Để sông thêm lấp lánh

.

Hình như sông khác người, càng “có tuổi” sông càng mới. Bến sông ngày trước giờ không còn ai tắm, nhưng mát lành của dòng sông càng thêm thắm thiết, sáng chiều sông đầy đặn trong mỗi người dân, mỗi khi qua cầu ta thấy niềm tự hào của mình lấp lánh trên sông.

Sông Hàn độc đáo là vì nó chảy giữa lòng thành phố. Chính điều này làm nên vẻ đẹp ít có của dòng sông, và là niềm mơ ước của nhiều nơi. Ảnh: KIM LIÊN
Sông Hàn độc đáo là vì nó chảy giữa lòng thành phố. Chính điều này làm nên vẻ đẹp ít có của dòng sông, và là niềm mơ ước của nhiều nơi. Ảnh: KIM LIÊN

Nơi bắt đầu cho khát vọng

May mắn cho ai có tuổi thơ gắn bó với một dòng sông, bởi sông là nơi lưu giữ nhiều hoài niệm nhất của một đời người. Với tôi sông Hàn không chỉ là những bến bờ mà còn là dòng sông của kỷ niệm. Hình như đám con nít thuở ấy ở quận Nhất hay quận Ba cũng đều nhận sông Hàn là dòng sông của riêng mình. Con sông ấy như một trang giấy dài mà tuổi nhỏ của mình là những câu thơ in đậm những âm vang tha thiết.

Làm gì để phát triển cả một vùng Đông có biển có núi vào loại đẹp nhất? Cầu Sông Hàn thành người lĩnh xướng cho bản hợp xướng hùng vĩ đổi đời ấy.

Sông Hàn ngắn lắm, có lẽ là con sông ngắn nhất chăng? Dĩ nhiên là nó được nối từ những con sông Cẩm Lệ, sông Yên, Vu Gia, Thu Bồn… nhưng đoạn mang tên Sông Hàn dài chưa tới tám cây số. Ngắn nhưng độc đáo là vì nó chảy giữa lòng thành phố, và chính điều này làm nên vẻ đẹp ít có của dòng sông, và là niềm mơ ước của nhiều nơi. Có người nói thành phố mà có dòng sông chảy qua người dân hiền hòa hơn? Điều đó không rõ, nhưng chắc chắn với Đà Nẵng, sông Hàn là báu vật, nơi cuối sông đầu biển tạo nên vẻ đẹp lạ lùng. Có chút sang trọng quý phái nhưng cũng rất đỗi gần gũi thân quen. Sông chia thành phố thành hai bờ Đông và Tây. Mỗi bên bờ nuôi trong mình một khát vọng, là điểm nhấn cho sự nhớ và yêu.

Sông như dải lụa nối các cung đường và sẻ chia nỗi nhớ. Cá chuồn Đà Nẵng đi ngược lên để đổi lấy mít non gửi xuống, không chỉ nói lên sự hòa hợp khẩu vị mà còn thể hiện sự giao thương của nền kinh tế. Chợ Hàn là điểm cuối của sự giao lưu, sản vật bốn phương tụ về cái bến này để chuyển đi muôn nơi, và cũng từ cái bến sát chợ Hàn này, ta có thể theo thuyền làm một chuyến lên thượng lưu tìm “bạn nguồn”, nơi những Đại Bường, Hòn Kẽm, Đá Dừng... với biết bao da diết “Thương cha nhớ mẹ quá chừng bậu ơi”. Sông Hàn là bến cuối cũng là nơi bắt đầu cho biết bao khát vọng.

Biểu tượng cho sự cất cánh

Sau khi trực thuộc Trung ương, Đà Nẵng chọn khâu đột phá là chỉnh trang đô thị với việc di dời dân phố và làm mới những con đường. Lúc bấy giờ Đà Nẵng có khoảng 360.000 hộ thì có tới hơn 290.000 hộ được di dời tái định cư, một Đà Nẵng mới xuất hiện. Con đường Bạch Đằng làm chứng cho sự đổi thay kỳ diệu đó. Trước năm 1975, đường Độc Lập (Trần Phú hiện nay) và đường Bạch Đằng là hai con đường một chiều duy nhất của thành phố. Riêng Bạch Đằng hẹp, mặt cắt chỉ khoảng 6m. Làm sao nới rộng ra? Cả một công trình, cả một quyết tâm, thành phố quyết định đóng cọc và đổ bê-tông mở rộng gấp ba đường cũ để hôm nay, con đường Bạch Đằng vào loại đẹp và sầm uất nhất. Cùng với những khu phố mới, cả một vùng phía Đông được thức tỉnh sau bao đời. Bạn sẽ ngạc nhiên khi biết đèn điện đến năm 1980 mới xuất hiện tại vùng Phước Trường, Phước Mỹ. Làm gì để phát triển cả một vùng Đông có biển có núi vào loại đẹp nhất? Cầu Sông Hàn thành người lĩnh xướng cho bản hợp xướng hùng vĩ đổi đời ấy.

“Không ai tắm hai lần trên một dòng sông”, mười lăm năm ta biến hai bên bờ nhất là vùng Đông trở nên sầm uất, ta thêm những cây cầu với những dáng hình độc đáo, vậy mười lăm năm tới ta sẽ để lại gì? Làm mới cho dòng sông là làm mới cho thành phố. Sông không bao giờ cũ nhưng để nơi đây thật sự là nơi đáng đến, đáng sống thì còn nhiều việc phải làm. Nghĩ ra được cách làm mới vẫn quan trọng hơn sống với cái mới.

Bạn có ngạc nhiên khi biết rằng trong khoảng mười lăm năm sau năm 2000 mà Đà Nẵng có thêm năm cây cầu mới, nghĩa là hơn một cây số rưỡi có một cây cầu, có lẽ đây là dòng sông có nhiều cây cầu bắc qua sông nhất. Nếu cầu sông Hàn là biểu tượng của sự cất cánh, thể hiện một tầm nhìn mới cho một giai đoạn phát triển mới, thì những Thuận Phước, cầu Rồng, Trần Thị Lý, Tiên Sơn là những điểm tô cho một khát vọng lớn. Sông làm đẹp cho thành phố, cầu làm đẹp cho sông. Ngày xưa “Đứng bên ni Hàn, ngó qua bên tê Hàn nước xanh như tàu lá/ Đứng bên tê Hàn, ngó bên ni Hàn, thấy phố xá thênh thang”, ấy là nói thuở trăm năm trước, người bên quận Ba có việc qua bên chợ Hàn thì được gọi chung là “đi Đà Nẵng”, mặc nhiên Đà Nẵng hồi ấy chưa bao gồm quận Ba! Bây giờ thì khác, toàn bộ bờ Đông thành niềm kiêu hãnh chung cho thành phố. Có cầu, cả một con đường lộng lẫy phía Đông xuất hiện thay cho hàng trăm nhà chồ nhếch nhác một thời. Muốn khái quát về sự phát triển của Đà Nẵng không gì thuyết phục bằng chỉ ra sự thay đổi của “quận Ba” hôm nay.

Dưới sông, bến du thuyền với những con tàu du lịch, bến thuyền buồm với những tiện nghi hiện đại làm nên sự đa dạng và sầm uất. Ảnh: KIM LIÊN
Dưới sông, bến du thuyền với những con tàu du lịch, bến thuyền buồm với những tiện nghi hiện đại làm nên sự đa dạng và sầm uất. Ảnh: KIM LIÊN

Nếu sắp tới khu vực đảo Kim Cương (Ngũ Hành Sơn) và một cây cầu mới nối từ đường Bùi Tá Hán qua Hòa Xuân xuất hiện, hai bên bờ con sông này từ ngã ba sông (Cẩm Lệ) xuôi đến chân cầu Thuận Phước sẽ được đầu tư thành hai bờ ánh sáng. Ban ngày những con đường được quy hoạch hợp lý với những tòa tháp cao tạo điểm nhấn cho đô thị hiện đại, ban đêm khi ánh sáng được lập trình tạo nên cung bậc cảm xúc đặc biệt. Ánh sáng là thứ tạo ấn tượng mạnh nhất về đêm. Dưới sông, bến du thuyền với những con tàu du lịch, bến thuyền buồm với những tiện nghi hiện đại làm nên sự đa dạng và sầm uất. Sẽ chưa thể bằng những bến du thuyền ở Ý, Mỹ… nhưng đã bắt đầu cho một khát vọng mới của dòng sông, hiện đại và văn minh.

Câu chuyện bên dòng sông

Ngày xưa, phía hữu ngạn sông Hàn có một làng nổi tiếng An Hải, là một trong ngũ đại xã của tỉnh Quảng Nam ngày trước (phía tả ngạn có làng Nại Hiên). Tại vùng đất mà hiện nay là phường An Hải Tây có một tình bạn hiếm có thời cận đại giữa hai người con ưu tú đất này: Trần Quang Diệu và Nguyễn Văn Thoại. Như ta biết hai người sinh ra cùng một làng (An Hải), chênh nhau một tuổi, cùng học một thầy, cùng tắm trong một bến sông. Số phận dành cho hai ông những khúc rẽ khác nhau. Trần Quang Diệu cùng với người vợ nổi tiếng can trường Bùi Thị Xuân đầu quân cho nhà Tây Sơn và cùng trở thành danh tướng, còn Nguyễn Văn Thoại vào Nam phò Nguyễn Ánh, và trở thành một trong những danh thần triều Nguyễn.

Theo hai phía thù không đội trời chung nhưng kỳ lạ là họ vẫn giữ tình cảm bạn bè cao quý ít có. Nguyễn Văn Thoại, khi làm tướng lúc phải trực tiếp chỉ huy đánh thành do Trần Quang Diệu giữ, ông “bỏ đi”, dù biết rằng với hành vi bất tuân này ông sẽ bị biếm. Từ tướng đày xuống làm lính nhưng trong im lặng Nguyễn Văn Thoại vui lòng, vì ông giữ được cho mình tình bạn thủy chung. Khi Gia Long lên ngôi, Trần Quang Diệu, Bùi Thị Xuân và nhiều công thần thời Tây Sơn bị hành hình, biết mình không thể thay đổi, Nguyễn Văn Thoại về cắt đất của gia đình “trí” cho gia tộc Trần Quang Diệu để có hương hỏa phụng thờ. Ngày nay bạn tới khu vực làng An Hải ngày xưa ấy sẽ thấy ba con đường lớn: Nguyễn Văn Thoại, Trần Quang Diệu, Bùi Thị Xuân… và chi tiết này nữa: có một nhà thờ tộc Nguyễn Trần (sinh Nguyễn thác Trần), không biết có nơi nào có một nhà thờ tương tự? Ước chi ai đó sẽ làm một bộ phim về hai danh tướng này, ta có những chất liệu ấn tượng không thua kém nước nào để có phim hay.

Hình như sông khác người, càng “có tuổi” sông càng mới. Bến sông ngày trước giờ không còn ai tắm, nhưng mát lành của dòng sông càng thêm thắm thiết, sáng chiều sông đầy đặn trong mỗi người dân, mỗi khi qua cầu ta thấy niềm tự hào của mình lấp lánh trên sông. Ánh sáng sẽ làm cho dòng sông thêm đẹp, nhưng sẽ đẹp hơn nếu bờ Đông có thêm những hàng cây và hoa, một bờ sông hoa giấy rực rỡ sẽ không quá khó để làm. “Không ai tắm hai lần trên một dòng sông”, mười lăm năm ta biến hai bên bờ nhất là vùng Đông trở nên sầm uất, ta thêm những cây cầu với những dáng hình độc đáo, vậy mười lăm năm tới ta sẽ để lại gì? Làm mới cho dòng sông là làm mới cho thành phố. Sông không bao giờ cũ nhưng để nơi đây thật sự là nơi đáng đến, đáng sống thì còn nhiều việc phải làm. Nghĩ ra được cách làm mới vẫn quan trọng hơn sống với cái mới.

HUỲNH ĐỨC MINH

;
;
.
.
.
.
.