Dọn dẹp tâm trí chính là bước khởi đầu để chữa lành những tổn thương, nứt vỡ. Công việc ấy cần được thực hiện thường xuyên, chậm rãi như đang dọn lại một khu vườn. Bên cạnh việc bỏ đi những dây leo, cỏ dại gây ngổn ngang, ảnh hưởng, thì ta cũng cần từ tốn để giữ nguyên vẹn vẻ đẹp của những bông hoa.
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG |
“Những gì đẹp nhất thường không được nhìn thấy bằng mắt thường mà bằng trái tim”. Khi tuổi đời càng già đi, tôi càng ngộ ra câu nói ấy đúng. Tôi đã có những buổi chiều ra ngồi ở công viên. Từ bên này bờ nước, phóng tầm mắt ra xa, bên kia là những tàng cây xanh, những cột đèn đường, những tòa nhà, đại lộ… Có khi, dù không nhìn thấy rõ, nhưng tôi biết đâu đó còn có cả những khu vườn. Những khu vườn ngát hương hoa và rộn tiếng chim.
Những khu vườn ấy có thể là tôi đã từng có dịp đi qua, quan sát. Màu sắc, bối cảnh, các tàng cây được trồng như thế nào đều đã được tôi ghi lại đầy đủ trong bộ nhớ. Sau này, chỉ cần nhắc đến thì bức tranh màu xanh nền nã và đầy tĩnh lặng ấy sẽ tự động hiện ra thật tươi mới dưới ánh nắng chan hòa.
Khu vườn nhà tôi theo thời gian, các loài cây lại càng được ông bà gieo trồng, đan xen hợp lý. Cả ông và bà tôi đều không còn ôm đồm như ngày trẻ, kiểu mỗi lần đi rừng, đi rẫy thấy cây gì đẹp, lá thuốc gì nghe người ta đồn phòng bệnh hay cũng mang hết về nhà rồi giâm vào hàng rào, chen vào khoảnh đất choán hết những lối đi. Ông bà tôi đã nhận ra, một khu vườn đẹp thật sự là một khu vườn không những có đầy đủ các loại cây trái khi cần mà còn phải thông thoáng, quang đãng.
Bên cạnh việc bón phân, chăm nụ, bà tôi đã biết mạnh dạn loại bỏ đi những gộc cây già, những loài cây không có nhu cầu sử dụng đến. Còn ông, những buổi chiều tiết trời khô ráo, có những cơn gió nhẹ thoảng qua, ông hay cầm một chiếc sào dài có gắn lưỡi liềm ở ngọn rồi rảo quanh vườn kiểm tra, xem xét. Ông sẽ chọc xuống những chùm lá, cành tán đã bị héo, khô. Những tàu lá chuối màu vàng đất thơm thoảng mùi thảo mộc khô, những cành đu đủ ngả vàng, những cành khế già bắt đầu có dấu hiệu khô ngọn được ông tấp hết vào một gò đất cao rồi châm lửa đốt. Khói và hương thơm từ đám lá khô theo gió loang ra càng khiến khu vườn thêm thơm tho, quyến rũ, ấm cúng bất ngờ.
Thời gian trôi qua, tôi dần rời xa khu vườn ấu thơ nơi mình từng quấn quýt. Những lúc bề bộn, tôi thường nhớ đến những buổi chiều mình được quấn chân ông bà sắp xếp, dọn dẹp lại khu vườn. Rõ ràng, cây cối, đất đai, vườn tược là những kho tàng của thiên nhiên, mỗi thứ đều có quy luật, nhịp thở, vẻ đẹp của riêng mình. Nhưng để vườn, để cây hòa điệu được với nhịp sống con người thì phải có sự chăm sóc, vun xới.
Một khi cây cối xanh tươi, hoa trái nảy lộc, chiếc bờ rào duyên dáng hé những nụ xinh thì những điều tốt đẹp cũng cứ thế mà kéo nhau trở về nương náu. Là những đàn chim ríu ran sớm mai, những chú ong vàng, bướm trắng, là tiếng bước chân và cười đùa không ngớt của đám trẻ nhỏ vang lên trong mỗi buổi chiều tà.
Trên một tờ lịch mà tôi từng đọc có câu : “Người có khả năng dọn dẹp tâm trí là người sẽ sống hạnh phúc”. “Dọn dẹp tâm trí” bao gồm những gì, cần được thực hiện như thế nào? Có lẽ cũng như khi dọn một khu vườn. Trước khi bắt tay vào giải phóng, loại bỏ, ta cần chậm rãi ngồi xuống để kiểm đếm, quan sát lại thật kỹ những gì thừa, thiếu, những gì sẽ thực sự thiết thân.
Dọn dẹp tâm trí chính là bước khởi đầu để chữa lành những tổn thương, nứt vỡ. Công việc ấy cần được thực hiện thường xuyên, chậm rãi như đang dọn lại một khu vườn. Bên cạnh việc bỏ đi những dây leo, cỏ dại gây ngổn ngang, ảnh hưởng, thì ta cũng cần từ tốn để giữ nguyên vẹn vẻ đẹp của những bông hoa.
Khi vườn được dọn xong rồi, ý thức thế nào là một khu vườn đẹp đã được định vị, thì dù cho xuân qua, hè tới, hành trình phía trước có khúc khuỷu, ngoằn nghèo đến đâu cũng chẳng còn làm ta phân tâm, rối trí.
Ta đã biết cách để khu vườn bên trong luôn ngát hương và rộn tiếng chim.
DIỆU THÔNG