Trong suốt chặng đời sau này nhìn lại, tôi nhận ra những hạt mầm về tình yêu thương, sự dìu dắt, nâng đỡ của người thân ở trong tôi luôn mạnh mẽ hơn những hạt giống đau khổ, muộn phiền. Những hạt giống ấy đôi khi mơ hồ, lẩn khuất trong một ngóc ngách nào đó của tầng sâu tâm khảm, có khi lại được gọi về, tô đậm nhờ dấu vết hằn in trên những đồ đạc gắn bó thuở ấu thơ.
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG |
Sau khi quyết định xây nhà mới được đưa ra, mỗi thành viên trong gia đình tôi bắt đầu vào việc. Tôi được phân công dọn lại cái nhà kho dưới chân cầu thang để chuẩn bị cho việc giải phóng mặt bằng. Gọi là nhà kho nhưng thực ra đó chỉ là một "căn phòng" có kích thước to hơn chiếc tủ đựng áo quần một chút, có hai cánh cửa nhưng không có ổ khóa, ai cần vứt thứ gì vào đó thì vứt cho nhanh.
Đồ đạc trong kho không quá nhiều nhưng ngổn ngang đủ chủng loại. Nào là những bộ rèm màn, khăn trải bàn không còn dùng đến, những chiếc xoong, chảo của mẹ, dụng cụ làm vườn của ba, những đôi giày nhựa xinh xinh của cậu em trai, những con búp bê với những bộ tùng xòe xanh đỏ tím vàng của tôi nữa.
Khi tôi vừa chạm đến, mỗi thứ đều xộc lên mũi thứ mùi cũ kỹ, ẩm mốc. Tôi toan dồn tất cả vào một chiếc thùng giấy lớn mà không cần phân loại, rồi chờ xe rác đến, thảy tất cả lên đó là xong. Thế nhưng, khi những đồ đạc phía bên ngoài được dọn đi, sát tường bắt đầu lộ ra một căn "nhà kho" thu nhỏ khác của cha tôi. Chiếc rương gỗ được cha chia thành nhiều ngăn, trong từng ngăn sẽ đựng những đồ đạc mà cha từng trân quý. Chiếc bật lửa nặng tay, lớp vỏ ngoài được khảm công phu hình một con rồng đang uốn lượn. Rồi chiếc mũ lưỡi trai màu xanh lá cây. Vài cuốn sổ bọc da và tập thư tay được cha gói vào trong một lớp giấy dó thô ráp, ngả vàng đặt ở ngăn dưới cùng,…
Trong mớ đồ đạc ấy, tôi đặc biệt chú ý đến chiếc radio màu đen đã tróc sơn lốm đốm, có kích cỡ bằng cuốn vở học trò, góc phải có gắn một chiếc ăng ten. Tất nhiên loa là bộ phận sẽ được thiết kế phía trước, còn bên phải loa là những nút tròn để dò kênh và vặn chỉnh âm thanh.
Lúc tôi còn nhỏ, gia đình sống ở quê. Ngôi nhà nép bên lũy tre già ngày đêm gió khua kẽo kẹt. Cách bờ sông một đoạn chính là những bãi bồi. Ở đó có một cây xoan to, vòng tay ôm không xuể và mấy khóm dâu tằm, hoa dâm bụt được ai đó trồng ngay hàng thẳng lối, thay thế những chiếc hàng rào.
Những buổi sáng mùa xuân, khi mặt trời chưa lên, sương mai còn giăng đầy hơi ẩm, cha hay dắt tôi theo xuống bãi bồi để trồng ớt, trồng cà, làm cỏ mè, cỏ đậu. Tôi sung sướng quá nên cứ mải miết chạy nhảy vòng, hết đào đất, bới cỏ, tôi lại men ra bờ bụi để tìm hoa dại, đuổi theo ong bướm, nhặt xác chuồn chuồn.
Chiếc radio lúc đó được cha treo vào một cành cụt chỗ cây xoan. Nó như người bạn cứ đều đặn phát đi những thông tin, bài hát với ca từ mà một đứa bé con chưa thể hiểu. Điều tôi nhớ được là niềm vui, cảm giác an lành và trong trẻo.
Tôi đã từng nghe đâu đó câu nói, đứa trẻ hạnh phúc dùng tuổi thơ để ôm ấp cuộc đời, đứa trẻ bất hạnh dùng cả cuộc đời để chữa lành tuổi thơ. Trong suốt chặng đời sau này nhìn lại, tôi nhận ra những hạt mầm về tình yêu thương, sự dìu dắt, nâng đỡ của người thân ở trong tôi luôn mạnh mẽ hơn những hạt giống đau khổ, muộn phiền. Những hạt giống ấy đôi khi mơ hồ, lẩn khuất trong một ngóc ngách nào đó của tầng sâu tâm khảm, có khi lại được gọi về, tô đậm nhờ dấu vết hằn in trên những đồ đạc gắn bó thuở ấu thơ.
Có lẽ trong cha bây giờ vẫn vẹn nguyên cảm giác an lành về một sớm mai ngày cũ. Ở đó, bên bờ sông lặng gió, khi sương giăng lóng lánh đầy cành, có một cô bé con lí lắc nghịch ngợm, và dù có tò mò đến mấy về thế giới xung quanh thì cô vẫn chỉ muốn quẩn quanh, nương náu trong tầm mắt, sự ấm áp của cha mình.
Tôi chầm chậm ngồi xuống sắp xếp lại đồ đạc từ căn nhà kho, phân loại từng thứ, từng thứ một. Tôi biết cùng với chiếc mũ màu xanh lá, con búp bê tùng xòe, chiếc rèm màu hồng tro đã cũ… Mỗi thứ đều có một câu chuyện của riêng mình, tôi lần nữa được yêu thương.
MINH THI