Đối với người dân thành phố Đà Nẵng, tháng Ba là tháng vang vọng khúc khải hoàn ca chiến thắng, của niềm tự hào dâng trào. Bởi lẽ, tháng Ba năm ấy - ngày 29-3-1975, lá cờ của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam đã tung bay trên nóc Tòa thị chính Đà Nẵng, đánh dấu thời khắc thành phố hoàn toàn giải phóng, mở ra một cuộc sống mới với từng bước phát triển bền vững.
Để có được một Đà Nẵng phát triển, không chỉ có sự tận tâm, tận lực của đội ngũ chính quyền các cấp, mà mỗi người dân thành phố đã cùng đồng lòng, chung tay, góp sức tạo nên thương hiệu “đáng sống”. Ảnh: XUÂN SƠN |
Đến ngày 1-1-1997, sau khi được chia tách từ tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng, thành phố Đà Nẵng như được “khai sinh” lần thứ hai, trở thành đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương, đánh dấu quá trình chuyển mình với nhiều đổi thay kỳ diệu của thành phố bên bờ sông Hàn.
Trong ký ức của những người dân đã gắn bó với thành phố này, vẫn còn hình ảnh của những căn nhà chồ nhếch nhác ven sông, những con đường chật hẹp, chưa được quy hoạch bài bản, rõ ràng và nhiều nơi đang phải đối diện với vấn nạn ô nhiễm môi trường… Cuộc sống ở bờ đông và bờ tây sông Hàn khi ấy còn nhiều khác biệt, phát triển chưa đồng bộ, sự kết nối chủ yếu lúc bấy giờ chỉ là những chuyến phà qua sông. Thế nhưng, chỉ sau hơn 25 năm xây dựng và phát triển, thành phố Đà Nẵng đã khoác một tấm áo mới, khang trang, hiện đại và rực rỡ.
Theo thống kê, hiện không gian đô thị của Đà Nẵng được mở rộng gấp hơn 3,5 lần so với thời điểm năm 1997, từ 100 con đường với tổng chiều dài gần 300km vào năm 1997, đến nay đã có hơn 2.000 con đường, trong đó nhiều trục cảnh quan xứng tầm đô thị hiện đại với tổng chiều dài hơn 1.300km. Sông Hàn giờ đây đã trở thành điểm nhấn cho quần thể kiến trúc đô thị của thành phố với 6 cây cầu hiện đại bắc qua sông và nhiều công trình cao tầng lung linh, nhộn nhịp. Nếu đối chiếu hình ảnh những ngôi nhà tạm bợ trên mặt nước của cư dân làng chài sông Hàn trước đây với hình ảnh thực tế ngày nay, có lẽ ai cũng phải ngạc nhiên trước những gì mà chính quyền và nhân dân thành phố đã làm được trong suốt hơn 25 năm qua.
Để có được một Đà Nẵng phát triển, không chỉ có sự tận tâm, tận lực của đội ngũ chính quyền các cấp, mà mỗi người dân thành phố đã cùng đồng lòng, chung tay, góp sức tạo nên thương hiệu “đáng sống” cho thành phố biển miền Trung này. Đà Nẵng luôn thuộc nhóm địa phương dẫn đầu cả nước về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, Chỉ số cải cách hành chính, Chỉ số ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng thành phố thông minh và chuyển đổi số.
Nhiều chính sách an sinh xã hội thiết thực, mang đậm tính nhân văn, như chương trình thành phố “5 không”, “3 có”, “4 an” đã mang lại cuộc sống tốt hơn cho người dân, tô đậm thêm một Đà Nẵng tình người. Không những vậy, với bãi biển được bình chọn là một trong sáu bãi biển đẹp nhất hành tinh, nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng, là nơi tổ chức nhiều lễ hội văn hóa, nghệ thuật lớn, người dân thân thiện, gần gũi và tình hình an ninh, trật tự xã hội được bảo đảm, Đà Nẵng đã và đang trở thành một địa danh có sức thu hút lớn về mọi mặt đối với du khách trong và ngoài nước.
1975-2024 - 49 năm - một chặng đường gần nửa thế kỷ trong tiến trình phát triển, với Đà Nẵng, chừng ấy thời gian cũng đủ để vươn mình đứng dậy với một diện mạo hoàn toàn mới. Nghĩ về Đà Nẵng trong niềm hân hoan của ngày giải phóng tháng Ba, xen lẫn niềm tự hào là sự biết ơn, trân trọng những hy sinh của thế hệ cha anh, là những tâm nguyện kế thừa, đóng góp và cả những mong ước gửi trao cho thế hệ mai sau. Kể từ tiếng súng đầu tiên Pháp tấn công Đà Nẵng, mở đầu cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam cho đến những ngày tháng chiến đấu quả cảm của quân và dân trong cuộc kháng chiến chống Mỹ để bảo vệ sự vẹn toàn cho thành phố sông Hàn đều phải được khắc ghi trong tâm trí mỗi người, để nhắc nhớ phải biết sống và cống hiến một cách xứng đáng cho mảnh đất anh hùng. Với những gì Đà Nẵng đã làm được, thế hệ sau này càng có cơ sở để tin tưởng rằng, lựa chọn gắn bó với Đà Nẵng là đúng đắn và chung tay gìn giữ, phát triển Đà Nẵng là nghĩa vụ của mỗi người dân thành phố. Có như vậy, Đà Nẵng mới tiếp tục có những bước phát triển lớn mạnh, như chính cái tên của thành phố bắt nguồn từ ngôn ngữ Chăm ngày xưa: Đà Nẵng - con sông lớn.
Tại lễ công bố Quy hoạch thành phố Đà Nẵng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (do UBND thành phố Đà Nẵng tổ chức vào ngày 25-11-2023), Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà bày tỏ niềm tin “Đà Nẵng sẽ tiếp tục đạt được kỳ tích trong phát triển bởi tinh thần đoàn kết, năng động, sáng tạo của Đảng bộ, chính quyền và khát khao vươn lên của nhân dân”. Khó khăn còn nhiều, thử thách có lẽ không ít, nhưng với truyền thống đồng thuận của chính quyền và nhân dân thành phố trong suốt chiều dài lịch sử hình thành và phát triển, chắc chắn rằng, mục tiêu xây dựng một Đà Nẵng thành đô thị sinh thái, hiện đại, thông minh và đẳng cấp không còn xa.
ĐỖ LAN HƯƠNG