Khoảnh khắc những chùm pháo hoa rực sáng trên bầu trời trong nền nhạc lúc du dương, lúc sôi động giữa sông Hàn đã trở thành một phần ký ức tươi đẹp của không ít người dân, du khách khi đến Đà Nẵng.
Những bông pháo rực rỡ trên bầu trời Đà Nẵng như kết nối hàng vạn người dân và du khách lại gần nhau hơn. Ảnh: HUỲNH VĂN TRUYỀN |
Mười sáu năm qua, những đêm pháo hoa nghệ thuật như thế luôn là sự kiện lễ hội quốc tế được mong đợi tại thành phố bên sông Hàn, thu hút hàng triệu con tim bởi màn trình diễn đỉnh cao của một bộ môn nghệ thuật kết hợp cảm xúc, khoa học và sự sáng tạo không ngừng.
Từ ý tưởng ban đầu về một lễ hội pháo hoa
Chẳng có một hình dung nào trước đó hoàn toàn chính xác cho những màn trình diễn pháo hoa, bởi mỗi màn trình diễn pháo hoa giống như một tác phẩm nghệ thuật không lặp lại, không đóng khung, giúp người xem có được những trải nghiệm mới mẻ và tuyệt vời.
"Qua 11 lần tổ chức, DIFF đã trở thành một sản phẩm du lịch độc đáo giúp Đà Nẵng thu hút hàng triệu du khách trong và ngoài nước mỗi năm tại thời gian diễn ra sự kiện. Việc kết hợp trình diễn pháo hoa với các hoạt động văn hóa, ẩm thực, giải trí đã góp phần thúc đẩy ngành du lịch Đà Nẵng phát triển mạnh mẽ" Ông Trần Chí Cường, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng |
Suốt 16 năm tạo dựng thương hiệu “thành phố pháo hoa”, Đà Nẵng đã cho thấy sự bền bỉ, kiên định với quyết định của mình. Nguyên Giám đốc Sở Ngoại vụ Đà Nẵng Lương Minh Sâm nhớ lại, ý tưởng tổ chức cuộc thi bắn pháo hoa quốc tế được ông Nguyễn Bá Thanh, khi đó là Bí thư Thành ủy gợi ra trong một cuộc họp giữa các lãnh đạo thành phố năm 2007 và tiếp tục đề cập đến khi Tết Mậu Tý 2008 đã cận kề. Theo ông Sâm, Đà Nẵng lúc bấy giờ tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng phát triển du lịch, nhưng bộ máy chính quyền vẫn thấy lấn cấn vì thiếu sản phẩm du lịch đặc trưng.
Đà Nẵng lấy gì để ứng thí… đều là những ẩn số chưa có lời giải. “Không biết thì đi hỏi”, ông Thanh tỏ ra quyết tâm và giao nhiệm vụ cho cấp dưới ra Hà Nội, gặp các đại sứ quán tìm hiểu kinh nghiệm các nước. “Lúc ấy, đại sứ Malaysia gợi ý chúng tôi mời Công ty Global 2.000 Sdn.Bhd (Malaysia) chuyên tổ chức các lễ hội pháo hoa đến Đà Nẵng tư vấn cụ thể. Từ sự chỉ dẫn, chúng tôi vào google tìm được số liên lạc và gọi ngay cho Global 2.000. Một tuần sau, ông Joe Ghazzal, CEO của công ty này đến Đà Nẵng. Không chờ cuộc gặp chính thức, lãnh đạo thành phố tìm đến khách sạn nơi ông đang ở để hỏi chuyện. Từ đây, những ý tưởng về bắn pháo hoa theo nhạc, tiêu chí chấm giải, không gian tổ chức… đã được gợi mở”, ông Sâm nhớ lại.
Khi những ý tưởng ban đầu đã sáng rõ, Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh chỉ đạo thuộc cấp soạn một bản đề án chi tiết, gửi kèm công văn ra Hà Nội xin Thủ tướng Chính phủ cho phép thành phố tổ chức cuộc thi pháo hoa quốc tế Đà Nẵng (DIFC) hằng năm. Và Chính phủ đồng ý chọn Đà Nẵng là địa phương duy nhất tổ chức cuộc thi bắn pháo hoa quốc tế thường niên, kèm theo một yêu cầu duy nhất là tất cả kinh phí tổ chức không được sử dụng tiền ngân sách.
“Được lời như cởi tấm lòng”, thành phố dành 3 tháng chuẩn bị từ kinh phí, mặt bằng, cơ sở vật chất, con người… cho cuộc thi bắn pháo hoa quốc tế đầu tiên mang tên “Vũ điệu Tiên Sa”. Vị trí được chọn là đoạn sông giữa cầu quay Sông Hàn và cầu Thuận Phước - nơi có thể tận dụng khu vực cảng Đà Nẵng (cũ) đặt pháo và bãi đối diện bên bờ đông sông Hàn làm khán đài. Khi lựa chọn địa điểm này, ông Joe Ghazzal đã thuyết phục thành phố rằng vị trí này ở cửa sông, gió từ biển thổi vào, người xem sẽ ít bị ảnh hưởng bởi khói pháo. Đồng thời, mặt cắt khúc sông này khá rộng, hai bên thoáng đãng, có thể tạo được hiệu ứng ánh sáng phản chiếu xuống mặt nước. Cùng lúc, thành phố xúc tiến việc thành lập đội pháo hoa đại diện cho Đà Nẵng - Việt Nam, đưa những thành viên thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố sang Malaysia tập huấn, với suy nghĩ “quân đội thì tinh thần thép, tính kỷ luật cao, sẽ bảo đảm được các yếu tố kỹ thuật cũng như sự an toàn khi trình diễn”. Về bài toán kinh phí, lãnh đạo thành phố đứng ra kêu gọi các doanh nghiệp lớn tài trợ theo hình thức xã hội hóa.
Thành công từ cuộc thi “Vũ điệu Tiên Sa” với sự tham gia của 4 đội thi Canada, Hồng Kông (Trung Quốc), Malaysia, Đà Nẵng - Việt Nam năm 2008 đã ghi tên Đà Nẵng vào sách kỷ lục Việt Nam với dòng chữ “Cuộc thi pháo hoa quốc tế đầu tiên tổ chức tại Việt Nam”. Đây cũng là lần đầu tiên Đà Nẵng có đội bắn pháo hoa nghệ thuật dự thi với tư cách đại diện nước chủ nhà Việt Nam.
Nhiều năm giữ vai trò Đội trưởng Đội pháo hoa Đà Nẵng - Việt Nam, ông Huỳnh Ngọc Chính, Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố nói đó là hành trình học hỏi, khám phá đầy thú vị nhưng cũng lắm thách thức, gian nan. Bởi trên thực tế, ngay từ mùa lễ hội đầu tiên, đã có những tình huống, sự cố không mong muốn xảy ra, như khi bắn, pháo bay đường pháo, nhạc theo đường nhạc, thậm chí pháo đang cháy “ngon trớn” bỗng dừng lại do dây cháy chậm không khớp nối được với toàn bộ hệ thống. Chưa kể, theo từng năm, áp lực trình diễn càng lớn khi đội chủ nhà phải thi đấu với nhiều đội mạnh trên thế giới. Với tinh thần học hỏi, những sự cố dần được đội tuyển khắc phục, kỹ thuật trình diễn cũng vì thế trở nên hấp dẫn, bay bổng hơn.
Để DIFF tiếp tục bùng nổ
Có thể nói, qua các năm, công tác tổ chức Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng (DIFF) ngày càng được cải thiện theo hướng chuyên nghiệp hơn. Các vấn đề về an ninh, vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, bình ổn giá dịch vụ được thành phố thực hiện triệt để cũng góp phần tạo dựng hình ảnh Đà Nẵng xanh, sạch, đẹp, văn minh và là một trong những “Điểm du lịch đáng đến nhất châu Á năm 2024” do TripAdvisor bình chọn. Đến thời điểm hiện tại, DIFF 2024 với chủ đề “Made in unity - Kết nối toàn cầu - Rạng rỡ năm châu” đang bước vào giai đoạn cuối của công tác chuẩn bị.
Ông Trần Chí Cường, Phó Chủ tịch UBND thành phố khẳng định, qua 11 lần tổ chức, DIFF góp phần mang đến cho Đà Nẵng danh hiệu “Điểm đến đáng sống ở nước ngoài năm 2018”, “Điểm đến sự kiện - lễ hội hàng đầu châu Á”. Đồng thời, DIFF giúp nâng cao hình ảnh thành phố, quảng bá rộng rãi hình ảnh đẹp của Đà Nẵng đến du khách trong và ngoài nước. Và hơn hết, DIFF đã trở thành một sản phẩm du lịch độc đáo giúp Đà Nẵng thu hút hàng triệu du khách trong và ngoài nước mỗi năm tại thời gian diễn ra sự kiện. Việc kết hợp trình diễn pháo hoa với các hoạt động văn hóa, ẩm thực, giải trí đã góp phần thúc đẩy ngành du lịch Đà Nẵng phát triển mạnh mẽ.
DIFF với những màn trình diễn kết hợp giữa ánh sáng và âm thanh đỉnh cao đã trở thành sản phẩm thương hiệu độc quyền của Đà Nẵng. Ảnh: HUỲNH VĂN TRUYỀN |
Mới đây nhất, DIFF 2023 được đánh giá như một cú hích phục hồi du lịch Đà Nẵng sau 3 năm tạm dừng do Covid-19. Lượng khách qua hơn một tháng tổ chức sự kiện lễ hội pháo hoa là hơn 942 ngàn lượt. Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống, lữ hành tháng 6-2023 ước đạt 2.341 tỷ đồng, tăng 24,9% so với cùng kỳ năm 2022. Số lượng chuyến bay đến Đà Nẵng có giai đoạn lên đến 150 chuyến/ngày (gấp 1,5 lần thường nhật). Đây được cho là bước đà để du lịch Đà Nẵng tăng trưởng trở lại và duy trì đến thời điểm hiện tại.
Nhìn nhận DIFF đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng thương hiệu du lịch Đà Nẵng, ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch thành phố cho rằng, lễ hội pháo hoa quốc tế tổ chức liên tục nhiều năm, góp phần thu hút mạnh mẽ du khách trong và ngoài nước, cũng như đưa Đà Nẵng trở thành một trong những thành phố sự kiện hàng đầu Việt Nam, được tổ chức Giải thưởng Du lịch thế giới (World Travel Awards) hai lần vinh danh là Điểm đến lễ hội sự kiện hàng đầu châu Á trong hai năm 2016 và 2022. Để sự kiện DIFF ngày càng bùng nổ, ông Dũng cho rằng Đà Nẵng cần tiếp tục quan tâm đến hạ tầng kỹ thuật, cơ sở dịch vụ, không gian trình diễn lẫn tăng cường hoạt động quảng bá, truyền thông.
“Thành phố Đà Nẵng và đơn vị tổ chức nên đề xuất Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thống nhất danh mục các sự kiện du lịch quốc gia, trong đó có sự kiện trình diễn pháo hoa nghệ thuật quốc tế Đà Nẵng thành chuỗi các sự kiện được ấn định hằng năm. Có như vậy, mới có thể nâng tầm sự kiện này và tạo điều kiện thuận lợi cho du khách chủ động lên kế hoạch đi du lịch kết hợp tham dự sự kiện tại các điểm đến, trong đó có Đà Nẵng. Ở khía cạnh địa phương, thành phố cần thúc đẩy xây dựng hệ sinh thái sản phẩm pháo hoa, bao gồm các dịch vụ tiện ích chất lượng cao, kích thích du khách chi tiêu nhiều hơn cho các dịch vụ ăn uống, mua sắm, giải trí… trong thời gian đến Đà Nẵng”, ông Dũng đề xuất.
Cùng quan điểm này, ông Nguyễn Đức Quỳnh, Chủ tịch Hội Khách sạn Đà Nẵng cho hay, đến thời điểm hiện tại, thành phố có 4.646 hướng dẫn viên, 376 đơn vị kinh doanh lữ hành, 943 cơ sở lưu trú với hơn 40.000 phòng… Từ vùng trũng về du lịch, thành phố đã trở thành trung tâm du lịch, sự kiện lớn trong nước và khu vực Đông Nam Á với mức tăng trưởng 25-30% liên tục nhiều năm. Và lễ hội pháo hoa, là một trong những sự kiện nổi bật góp phần đưa khách du lịch và các chủ đầu tư tiềm năng đến Đà Nẵng.
Theo ông Quỳnh, để lễ hội này tiếp tục bùng nổ, thành phố cần tăng cường hoạt động quảng bá đến thị trường khách quốc tế, song song tổ chức các sự kiện văn hóa, nghệ thuật, ẩm thực quy mô lớn dọc hai bên bờ sông Hàn. Ngoài tập trung khai thác dòng khách truyền thống, cần có thêm những sản phẩm du lịch nổi bật, chất lượng cao để thu hút dòng khách tỉ phú, khách nhà giàu nhằm mang lại nguồn thu lớn hơn cho ngành du lịch.
Có thể nói, lễ hội trình diễn pháo hoa quốc tế tại Đà Nẵng không chỉ là sự kiện văn hóa, giải trí mà còn là cầu nối văn hóa, tinh thần giữa các quốc gia trên thế giới. Dựa trên vẻ đẹp của pháo hoa, thông điệp về hòa bình cũng được các đội khéo léo lồng ghép, lan tỏa rộng rãi. Người dân Đà Nẵng không ngừng háo hức mong chờ trước mỗi kỳ lễ hội. Bởi họ biết rằng, khi lễ hội diễn ra, bầu trời trên sông Hàn sẽ rực rỡ hơn bởi những “cơn mưa pháo hoa” tuyệt đẹp đến từ các đội tuyển hàng đầu thế giới.
TIỂU YẾN