Tấm vé sum vầy

.

Tháng Chạp ùa về bằng đợt không khí lạnh. Ngoài đồng lúa còn chưa kịp bén rễ, trong chuồng lũ gà con chim chíp nép vào ngực mẹ. Bà Ân giục chồng quây thêm tấm bạt vào chuồng trại cho vật nuôi đỡ rét. Tối nào cũng vậy, khi xong xuôi mọi việc bà hay ngồi bấm ngón tay tính toán. Ông nhà hỏi có gì mà ngày nào bà cũng bấm ngon tay? Ờ thì… tính xem còn mấy ngày nữa thì Tết. Tính xem còn bao nhiêu khoản nợ mua bán lặt vặt trong năm cần phải trả. Tính xem ngày hai mấy Tết nên kéo cá đồng. Tính xem Tết này nên gói mấy cân gạo bánh, cần phải mua bán những gì. Tết mà, thiếu gì thứ phải tất bật lo toan. Bao nhiêu năm nay chỉ có cánh đàn ông là được thong thả, ít phải lo mấy chuyện bán mua. Ông Tâm dẹp gọn bộ cờ tướng sang một bên, rít một hơi thuốc lào, phả khói mù mịt ngoài sân. Ông thở dài bảo:

- Nhà có mỗi hai ông bà ăn uống là bao mà tính toán mệt đầu. Năm nay chắc chúng nó cũng chẳng về đâu. Tàu xe vất vả lại tốn kém.

- Cũng bốn năm rồi ông nhỉ? Nhà có mỗi đứa con gái, gả chồng xa thành ra hiu quạnh. Biết thế ngày xưa nghèo thì nghèo cũng phải đẻ thêm đứa nữa. Nhà người ta đứa này đi thì đứa khác lại về, nhìn mà thèm.

- Bà cứ nói thế chứ sau này muốn cũng có đẻ được đâu.

- Ừ thì… hồi ấy đói, ăn còn chả đủ ăn. Bố mẹ già đau ốm, con thì sài đẹn quấy khóc. Vợ chồng mình bảo nhau kế hoạch. Lúc đỡ vất vả hơn định đẻ thì trời không cho nữa. Âu cũng là cái số.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Bà Ân tính điện cho con hỏi xem Tết này có về không, nhưng ông ngăn lại. “Hỏi làm chi, nhỡ con không về được, nó buồn”. Những ngày cuối năm bà thường nhớ con cháu nhiều hơn. Lúc đi làm về mệt, ngồi ở ngoài hiên bà mường tượng ra đứa cháu ngoại lẫm chẫm tập đi trong một xóm trọ công nhân nào đó mãi tận Bình Dương. Nghĩ đến là thắt cả ruột gan, cháu sinh được gần một năm rồi mà bà ngoại chưa một lần được ẵm bồng thằng nhỏ trên tay. Có đêm nằm mơ giật mình tỉnh giấc, bà như nghe thấy tiếng Hoa gọi “mẹ ơi!” ngoài cổng. Lật đật mở cửa chạy ra, bà có thấy gì đâu ngoài gió.

Bà nằm nghe tiếng mọt kêu trong thớ gỗ, ký ức cứ lần lượt hiện về. Mười năm trước bà đổ bệnh, đau ốm triền miên. Lúc ấy Hoa vừa tốt nghiệp cấp ba, thương bố mẹ nhà nghèo vất vả nên theo dì vào tận Bình Dương để mưu sinh. Em gái bà có sạp hàng quần áo ở khu chợ công nhân đón cháu vào trông coi giúp. Định bụng để cháu va chạm khôn người, khi có tí vốn thì dì dạy cháu bán buôn. “Lo gì không sống được ở đất ấy chị ơi. Dân cư đông đúc, công nghiệp phát triển. Giàu nhà quê không bằng ngồi lê thành phố”. Lúc nhìn chiếc xe khách chở theo đứa con gái còn non dại của mình trôi đi trên đường cao tốc, nước mắt bà không ngừng chảy. Suốt bao đêm cứ nhắm mắt bà lại nghe thấy tiếng con dặn văng vẳng bên tai: “Mẹ ở nhà giữ gìn sức khỏe. Con đi làm sẽ gửi tiền về phụ mẹ thuốc thang. Người ta sống được con cũng sống được, mẹ đừng lo”. Nhưng có người mẹ nào để con rời xa tầm mắt mình mà không thấp thỏm âu lo…

Người tính không bằng trời tính. Làm ăn khó khăn, sạp quần áo của em gái bà phải đóng cửa để chuyển hướng kinh doanh khác. Hoa không trở về quê mà xin vào làm công nhân trong khu công nghiệp Bình Đường. Bà gặng hỏi mới biết con gái mình đã có người yêu trong đó, hai đứa xác định sẽ gắn bó lâu dài. Hôm nghe con nói bà khóc suốt mấy ngày. “Có con mà gả chồng xa. Trước là mất giỗ, sau là mất con”, các cụ nói cấm có sai. Bà tính vay tiền vào trong Nam một chuyến lôi con về bằng được. Ấy thế mà bà bị ông nhà cản lại “thôi cấm đoán làm gì, tội nghiệp con”. Cùng cảnh nhà nghèo, đám cưới hai đứa được tổ chức gọn gàng, đơn giản. Ai cũng nói giờ tàu xe thuận tiện rồi, chẳng nhiều nhặn thì năm nào cũng về thăm nhà được một lần. Thật ra trong thâm tâm bà biết đồng lương công nhân ít ỏi, trăm thứ chi tiêu, sẽ có lúc muốn về mà không về được. Nhưng bà không nghĩ sau đám cưới của tụi nhỏ, bốn năm sau bà chưa được gặp lại con mình.

Suốt hai năm dịch bệnh, ông bà ở nhà thấp thỏm cầu trời khấn Phật mỗi ngày. Hết dịch cũng là lúc kinh tế khó khăn nên các con phải ổn định cuộc sống, đi làm trở lại. Xa xôi thương con đủ mọi bề, nhất là lúc Hoa có bầu, sinh con mà không có mẹ ở bên. Bà chẳng biết làm gì ngoài thỉnh thoảng gửi cho cháu vài bộ quần áo, ít ngũ cốc để ăn dặm, vài loại lá phơi khô để tắm. Mấy năm nay bệnh đau nhức xương khớp hành bà đến khổ. Nhiều hôm đi lại khó khăn, nhưng mảnh sân trước nhà hiếm ngày nào không có nong, nia phơi phóng. Mùa măng phơi măng. Mùa lạc phơi lạc. Thấy con kêu thèm bánh sắn, bà sỡ sắn xay bột phơi trắng cả sân. Trong căn bếp có một chiếc hòm gỗ, bà đùm túm đủ thứ cất đi, cái gì cũng bảo “để dành phần chúng nó. Biết đâu Tết chúng về”.

Lúc bà đang cặm cụi cắt lá dong bán cho lái buôn thì điện thoại kêu inh ỏi trong nhà. Lật đật chạy vào, thấy số của con gái bà mừng rỡ hỏi:

- Cả nhà khỏe không con? Mấy hôm nay cu Bin của bà biết làm gì rồi?

- Dạ khỏe! Cu Bin của bà siêu lắm, lon ton chạy ngoài sân. Ở nhà Tết đến đâu rồi mẹ?

-Thì túc tắc. Tết năm nào chẳng vậy. Dưa hành, bánh chưng, mứt kẹo, giàu nghèo gì cũng vậy à. Giờ bà chỉ mong cu Bin về là Tết đủ đầy.

- Thế thì Tết này cu Bin về ăn Tết với bà. Bà nhớ gói thêm nhiều bánh chưng vào nhé.

Mừng quá bà quýnh quáng quên cả đám lá dong đang cắt dở ngoài vườn. Ông đang ra thăm đồng, bà gọi điện dặn nhớ tạt qua đồng Mười xem người ta tát cá. Có con cá quả, mớ tôm nào to thì mua về bỏ tủ Tết Bin về nấu cháo. Ông tưởng mình nghe nhầm còn hỏi lại “Tết năm nay tụi nó về thật hả bà?”. Thật! Thật chứ. Nghe nói con bà là một trong số những công nhân được lãnh đạo Liên đoàn Lao động tỉnh tặng vé máy bay khứ hồi về quê ăn Tết. Thế thì con gì bằng, chân quần thấp chân quần cao ông đạp xe đi tắt qua đồng Mười. Tiếng xe đạp khô xích kêu lạch cạch, ông dướn người đạp cố. Ông phải đi thật nhanh, kẻo người ta đến trước mua hết cá ngon. Cứ nghĩ đến thằng cháu ngoại mụ mẫm, thơm tho là ông chẳng thấy mệt mỏi gì.

Nói với qua hàng rào, bà đã kịp khoe với hàng xóm bốn bề chuyện Tết này con cháu về đông đủ. Ai nghe cũng vui lây, chỗ hàng xóm láng giềng họ đâu lạ cảnh hai ông bà lủi thủi vào ra lúc nhà người ta quây quần đầm ấm. Người dặn “nếu không có gà ngon cứ sang tôi mà bắt. Gà nhà tôi chỉ ăn ngô với lúa lại chạy bộ quanh năm, thịt ngọt mà dai lắm”. Người bảo “để hôm này lên chùa tôi xin cho thằng Bin chiếc vòng dâu tằm, để đêm thằng nhỏ ngủ ngon. Trẻ con mà, lạ chỗ hay khó ngủ”. Bà phấn khởi tất bật dọn nhà suốt mấy ngày. Đến cái sân gạch trước nhà ông cũng rửa sạch trơn để thằng cháu ngoại về thao hồ lê la, nô đùa mà không sợ bẩn. Bà giục ông phun thuốc muỗi trước mấy ngày “thịt da thằng nhỏ thơm, lũ muỗi dễ gì tha”. Ăn uống chẳng là bao mà thứ gì mà cũng làm dư ra vì sợ thiếu. Mùi mứt Tết bay ra từ căn bếp suốt từ hai ba Tết. Đám cúc vàng, sao nhái nở tưng bừng, sáng cả ngôi nhà cũ kỹ màu thời gian. Đống chăn chiếu được bà ngóng ngày nắng mang ra giặt giũ phơi phóng thơm tho. Chưa năm nào bà lại mong Tết đến nhanh như vậy. Còn vài ngày nữa thôi nhưng bà vẫn giữ thói quen bấm ngón tay tính đếm. Hoa điện về bảo:

- Đồ đạc nhiều quá lại vướng con nhỏ nên con chẳng mua sắm được gì.

- Ối dào! Cứ mang thằng Bin về đây. Ông bà chỉ mong được ôm hôn cái món quà to đùng ấy thôi. Chứ bây giờ chợ quê đầy đủ hết, nhà mình Tết nhất cũng đơn giản, đâu cần mua sắm gì nhiều.

Ngày nào ông bà cũng xem chương trình thời sự. Cứ xem cảnh lãnh đạo công đoàn tiễn công nhân về quê ở bến xe, ga tàu là bà lại rưng rưng nước mắt. Chỉ có ai bươn trải mưu sinh xa nhà mới hiểu được chuyến xe về nhà luôn đáng quý. Nghe nói những công nhân được tặng vé tàu xe, máy bay đều có hoàn cảnh khó khăn, quê nhà ở xa, nhiều năm không về thăm gia đình. Qua màn ảnh tivi bà thấy được niềm hạnh phúc lấp lánh trong đôi mắt những người công nhân. Bà thấy đâu đó hình ảnh con mình tay xách nách mang, vui vẻ chia tay những người đồng nghiệp. Hình ảnh đứa cháu nhỏ ôm chặt lấy cổ mẹ giữa chốn đông người, tàu xe chen chúc. Ông nhà bảo cũng may con cháu mình được hỗ trợ vé máy bay đi lại nhanh hơn. Chứ chen chúc tàu xe từ Nam ra Bắc thì thằng bé làm sao chịu nổi. Nhắc mới nhớ, bà lật đật ra vườn hái sẵn nắm lá tắm. Cũng phải mua thêm cái khăn, cái chậu mới cho thằng cháu ngoại. Trẻ con là phải sạch sẽ không nó nổi mẩn ngứa quấy khóc thì tội lắm.

Trước đêm cả nhà con gái lên máy bay bà không tài nào chợp mắt. Thắp nén nhang cầu mong ông bà tổ tiên phụ hộ cho chuyến bay bình an rồi bà ra sân ngồi trông nồi bánh cùng ông. Đổ thêm nước vào nồi bánh chưng, ông tiện tay cời than nướng thêm vài củ khoai. Hai mái đầu bạc ngồi ôn lại chuyện xưa, về những cái Tết khi con còn thơ nhỏ. Cả nhà quây quần trông nồi bánh. Con vùi trong chiếc chăn bông trấn thủ ngủ một giấc ngon lành, trên miệng còn nhọ nhem vì ăn khoai, sắn nướng. Mới đấy mà mấy chục năm đã trôi qua. Đời người như giấc mộng phải không bà? Phải! Phải! Một giấc mộng nghèo nhưng đẹp ông ha? Tối mai con cháu mình về đến nhà rồi.

***

Ông bà ra đường lớn đứng đợi từ chiều, nhìn từng chuyến xe khách ngược xuôi trôi qua trước mặt. Bài hát xuân rộn ràng vụt qua, vẳng lại khiến lòng bà càng thêm chộn rộn. Chiều dần buông xuống, thấp thoáng những cánh chim vội vã bay về tổ. Chỉ một lúc nữa thôi một làn sương mỏng sẽ trùm xuống bao phủ nơi này ủ xuân trong cái lạnh se sẽ còn sót lại của mùa đông. Một chiếc xe khách đang chầm chậm dừng lại trước mặt ông bà. Bước xuống xe là bóng dáng quen thuộc của đứa con bao ngày xa cách. Bà chạy lại đỡ lấy thằng cháu ngoại, vùi đầu vào ngực nó mà hít hà mùi da thịt thơm tho. Thằng nhỏ mếu mếu, cười cười, nhận ra người bà vẫn thường nựng nịu nó qua màn hình điện thoại. Hoa ôm lấy bờ vai gầy gò của bố không giấu nổi những giọt nước mắt vừa vui mừng vừa xa xót. Có trải qua những ngày tháng dịch bệnh co cụm phương xa, đau đáu nghĩ đến quê nhà mới hiểu được niềm xúc động dâng lên trong lồng ngực của Hoa. Anh con rể chứng kiến cuộc sum vầy thắt lòng thương vợ. Anh nhớ đến một buổi tối mưa gió trở về sau ca làm, thấy vọng ra từ căn nhà trọ vàng vọt ánh đèn những câu ca buồn bã: “Chồng gần không lấy, em lấy chồng xa, Giờ đây nhớ mẹ thương cha, Còn đâu mà thong thả đi về nhà thăm…”. Bà vỗ về thằng nhỏ trên tay, giục mọi người về nhanh không sương xuống.

Thấy con rể đặt lên bàn thờ giỏ quà mang từ miền Nam về, bà chặc lưỡi bảo:

- Mẹ đã dặn không phải mua bán gì từ trong đó cho vất vả. Ở ngoài mình ra quán tạp hóa đâu có thiếu.

- Đây là phần quà của công ty con gửi về cho gia đình ăn Tết. Ngoài quà Tết còn có thêm phong bao lì xì. Nhưng quý hơn cả vẫn ở chỗ tấm lòng mẹ ạ. 

- Con nó nói đúng đấy. Con mình học hành cũng chỉ hết cấp ba, giờ có công ăn việc làm ổn định đã mừng. Giờ lại thấy lãnh đạo công ty quan tâm, chăm lo đời sống công nhân trong dịp Tết chu đáo thế này thì còn gì bằng. Tôi với bà cũng thấy yên tâm.

- Hôm được tin hai vợ chồng được tặng vé máy bay miễn phí, con mừng phát khóc. Cuộc sống sinh hoạt cũng nhiều khoản chi tiêu, cả năm chẳng dành dụm được là bao bố ạ. Nhiều khi muốn mua vé về quê mà lại sợ tiêu đi khoản để dành nhỡ vợ chồng con cái ốm đau biết phải làm sao. Tụi con gọi đây là tấm vé sum vầy. Tết năm nay có hàng nghìn công nhân được đoàn tụ với gia đình nhớ tấm vé sum vầy đấy ạ.

Mưa xuân lất phất rơi xuống mảnh sân nhỏ trước nhà, đánh thức cây đào già giật mình bung nụ. Bữa cơm sum họp sau bốn năm xa cách ấm cúng, rộn rã tiếng nói cười. Thằng nhỏ dồn chú mèo chạy quanh nhà, va cả vào ấm chén, chậu hoa, liểng xiểng. Ông già cười bảo “kệ đi. Tết mà ngăn nắp, yên tĩnh quá nhiều khi cũng thấy buồn. Chẳng mấy khi tết nhà mình lộn xộn và dư dả âm thanh đến vậy. Phải đông đủ cháu con mới thấy Tết ùa về…”.

VŨ THỊ HUYỀN TRANG

;
;
.
.
.
.
.