Về quê vẫn thích nhất là đi chợ quê. Bởi ở nơi đây, người ta vẫn được nhìn thấy những nét văn hóa xưa cũ mà cổ nhân lưu giữ. Từ cách ăn mặc dung dị của người mẹ, người bà; đến những hàng quán mang đậm chất truyền thống mộc mạc; hay những loại đặc sản có một không hai mà người thành thị lùng mua cho bằng được... Đặc biệt là gian hàng mắm, nơi lưu giữ hương vị làng quê, "miễn nhiễm" trước những món ăn hiện đại của thời buổi hội nhập toàn cầu.
Ảnh: Đ.V.T |
Mắm quê ra đời từ rất lâu - thuở người xưa khai hoang mở cõi. Để giữ cho món ăn không bị hư, ông cha ta đã biết mày mò làm ra con khô, miếng mắm, cọng dưa chua... Rồi theo thời gian, mắm quê được lưu giữ, sáng tạo và phát triển cho đến ngày hôm nay. Để bắt nhịp đương thời, hậu bối khéo léo "dặm mắm thêm muối" một chút để hợp khẩu vị với từng người, từng vùng miền, nhưng vẫn không làm mất đi hương vị tinh túy, bản sắc dân tộc. Nếu như ở miền Nam có mắm cá lóc, mắm tép, mắm đu đủ, mắm ba khía...; miền Trung có mắm rò, mắm cá cơm, mắm mực...; thì miền Bắc có mắm cáy, mắm tôm, mắm rươi...
Mỗi miền có một khẩu vị riêng nhưng phải công nhận rằng nó đều phù hợp với bà con trên khắp đất nước hình chữ S. Ai cũng đón nhận hương vị mắm từ quê bạn một cách nồng nhiệt, trân trọng, nâng niu. Mỗi loại mắm có một hương vị riêng biệt, nhưng đều có chung một sự đậm đà, thơm ngon và hấp dẫn. Mắm quê hương không chỉ là một món ăn ngon mà còn là một phần của văn hóa và truyền thống ẩm thực Việt Nam. Hơn thế nữa còn là một biểu tượng của sự bền vững và sự kết hợp tinh tế giữa người và thiên nhiên, mang trong mình nét độc đáo và sự đa dạng văn hóa của địa phương.
Cũng là mắm, nhưng tại sao mắm làm ở thị thành lại không bao giờ ngon bằng mắm được mua từ ở làng quê? Chuyện dễ hiểu thôi. Trước tiên là cái tâm tưởng của mỗi con người đều nghĩ ngay mắm ở quê ngon hơn. Từ cái suy nghĩ đó thì dù bạn có mua bất cứ loại mắm nào của thị thành cũng không bao giờ ngon bằng cách mà bạn thưởng thức ở chính nơi đồng ruộng, xóm làng. Cái không gian ẩm thực nó quan trọng là thế. Vả lại mắm quê được chính những đôi bàn tay khéo léo của những người mẹ, người bà có nhiều năm kinh nghiệm làm mắm.
Không theo bất kỳ một công thức cứng nhắc, khoa học nào cả, chỉ là quen tay, quen vị mà cho ra đời những con mắm thơm ngon, đậm đà. Họ làm bằng đam mê, bằng tâm huyết, tỉ mẩn, khéo léo thổi hồn quê vào từng loại mắm nên nó ngon là chẳng có gì phải bàn cãi. Thêm một điều nữa, mắm ở thị thành luôn ưu tiên hàng đầu là kinh doanh nên mắm ít nhiều bị "biến tấu", thêm bớt nguyên liệu nên hương vị đặc trưng vốn có không còn. Người sành ăn mắm, chỉ cần quan sát người bán, cách họ trình bày, hương vị, màu mắm... sẽ cho ra kết quả sau 5 giây thôi.
Đi ngang gian hàng mắm quê, người ta không thể hờ hững lướt qua nhanh được. Nán lại giây phút, chân chầm chậm, khứu giác tận hưởng cái hương vị đặc trưng của làng quê yên ả. Rồi như vì thích, vì ghiền, vội vã rút hầu bao mua một ít đem về nhà dùng. Những người con xa quê, lâu lâu về thăm nhà, bắt gặp cảnh chợ quê với gian hàng mắm đa sắc, lòng lại bổi hổi bồi hồi nhớ về ký ức của tuổi thơ gian khó ngày xưa.
ĐẶNG VĂN TRUNG