UBND thành phố Đà Nẵng vừa phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó, có một số nội dung về việc sử dụng đất tại khu vực các phân khu: công nghệ cao, đô thị sườn đồi, đổi mới sáng tạo, ven vịnh Đà Nẵng, cảng Liên Chiểu, trung tâm lõi xanh… Điều đáng chú ý là sau điều chỉnh sẽ tăng thêm nhiều diện tích đất cho cây xanh.
Cũng như nhiều thành phố lớn khác, do tốc độ đô thị hóa quá nhanh nên việc quy hoạch các mảng xanh đô thị và các khu vui chơi công cộng của Đà Nẵng còn thiếu tầm chiến lược. Một số tuyến đường khu vực trung tâm ít cây xanh. Theo thống kê mới nhất, tỷ lệ cây xanh ở Đà Nẵng hiện nay chỉ đạt 2,53m2/người so với yêu cầu quy chuẩn là 6m2/người. Mục tiêu của Đà Nẵng là hướng đến xây dựng thành phố môi trường, nhưng trên thực tế thì mật độ cây xanh hiện có chưa đạt được một nửa so với yêu cầu.
Trong đề án xây dựng thành phố môi trường, Đà Nẵng đặt ra mục tiêu đến năm 2030 phải đạt được tiêu chí tỷ lệ cây xanh công cộng ít nhất 9,2m2/người. Do vậy, yêu cầu trước mắt trong quy hoạch là phải bảo đảm phần đất cho công viên, cho việc trồng cây xanh. Liệu Đà Nẵng có đạt được tiêu chí đặt ra để thành phố ngày càng đông dân này giảm bớt tình trạng “thừa nắng, vắng cây”?
Trước nhu cầu phủ xanh đô thị, các quận, huyện trên địa bàn thành phố trong những năm qua đã huy động người dân và các đoàn thể, doanh nghiệp, đơn vị cùng chung tay trồng cây xanh tại các khu dân cư, công viên và các địa điểm công cộng. Chủ trương xã hội hóa trồng cây xanh là giải pháp được các địa phương đưa ra để kêu gọi cộng đồng cùng chung tay góp sức trong việc tạo thêm các mảng xanh đô thị, tăng thêm mật độ cây xanh tại các địa phương và từng bước cải thiện cảnh quan, diện mạo đô thị. Với cách làm tích cực này, quận Sơn Trà có hơn 100 cây hoàng lan, sấu, thàn mát và cây ăn trái được trồng tại các công viên, vườn dạo, nhà văn hóa phường...
Thực hiện đề án một tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025, các quận Liên Chiểu, Ngũ Hành Sơn, Hải Châu, Thanh Khê… cũng đang tích cực huy động nhân dân và các cấp, các ngành chung tay thực hiện xã hội hóa trồng cây xanh để thay đổi cảnh quan, tạo cho môi trường sống mỗi ngày một trong lành hơn. Mới đây đã có hơn 1.000 cây xanh được trồng mới trong khu công nghiệp Hòa Khánh (quận Liên Chiểu).
Đồng thời với việc huy động toàn dân cùng chung tay tăng thêm mảng xanh đô thị, việc điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung thành phố tại nhiều khu vực, tăng diện tích đất cây xanh cũng là tín hiệu tích cực để Đà Nẵng ngày một thêm xanh. Theo đó, thành phố không thay đổi đất trường THPT, đất dịch vụ công cộng cấp đô thị tăng khoảng 4ha, đất cây xanh công cộng đô thị tăng 13ha, đất trung tâm y tế tăng 2ha, đất đơn vị ở mới giảm 11ha. Khu vực cây xanh mặt nước tuyến kênh thoát nước Hòa Liên cũng được tổ chức, phân bố lại. Và đất cây xanh sử dụng công cộng cấp đô thị tăng khoảng 9ha, đất cây xanh chuyên dụng tăng khoảng 11ha... Tương tự, khu vực phân khu đô thị sườn đồi (457ha) cũng tăng thêm không gian xanh. Sẽ tổ chức, phân bổ lại 3 vị trí hồ nước, bổ sung thêm các không gian cây xanh...
Còn trong nội dung điều chỉnh cục bộ quy hoạch của phân khu đổi mới sáng tạo, điều chỉnh đất dịch vụ công cộng đô thị thành đất cây xanh sử dụng công cộng đô thị kết hợp bãi đỗ xe ngầm tại khu đất phía tây bắc đường dẫn cầu Nguyễn Tri Phương - đường Thăng Long. Đồng thời, phân khu ven vịnh Đà Nẵng cũng bổ sung đất cây xanh để mở rộng quảng trường trung tâm khu vực tây bắc...
Với những chủ trương tích cực và quyết liệt của thành phố trong việc đầu tư hơn 673 tỷ đồng để nâng cấp, cải tạo công viên 29 Tháng 3, điều chỉnh quy hoạch nhằm tăng thêm mảng xanh đô thị, tăng thêm đất dịch vụ công cộng, bổ sung đất trồng cây xanh và huy động toàn dân cùng chung tay với thành phố để trồng thêm cây xanh. Với cách làm đồng bộ này của chính quyền thành phố sẽ từng bước thay đổi diện mạo đô thị và giảm bớt áp lực bê-tông hóa, để Đà Nẵng ngày càng thêm xanh.
HOÀI GIANG