Là địa phương đầu tiên cả nước tiên phong thực hiện đề án “Thành phố môi trường”, Đà Nẵng được kỳ vọng trở thành đô thị xanh bền vững nhờ tích cực thúc đẩy kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và xây dựng môi trường sống chất lượng, hài hòa với thiên nhiên.
Con hẻm nhỏ nhiều cây xanh ở Đà Nẵng. Ảnh: TRẦN ÁNH DƯƠNG |
Xanh hơn nhờ ý thức
Giữa sân nhà thơm lừng vỏ bưởi, vỏ cam, chị Trịnh Thị Hồng, Giám đốc Công ty TNHH MTV Công nghệ sinh học Minh Hồng, chậm rãi bốc từng vốc vỏ đầy ắp trên tay, thảy vô mấy cái xô nhựa rỗng. Đó là một ngày trời oi nóng, nắng đang ngả về phía tây. Trên sân, mấy loại vỏ rau, củ, quả sau một ngày trần mình dưới nắng đã ở bắt đầu héo, dậy mùi thơm, cũng là lúc nguyên liệu đạt đến độ hoàn hảo để bắt đầu ủ theo công thức làm xà phòng và các loại nước nhà bếp.
Công việc này đã theo chị Hồng hơn 10 năm, kể từ cơ duyên đưa chị đến gần hơn với rác thải hữu cơ. Trong suy nghĩ của người phụ nữ này, những củ, quả, thân, lá rau già…, vứt đi sẽ thành rác, nhưng nếu tái chế, sẽ trở thành nguyên liệu có thể sử dụng được.
Công thức sản xuất chế phẩm EM gồm xà phòng, nước rửa chén, nước lau nhà, nước giặt sinh học… của chị Hồng nghe qua khá đơn giản, ai cũng có thể làm được. Nhưng để có công thức chuẩn, người phụ nữ này đã mất 6 năm tìm tòi, nghiên cứu và bỏ qua rất nhiều cơ hội nghề nghiệp chỉ để trung thành vào rác. Theo lời kể, năm 2012, chị may mắn nhận lời mời tham gia hội nghị phát triển cộng đồng người nghèo khu vực châu Á tại Philippines.
Tại đây, chị được giới thiệu công thức làm chế phẩm sinh học từ rác nhà bếp và vỏ trái cây. “Lúc đầu, tôi chưa dám làm với vỏ rau, củ mà thử nghiệm trên quả trứng cá nhưng thất bại vì không nắm vững công thức. Nước ủ lúc bị thối, lúc bị đục, phải mày mò google mấy tháng mới ra thành phẩm có mùi thơm, mịn và tạo bọt tốt. Dù vậy, niềm vui không kéo dài lâu bởi lần đầu mang sản phẩm đến Trung tâm tiêu chuẩn đo lường chất lượng 2 đã bị “tuýt còi” vì chưa đạt yêu cầu. Mãi đến năm 2016, sau khi chuẩn hóa công thức 3 phần rác hữu cơ, 3 phần đường, 10 phần nước ngâm ủ trong 30 ngày, những sản phẩm của tôi mới đáp ứng đầy đủ tiêu chí của Bộ Y tế về tỷ lệ vi sinh vật hoại sinh, vi sinh vật phân giải xenlulô, vi sinh vật phân giải protein, tinh bột và độ pH. Kể từ đó, tôi mới mạnh dạn đưa sản phẩm ra thị trường”, chị Hồng chia sẻ.
Chị bộc bạch: “Cách đây vài năm, có đơn vị muốn mua lại công thức của tôi, họ ra giá 5 tỷ đồng nhưng tôi không bán, bởi nếu bán, hàng trăm phụ nữ nghèo mất đi nguồn thu nhập khoảng 5 triệu đồng/tháng/hộ từ Công ty Minh Hồng và dây chuyền thu gom, tái chế hơn 100.000 kg rác thải hữu cơ mỗi tháng phải dừng lại, như thế sẽ rất tiếc”.
Mô hình kinh tế tuần hoàn của chị Hồng không chỉ mang lại giá trị kinh tế, mà trở thành câu chuyện truyền cảm hứng về lòng kiên trì và quyết tâm biến rác trở thành nguồn tài nguyên có ích. Ông Đặng Quang Vinh, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, thành phố đang tập trung đầu tư, hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật thu gom và xử lý chất thải rắn, phân loại chất thải tại nguồn; trong đó, thúc đẩy các dự án tăng sản lượng từ năng lượng tái tạo, kinh tế tuần hoàn. “Mỗi cá nhân đóng góp vào nền kinh tế xanh sẽ giúp Đà Nẵng xanh hơn trong tương lai. Vì thế, chúng tôi luôn khuyến khích và kêu gọi người dân, bằng ý thức và khả năng của mình, cùng chung sức xây dựng thành phố xanh, sạch và có thiên nhiên, môi trường thân thiện, hài hòa với các tiện ích xung quanh”, ông Vinh kỳ vọng.
Xây dựng mạng lưới kinh tế xanh hơn, sạch hơn
Ông Hà Ngọc Thống, Giám đốc Nhà máy giấy Bao bì Tân Long (Khu công nghiệp Hòa Khánh), cho hay trước khi quyết định đưa doanh nghiệp vận hành theo hướng kinh tế tuần hoàn, ông và ban giám đốc trải qua nhiều cuộc họp, “nâng lên, đặt xuống” nhiều lần. Bởi lẽ, tất cả đều nhận định, thời gian đầu tiếp cận xu thế sản xuất này sẽ gặp nhiều khó khăn, lợi nhuận chắc chắn giảm, ít nhiều ảnh hưởng đến đời sống người lao động. “Sau gần 5 năm theo đuổi nền kinh tế tuần hoàn, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, điều tôi tâm đắc nhất là triết lý phế phẩm là tài nguyên. Hiện nay, mỗi ngày công ty sản xuất khoảng 70 tấn giấy thành phẩm, nhưng chỉ thải ra 1,5 tấn rác, chủ yếu băng keo có thể tái sử dụng”, ông Thống vừa nói, vừa nhẩm tính.
Xuyên suốt quá trình chuyển đổi sản xuất theo hướng tận dụng tài nguyên rác, tài nguyên tái tạo, điều ông Thống mong mỏi là Đà Nẵng sớm hoàn thiện hành lang pháp lý cho việc hình thành, phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn gắn với trách nhiệm của các thành phần trong nền kinh tế. Mặt khác, bên cạnh khuyến khích doanh nghiệp sản xuất xanh, Nhà nước cần nâng thuế đối với cơ sở, doanh nghiệp tiêu thụ những nguồn lực không thể tái chế, đồng thời ban hành thuế carbon nhằm hạn chế phát thải ra môi trường. Cũng theo ông Thống, kinh tế tuần hoàn sẽ không thể thành công nếu chỉ dừng lại từ phía nhà sản xuất, mà đòi hỏi cả phía người tiêu dùng, bởi khi tiêu dùng xanh phát triển, chắc chắn kinh tế xanh sẽ có cơ hội phát triển bền vững hơn.
Ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND thành phố khẳng định, Đà Nẵng đang bám sát mục tiêu trở thành thành phố tuần hoàn vào năm 2045. Đây là hướng đi khả quan bởi sau 5 năm triển khai, Đà Nẵng tiếp nhận hàng trăm giải pháp “sản xuất sạch hơn” từ doanh nghiệp, giúp mỗi năm tiết kiệm gần 15 tỷ đồng, khoảng 50.000m3 nước thải và trên 5.000 tấn CO2. Để thúc đẩy quá trình này, thành phố chủ động thiết lập mối quan hệ hợp tác và tiếp nhận sự hỗ trợ, đa dạng hóa kinh phí triển khai về môi trường, như tham gia dự án “Xây dựng nền kinh tế tuần hoàn bền vững cho rác thải nhựa tại Việt Nam” do Cơ quan phát triển quốc tế Đan Mạch (DANIDA) tài trợ thông qua tổ chức iDE giai đoạn 2022-2024.
Từ các thiết lập hợp tác chặt chẽ về môi trường với các thành phố Boras (Thụy Điển), Yokohama (Nhật Bản), Daegu (Hàn Quốc)…, Đà Nẵng đã thực hiện tốt việc khảo sát, đánh giá hiện trạng cửa hàng thu gom, cơ sở tái chế và hỗ trợ họ tham gia vào chuỗi cung ứng nhựa chính thức. Rất nhiều chính sách, đề án liên quan đến môi trường được thành phố triển khai, bước đầu mang lại hiệu quả khả quan. Đây là những nền tảng quan trọng để hướng tới Đà Nẵng xanh, mà ở đó, ý thức cùng hành động xây dựng thành phố xanh hơn, đẹp hơn, hài hòa hơn của mỗi người dân, mỗi tập thể, mỗi doanh nghiệp lẫn chính quyền địa phương là một mắt xích quan trọng và rất cần thiết.
HUỲNH LÊ