Nhiều chính phủ trên khắp châu Âu dần loại bỏ “thị thực vàng” - chương trình cấp quyền cư trú cho người nước ngoài rót tiền vào bất động sản và kinh doanh. Động thái này khiến những công dân ở ngoài Liên minh châu Âu (EU) hết hy vọng dễ dàng có được quyền cư trú tạm thời.
Khu phố Pasalimani ở thành phố Piraeus đã thu hút nhiều nhà đầu tư nước ngoài theo chương trình “thị thực vàng” của Hy Lạp. Ảnh: NYT |
Khi cuộc khủng hoảng nợ châu Âu lên đến đỉnh điểm năm 2012, nhiều quốc gia thuộc khối Eurozone đã triển khai chương trình “thị thực vàng” nhằm giúp bù đắp thâm hụt ngân sách, thu hút đầu tư, vực dậy thị trường bất động sản.
Nhà ở không phải là một hoạt động đầu cơ
Sau hơn 10 năm triển khai “thị thực vàng”, Bồ Đào Nha đã huy động được 6,8 tỷ euro (7,3 tỷ USD), trong đó 90% số tiền được đổ vào bất động sản. Năm 2023, phản ứng dữ dội ngày càng tăng từ người dân địa phương đã khiến chính phủ Bồ Đào Nha thu hẹp chương trình “thị thực vàng” vốn được ví như “thỏi nam châm” thu hút các nhà đầu tư có giá trị tài sản ròng cao. Làn sóng người nước ngoài đổ xô mua nhà tại Bồ Đào Nha góp phần gây ra cuộc khủng hoảng bất động sản. Chính phủ nước này dần dần phải ngừng “thị thực vàng” để giải quyết tình trạng thiếu nhà ở giá rẻ cho người dân trong nước.
Ông Alex Ingrim - Cố vấn tài chính của Công ty dịch vụ tài chính toàn cầu Chase Buchanan nói rằng, Bồ Đào Nha từ lâu đã là điểm đến của những người châu Âu giàu có và cả người Nam Mỹ lẫn người Trung Quốc. Trong 10 năm tính đến năm 2023, số lượng cư dân nước ngoài ở Bồ Đào Nha tăng hơn 500.000 người, với khoảng 30.000 người được hưởng lợi từ chương trình “thị thực vàng”.
Đến năm 2024, theo ông Ingrim, nhiều người Mỹ muốn tìm hiểu về cơ hội lấy thị thực ở Pháp và Tây Ban Nha hơn. Nhưng rồi Tây Ban Nha cũng rơi vào cuộc khủng hoảng nhà ở tương tự. Cách đây vài ngày, Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez tuyên bố sẽ thực hiện các biện pháp cần thiết để biến nhà ở thành một quyền sở hữu chứ không phải là một hoạt động đầu cơ.
Trước đó, tháng 2-2023, với áp lực của EU, Ireland đã loại bỏ chương trình “thị thực vàng”. Đến tháng 1-2024, Hà Lan có động thái tương tự. Riêng Malta vẫn duy trì chương trình tương tự với tên gọi hộ chiếu vàng” (sở hữu hộ chiếu của một quốc gia thông qua các chương trình đầu tư). Mua quyền công dân tại đảo quốc ở trung tâm Địa Trung Hải này nghĩa là nhà đầu tư và gia đình có thể làm việc, du lịch và học tập trên khắp phần còn lại của EU.
Để nhận được quyền công dân qua chương trình “hộ chiếu vàng” của Malta, công dân nước ngoài phải đầu tư 590.000 - 740.000 euro; mua bất động sản trị giá ít nhất 700.000 euro, hoặc trả tiền thuê ít nhất 16.000 euro mỗi năm (trả trong 5 năm); quyên góp thêm 10.000 euro và trả tổng cộng 26.500 euro tiền cọc không hoàn lại cùng các loại phí. Tuy nhiên, việc Malta bán “hộ chiếu vàng” gây nhiều lo ngại về an ninh cho toàn khối. Ủy ban châu Âu (EC) thậm chí kiện Malta ra Tòa án Công lý của Liên minh châu Âu (ECJ).
Mua nhà chỉ là một giấc mơ
Báo cáo do Viện Kinh tế Lao động (Đức) công bố hồi tháng 3-2024 cho biết, “thị thực vàng” đã thúc đẩy phát triển kinh tế ở các quốc gia cung cấp chương trình này. Song, báo cáo cũng đưa ra nhận định: Các chính phủ cần cân bằng giữa lợi ích kinh tế với việc bảo vệ khỏi những rủi ro tiềm ẩn, bao gồm hành vi rửa tiền và quá trình chỉnh trang đô thị tràn lan. Sau nhiều năm thị trường bất động sản tại châu Âu trải qua biến đổi sâu sắc, nhà ở ngày càng nằm ngoài tầm với của người lao động có thu nhập khiêm tốn.
Bà Laura McDowell làm đại lý cho cơ quan bất động sản Mobilia có trụ sở tại Athens (Hy Lạp) nói rằng, việc cho thuê nhà ngắn hạn đã khiến giá thuê ở các trung tâm thành phố trở nên quá đắt đỏ, và vấn đề càng trở nên nghiêm trọng hơn khi các nhà đầu tư từ nhiều quốc gia chuyển những ngôi nhà mua thông qua chương trình “thị thực vàng” sang nhà cho thuê để nghỉ dưỡng.
Kế hoạch như bà McDowel chia sẻ đã thu hút công dân Trung Quốc, nhiều người bay tới Athens mang theo vali chứa đầy tiền mặt. Các công ty đầu tư Trung Quốc cũng mua các tòa nhà ở các khu dân cư thu nhập thấp và khu vực có nhà ở sinh viên, cải tạo căn hộ và bán lại cho những người xin thị thực. Ngày nay, toàn bộ khu chung cư, ngay cả ở những khu vực từng không được ưa chuộng trong và xung quanh Athens, đều thuộc sở hữu phần lớn của người nước ngoài.
Chính phủ Tây Ban Nha có kế hoạch xây dựng 40.000 đơn vị nhà ở xã hội để đáp ứng nhu cầu của người dân. Tuy nhiên, bất chấp sự phục hồi của Tây Ban Nha sau cuộc khủng hoảng tài chính, tiền lương vẫn không theo kịp tốc độ tăng trưởng của thị trường bất động sản. Gần 1/5 số công nhân có mức lương tối thiểu 1.134 euro/tháng, trong khi giá thuê nhà ở thủ đô Madrid đã tăng 15% vào năm 2023 và tỷ lệ lạm phát là 3,2%. Vì vậy, với nhiều người dân châu Âu, sẽ phải mất nhiều năm mới tiết kiệm đủ tiền để đặt cọc mua một ngôi nhà. “Mua nhà chỉ là một giấc mơ”, bác sĩ trẻ Ana Jimena Barba sống tại Madrid nói.
KHÁNH LINH