1. Dày 504 trang, cuốn sách “Thực hành văn hóa tín ngưỡng Việt Nam” của tác giả Nguyễn Hạnh (NXB Trẻ, 12-2023) được độc giả và giới phê bình nhận xét là tựa sách giàu giá trị, đem đến cái nhìn sâu sắc về các phong tục, tập tục văn hóa tín ngưỡng của người Việt, cũng như giải thích cội nguồn, ý nghĩa và cách thực hiện những phong tục này. Qua đó, giúp độc giả hiểu được cặn kẽ vai trò to lớn của dịp lễ cổ truyền đối với nếp sống dân tộc, góp phần gìn giữ truyền thống không bị mai một. Cấu trúc cuốn sách gồm ba phần. Hai phần lớn nhất tập trung phân tích nhân sinh quan và vũ trụ quan trong đời sống tâm linh của người Việt, thể hiện qua các phong tục, tập quán.
Trong đó, các phong tục đón Tết và mừng năm mới chiếm phần quan trọng, vì gói ghém trong những nghi lễ là tầng tầng lớp lớp những niềm tin và quan niệm truyền thống. Đi vào từng tục lệ, tác giả phân tích từ khái niệm cho đến thực hành. Điều này giúp độc giả hiểu được cặn kẽ nguồn gốc và ý nghĩa của các tập tục. Sang phần thực hành, tác giả ghi rõ phương thức thực hiện các nghi thức và nghi lễ đó theo truyền thống dân tộc, dựa vào tư liệu là bài thơ, bài viết trong sách, báo, tạp chí xưa...
Cuốn sách được biên khảo cặn kẽ, với bề dày tư liệu, văn hóa và kinh nghiệm, được thực hiện bởi một nhà nghiên cứu tâm huyết, tư liệu quý giá cho độc giả tìm hiểu cội nguồn tín ngưỡng của người Việt.
2. Tác phẩm “Để trở thành nhà biên kịch phim truyện” của nhà văn Nguyễn Quang Lập (NXB Văn hóa - Văn nghệ, 12-2023) với khoảng 270 trang, đề cập đến những gì then chốt nhất, quan trọng nhất, cơ bản nhất để có thể ứng dụng thực hành được ngay: xây dựng ý tưởng, xây dựng chuyện phim, cấu trúc ba hồi, xây dựng nhân vật, tạo cảnh, thoại, soạn thảo văn bản và một số kịch bản để tham khảo. Điều mà nhà văn hướng đến cho nghề nghiệp này chính là “Để trở thành nhà biên kịch cần cả phông văn hóa và kỹ năng biên kịch” và một tác phẩm điện ảnh hay, trước hết ở kịch bản đắt.
Năm 2016, ông từng mở lớp biên kịch trực tuyến thu hút nhiều bạn trẻ, những nhà biên kịch tương lai rất quan tâm theo học. Điều đó chứng tỏ nhu cầu được học hỏi về lĩnh vực này là rất cao. Chính vì vậy, cuốn sách "Để trở thành nhà biên kịch phim truyện" của Nguyễn Quang Lập là cuốn sách cần thiết cho các nhà biên kịch tương lai hoặc những ai đang muốn tìm hiểu về nghề này. Nhất là khi sách về lĩnh vực này xưa nay khá ít và hầu hết là sách dịch.
Nói về cuốn sách này, nhà văn Nguyễn Quang Lập viết: “Tôi chỉ góp sức đưa đến cho các bạn những gì liên quan đến kỹ năng biên kịch, khó lòng đưa đến cho các bạn văn hóa xi-nê. Để có văn hóa xi-nê bạn hãy nhờ các cửa hàng sách, google và các cửa hàng băng đĩa. Cũng như việc đan rổ, tôi không dạy về văn hóa rổ, tôi chỉ bày cho bạn cách đan rổ. Nếu chỉ biết mỗi văn hóa rổ bạn sẽ không bao giờ biết đan rổ, nhưng nếu chỉ chúi mũi vào đan rổ mà không quan tâm tới văn hóa rổ bạn sẽ rất khó đan được một cái rổ đẹp”.
Độc giả thân thuộc chắc chắn biết nhà văn Nguyễn Quang Lập qua hàng loạt tác phẩm được xuất bản và tái bản trong những năm qua. Tuy nhiên, ông còn là tác giả của nhiều kịch bản điện ảnh xuất sắc trong đó với hai kịch bản phim "Đời cát" và "Thung lũng hoang vắng" ông được trao giải nhà biên kịch xuất sắc nhất trong Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 11 (2001).
MẪU ĐƠN