Mới rồi, tôi cùng các đồng nghiệp ở phía Nam có dịp đi thực tế một chuyến vòng cung Tây Bắc, dừng chân ở các tỉnh Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Yên Bái. Một chuyến đi ngắn ngày mà qua tới 5 tỉnh trong điều kiện đường xá xa xôi, khó đi là vô cùng gấp gáp, gần như chỉ “cưỡi ngựa xem hoa”, gần như chỉ ngó nghiêng kiểu như mình đã đặt chân tới, từng đến địa phương cụ thể nào đó trong những câu chuyện, kỷ niệm gợi nhắc sau này.
Thế nhưng, dù chỉ là thoáng qua, là “cưỡi ngựa xem hoa”, nhưng không vì thế mà thiếu đi những cảm nhận, nghĩ suy đậm sâu trong mỗi người, về cảnh quan, con người, vùng đất, văn hóa, ẩm thực, về sự khó khăn trong đi lại, công cuộc mưu sinh nhọc nhằn… Đôi khi, những thoáng qua nhìn ngó, hỏi han chuyện trò, cảm nhận cũng để lại những dư vị đậm sâu, dài lâu, thậm chí là mãi mãi trong quãng đời còn lại của mỗi người.
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG |
Ví như một câu chuyện nho nhỏ sau đây. Khi xe vừa đi hết con dốc từ bản Nậm Nghiệp, xã Ngọc Chiến, huyện Mường La, tỉnh Sơn La xuống, anh bạn đồng nghiệp buột miệng rằng, “nãy giờ chỉ sợ xe lăn xuống vực”. Đúng là “phỉ phui cái mồm”, may mà lời nói phát ra khi xe đã qua đoạn đường khó nhất, qua cái vực sâu hun hút thoạt trông đã rợn người, bủn rủn tay chân, có thành viên không dám nhìn. Nhưng ai trong đoàn cũng có cảm giác âu lo thót tim ấy, dù bác tài là người có kinh nghiệm gần 40 năm cầm vô-lăng, đã qua hết cả những cung đường Tây Bắc hùng vĩ.
Tất nhiên, chính bác tài sau đó cũng thừa nhận rằng, nếu mà trời mưa, đường trơn trượt thì không dám đi, vì quá mạo hiểm. Chỉ nghĩ đến đường đất lầy thụt, không bám bánh xe thôi, tài xế có kinh nghiệm đến mấy cũng không thể liều lĩnh đánh cược số phận của cả đoàn. Lần đổ đèo đầy mạo hiểm, hết sức cẩn trọng ấy hay cả cung đường rất xấu từ xã Ngọc Chiến lên bản Nậm Nghiệp ấy chắc chắn sẽ còn lưu lại trong tâm trí các thành viên trong đoàn.
Hay một chuyện thoảng qua ấn tượng khác, ấy là khi về qua đèo Khau Phạ trên quốc lộ 32 dài hơn 30km, thuộc địa phận giữa 2 huyện Văn Chấn và Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái, thời tiết mù đặc quánh, tầm nhìn chỉ chừng 2km, xe phải bật đèn giữa ban ngày. Đã thế, bác tài còn phải nhờ người ngồi ghế trên vào Google Maps để xem đường cho biết trước sẽ rẽ trái hay rẽ phải mà đi cho chắc. Xe đi chậm như bò. Ai cũng ồ lên, vừa thích thú, vừa âu lo. Nhiều người lần đầu tiên được đi trong điều kiện mù mịt trắng xóa ấy mới thấy hết cảm giác sung sướng, thích thú, mạo hiểm. Thế nên, ấn tượng để lại chắc chắn thật khó mờ phai.
Tháng Ba, mùa Tây Bắc nhiều lễ hội, thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước. Tôi đoan chắc rằng, không ít người cũng đi kiểu thoáng qua như vậy, thậm chí đến chỉ để check-in, chứ ít có thời gian ở lại, tĩnh tâm nghĩ suy sâu lắng về cuộc sống. Đó cũng là lẽ bình thường, bởi sự cách trở về địa lý, sự khó khăn về đường đi và sự bộn bề tất bật lo toan cuộc sống không thể thảnh thơi, thư thả nhẩn nha sống chậm, nghĩ chậm, hành động chậm. Mục đích sống, giá trị sống của mỗi người là khác nhau, đâu dễ phán xét. Chỉ biết rằng, hãy cứ bằng lòng với những gì mình có, để bớt đi những so bì, sân si đẩu đâu, diệu vợi chỉ như “mua dây buộc mình”, tạo thêm những áp lực không đáng trong cuộc sống.
Nhưng cũng có một điều chắc chắn nữa rằng, mỗi người đều có cho riêng mình những cảm nhận đậm sâu, trước những gì lần đầu tiên chứng kiến, gặp gỡ, trước những gì ấn tượng khó mờ phai, không dễ gặp lại, không dễ đến lần thứ hai trong cuộc đời. Để rồi, cứ mỗi khi nhắc đến địa danh, vùng đất, con người, kỷ niệm lại ùa về, như mới đâu đây, thật gần, thiết thân.
Mục đích sống, giá trị sống của mỗi người là khác nhau, đâu dễ phán xét. Chỉ biết rằng, hãy cứ bằng lòng với những gì mình có, để bớt đi những so bì, sân si đẩu đâu, diệu vợi chỉ như “mua dây buộc mình”, tạo thêm những áp lực không đáng trong cuộc sống. |
NGUYỄN TRI THỨC