ảnh: Bay Area News Group

Học khó mà vui

Đạo luật Assembly Bill 446 của California quy định môn học viết chữ sẽ được dạy cho 2,6 triệu học sinh lớp 1 đến lớp 6 trên toàn bang. Riêng môn viết chữ liền nét sẽ được dạy từ lớp 3 trở lên. Các chuyên gia cho rằng việc học viết chữ sẽ giúp tăng cường phát triển não bộ, nâng cao kỹ năng đọc hiểu và giúp luyện tập các cử động tay khéo léo hơn cho trẻ. Một số nhà giáo dục cũng đã nhận thấy giá trị hữu ích trong việc dạy trẻ đọc các tài liệu lịch sử cũng như những bức thư của gia đình được truyền lại từ những thế hệ trước - tất cả đều được viết tay.

Là giáo viên dạy từ lớp 4 đến lớp 6 ở Trường Tiểu học Orangethorpetaij Fullerton, cách thành phố Los Angeles khoảng 50km về phía đông nam, cô Pamela Keller chia sẻ, một số học sinh than thở môn học này khó, nhưng cô đã chuẩn bị sẵn câu trả lời cho các em. “Chúng tôi nói với các em là tuy khó nhưng nó sẽ giúp các em thông minh hơn, nó sẽ tạo ra những kết nối trong não bộ của các em, sẽ giúp các em tiến bộ hơn. Và rồi chúng cảm thấy phấn khởi vì mọi học sinh đều muốn mình thông minh hơn. Chúng muốn học”, cô Keller kể với Hãng tin Reuters.

Trong lần gần đây khi tới thăm thư viện trường, cô Keller kể có một em học sinh đã rất hứng thú khi nhìn thấy bức ảnh chụp Hiến pháp Mỹ viết năm 1787 vì nhận ra “Nó được viết tay!”.

Nhiều học sinh của cô Keller thừa nhận học viết chữ khó, nhất là chữ “z”, nhưng dù vậy các em vẫn rất thích viết. “Em thích lắm, vì em có cảm giác viết tay có gì đó “sang chảnh” và việc học các chữ mới thật vui”, em Sophie Guardia, 9 tuổi, học sinh lớp 4 chia sẻ.

Tương tự, các em học sinh lớp ba của cô Nancy Karcher cũng nói việc học viết rất vui. “Giờ thì em có thể đọc được chữ viết của mẹ em rồi”, một em nói với cô giáo. “Đó là bí mật của em”.

Chữ viết tay trở lại

Trong những năm qua, ở Mỹ cũng như nhiều nước, do sự phát triển và ngày càng phổ biến của máy tính và các thiết bị điện tử thông minh, chữ viết tay gần như bị lãng quên. Đơn cử như hồi năm 2010, trong văn bản công bố về các tiêu chuẩn giáo dục cốt lõi chung của Mỹ nhằm giúp học sinh chuẩn bị cho đại học, phần môn học viết đã bị lược bỏ.

“Họ đã dừng hoàn toàn việc dạy trẻ cách viết chữ. Các trường sư phạm cũng không chuẩn bị cho giáo viên về việc dạy viết”, bà Kathleen Wright, nhà sáng lập tổ chức phi lợi nhuận Handwriting Collective, phàn nàn.

Nhưng với nỗ lực vận động của nhiều chuyên gia, bao gồm cả các công trình nghiên cứu chứng minh vai trò rất quan trọng của viết chữ với sự phát triển của bộ não trẻ, chữ viết tay đang trở lại các trường học ở Mỹ. Theo bà Lauren Gendill, nhà nghiên cứu tại tổ chức National Conference of State Legislatures, California đã trở thành bang thứ 22 ở Mỹ yêu cầu học sinh học viết chữ trở lại, và là bang thứ 14 phê chuẩn một đạo luật về dạy viết chữ kể từ năm 2014 tới nay. Tính tới thời điểm này của năm 2024, đã có 5 bang của Mỹ đề xuất các đạo luật về dạy viết chữ.

Bà Leslie Zoroya, giám đốc dự án về nghệ thuật ngôn ngữ tại văn phòng giáo dục hạt Los Angeles, cho biết nghiên cứu đã chứng tỏ việc học viết chữ hỗ trợ nhiều kỹ năng liên quan giúp cải thiện sự phát triển của con người trong thời thơ ấu.

Bà giải thích: “Khi bạn viết chữ, bạn sẽ sử dụng nhiều mạng lưới thần kinh khác nhau hơn là khi gõ máy. Bởi thế nó sẽ tạo ra những đường dẫn truyền thần kinh đó trong não bạn. Nó cũng giúp ghi nhớ thông tin, nhớ cách thức tạo ra các chữ. Trong lúc bạn viết chữ, bạn sẽ nghĩ về âm thanh mà chữ đó tạo ra và cách nó kết hợp với chữ tiếp theo”.

ĐỖ DƯƠNG

;
;
.
.
.
.
.